Cách tính thuế nhập khẩu xăng dầu đang có vấn đề

Hiệp hội Xăng dầu Việt Nam (VINPA) vừa có văn bản gửi Thủ tướng nêu một số bất cập trong cách tính thuế nhập khẩu xăng dầu hiện hành.

Theo đó, VINPA cho biết sau khi Bộ Tài chính áp dụng cách tính thuế nhập khẩu xăng dầu theo bình quân gia quyền đã phát sinh chênh lệch giữa thuế nhập khẩu thực tế doanh nghiệp phải nộp với mức thuế bình quân.

Điều này tạo ra sự không minh bạch cũng như thiếu cơ sở pháp lý trong điều hành xăng dầu. Đặc biệt cách tính thuế mới gây ra khó khăn cho dự án lọc dầu Dung Quất.

Cụ thể, từ ngày 21-3, Bộ Tài chính áp mức thuế nhập khẩu để tính giá cơ sở là bình quân gia quyền các mức thuế nhập khẩu ưu đãi theo thực tế nhập khẩu hàng quý, lấy số liệu quý trước tính cho quý sau. Hiện mức thuế nhập khẩu đang áp dụng để tính giá cơ sở là 18,35% đối với xăng, 2,32% đối với diesel và 0% đối với dầu hỏa và madut.

Cách tính thuế nhập khẩu xăng dầu đang có vấn đề - 1

Kho hàng xăng dầu. Ảnh minh họa

Tuy nhiên, hiện Việt Nam đang thực hiện lộ trình giảm thuế nhập khẩu xăng dầu theo các cam kết hiệp định thương mại với ASEAN và Hàn Quốc. Theo đó, thuế nhập khẩu xăng từ ASEAN ở mức 20% và dầu là 0%; tương tự, đối với Hàn Quốc là  10% và 5%. Trong khi đó, phần lớn xăng dầu nhập khẩu về Việt Nam xuất phát từ thị trường ASEAN và Hàn Quốc.

Như vậy, nếu các doanh nghiệp nhập khẩu xăng từ Hàn Quốc sẽ chỉ phải nộp thuế nhập khẩu 10%; trong khi đó mức thuế nhập khẩu để tính giá cơ sở đến tay người tiêu dùng hiện hành vẫn ở mức hơn 18%.

Để khắc phục sự chênh lệch trên, VINPA đề nghị Thủ tướng cho phép giảm thuế nhập khẩu xuống còn 10% đối với xăng và 0% đối với các mặt hàng dầu trong biểu thuế nhập khẩu ưu đãi. Bởi mức thuế nhập khẩu thấp nhất theo các cam kết của Việt Nam với quốc tế là 10% đối với xăng và 0% đối với các mặt hàng dầu. Do vậy VINPA đề nghị lấy mức thuế này để tính giá cơ sở.

VINPA cũng cho rằng việc giảm thuế nhập khẩu xăng dầu sẽ ảnh hưởng đến thu ngân sách nhưng bù lại Nhà nước có thể tăng thu thuế nội địa như thuế tiêu thụ đặc biệt, thuế bảo vệ môi trường.

Bên cạnh đó VINPA cũng đề xuất cho phép tiếp tục điều chỉnh mức thuế nhập khẩu của lọc hóa dầu Dung Quất đối với xăng từ 20% xuống 10%; các loại dầu và xăng máy bay JetA1 về 0%. Việc giảm thuế này sẽ tạo điều kiện cho Nhà máy lọc dầu Dung Quất cạnh tranh với hàng nhập khẩu.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Trà Phương (Pháp luật TPHCM)
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN