Cải tạo đồi keo trồng giống ớt đắt nhất thế giới đem lại thu nhập trăm triệu
Tình cờ biết đến loại ớt Aji Charapita (hay còn gọi là ớt Peru), hai người đàn ông ở Hà Tĩnh đã cải tạo khu đất trồng keo để trồng thử nghiệm. Sau 3 năm, loại ớt đắt đỏ nhất thế giới đã phát triển tốt, cho thu nhập đáng kể.
Nhận thấy loại ớt Aji Charapita (hay còn gọi là ớt Peru) có giá trị cao, năm 2019 anh Lê Sỹ Tân (40 tuổi, quê xã Thiên Lộc, huyện Can Lộc, Hà Tĩnh) đã hợp tác cùng ông Trương Văn Thủy (54 tuổi) ươm, trồng tại quê nhà.
Khu đất trồng ớt rộng hơn 1ha, tại thôn Quý Linh, xã Thạch Xuân, huyện Thạch Hà. Đây trước là khu đất trồng keo của gia đình ông Thuỷ. Sau đó hai người đàn ông đã đầu tư khoảng 500 triệu đồng để cải tạo đất, xây nhà trông coi, nhà lưới vườn ươm, hệ thống tưới tiêu giống ớt về trồng thử nghiệm.
Anh Tân cho biết, do thiếu kinh nghiệm, đợt đầu trồng hơn 1.000 cây ớt nhưng bị chết hết, gây thiệt hại lớn. Dù vậy anh vẫn quyết tâm học hỏi thêm kinh nghiệm, tiếp tục nhân giống lại loại ớt này.
Sau 3 năm trồng, trang trại anh Tân có hơn 500 gốc ớt sinh trưởng tốt, cho thu hoạch, năng suất cao. Thời gian qua, trang trại ớt cho thu về hơn 400 triệu đồng, trừ các chi phí, chủ vườn có lãi hơn 300 triệu đồng.
Hiện nay, ớt Peru được anh Tân bán cho các vị khách ở các thành phố lớn như Hà Nội, Đà Nẵng, TPHCM,… giá 1 triệu đồng/kg. Còn với người dân nội tỉnh, anh bán 700.000 đồng/kg. Cứ thu hoạch đến đâu số lượng ớt đều được tiêu thụ hết.
Ớt Peru khi chín chuyển thành màu vàng, trái ớt nhỏ nên để thu hoạch mất khá nhiều thời gian.
Ớt Peru có trái tròn, nhỏ như hạt đậu, màu vàng cam. Là loại ớt như một gia vị quý, cung cấp hàm lượng Vitamin C cao gấp nhiều lần ớt thường. Khi ăn, ớt Peru cay nồng, thơm đặc trưng riêng. Đây vốn là loại cây mọc hoang ở những khu rừng phía bắc Peru, sau này được người dân phát hiện và mang về trồng trọt, kinh doanh.
Sau khi hái xong, ớt được để vào những chiếc rổ để nhặt bỏ lá còn sót ra ngoài.
Ớt được đóng gói vào những túi lưới để vận chuyển đi bán cho khách hàng.
Ớt Peru được đánh giá là lúc còn nhỏ khó chăm sóc, dễ bị sâu bệnh. Tuy nhiên khi khoảng 8 tháng tuổi trở lên thì chỉ cần bón bằng phân vi sinh là cây phát triển tốt và cho thu hoạch. Mỗi cây thu hoạch từ 4-5kg quả/năm.
Hiện anh Tân đang đầu tư vườn ươm lưới, ươm số lượng hơn 7.000 cây. Mô hình này giúp trang trại có thêm giống trồng vừa bán cho người có nhu cầu.
Cây giống hiện tại bán với giá cây con 50 ngàn đồng, còn loại cây lớn đã ra quả giá 100 ngàn đồng.
Ông Nguyễn Huy Hà, Chủ tịch UBND xã Thạch Xuân cho biết: "So với trồng cây hoa quả truyền thống, bình thường khác, loại ớt anh Tân trồng cho thu lãi gấp cả chục lần . Mô hình ớt của anh Tân ban đầu thất bại nhưng sau đó anh tiếp tục học hỏi thêm kinh nghiệm và nay đã phát triển tốt, cho thu nhập cao, giải quyết việc làm cho lao động địa phương”.
Thứ quả dại này chỉ có ở Ninh Thuận, khi chín có vị chua chua ngọt ngọt, thơm phức.
Nguồn: [Link nguồn]