"Cách tiếp cận với giá điện không rõ ràng"
PGS - TS Trần Đình Thiên, Viện trưởng Viện kinh tế VN cho rằng cách tiếp cận với giá điện hiện nay không rõ ràng giữa giá thị trường và giá bao cấp.
Lương thấp, điện cao
PGS – TS Trần Đình Thiên, Viện trưởng viện kinh tế Việt Nam cho rằng, bản chất của việc cứ tăng giá điện lại gây bức xúc là vì lương thấp, do chi phí sản xuất, công nghệ trong nền kinh tế đều đang phải tiêu dùng điện quá nhiều. Chúng ta nên nhìn giá điện như một tọa độ để phân tích các điểm cân bằng khác trong nền kinh tế. Đơn giản, nếu không cân bằng được vấn đề giữa tiền lương và giá điện, thì khi sửa được bất hợp lý của ngành điện lại sẽ phát sinh ra bất hợp lý của ngành khác. Trong tương lai, nếu giá điện có thể được điều chỉnh theo giá thị trường nhưng cơ chế tiền lương không thay đổi thì người dân sao có thể chịu được.
Theo phân tích của PGS – TS Trần Đình Thiên, mặt bằng tiền lương của chúng ta đang quá thấp, nên khi giá điện có tăng ít đến đâu thì mọi người cũng sẽ thấy có tổn thất đáng kể. Khi tiền lương không được xử lý tốt thì ngành điện phải đối mặt với nhiều bức xúc là điều dễ hiểu. "Hơi tăng giá điện là người ta phản ứng, đủ các thứ bực bội cộng với tiền lương thấp tạo thành một áp lực không công bằng với ngành điện." – TS Trần Đình Thiên nói.
PGS – TS Trần Đình Thiên - Viện trưởng Viện kinh tế Việt Nam
Với góc nhìn của một chuyên gia kinh tế nhiều năm kinh nghiệm, PGS – TS Trần Đình Thiên cho rằng, chúng ta chỉ đang tập trung vào giá điện khi đưa ra quan điểm mà không có cái nhìn toàn diện thì đó không phải giải pháp tốt cho phát triển. Đối với người dân và doanh nghiệp, vấn đề lương thấp giá cao gây ra nhiều khó khăn trong đời sống, vậy thì nhìn từ câu chuyện giá điện, chúng ta cần xem xét xử lý ngay vấn đề lương nữa để cân bằng được an sinh xã hội.
Về vấn đề tiền lương, Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh cũng khẳng định, chính phủ luôn quan tâm tới nhiệm vụ phải điều chỉnh chính sách tiền lương sao cho hài hòa với sự phát triển của xã hội, đảm bảo đời sống cho người lao động. Cụ thể, ngày 6-8 tại Hà Nội, Hội đồng tiền lương Quốc Gia đã chính thức ra mắt và đi vào hoạt động. Theo đó, Hội đồng tiền lương Quốc Gia sẽ là cơ quan tham vấn trực tiếp cho Chính phủ về các chính sách lương trong thời gian tới, đảm bảo mức lương tối thiểu hợp lý theo từng thời kỳ.
Minh bạch và cơ chế thị trường trong giá điện
Mới đây, ngày 30-7 tại phiên họp thường kỳ của Chính phủ, Thủ tướng đã trực tiếp chỉ đạo yêu cầu Bộ Công Thương phải đẩy nhanh lộ trình giá thị trường đối với điện, xăng, dầu và đảm bảo tính minh bạch, công khai trong hoạt động liên quan tới mặt hàng này. Trong buổi họp, Thủ tướng cũng nhấn mạnh rằng: "Chúng ta phải công khai, minh bạch để người dân hiểu và chia sẻ với điều hành của Chính phủ".
Tuy nhiên, ngay sau đó, Bộ Công thương đã từ chối trả lời các câu hỏi liên quan tới điện trong buổi họp báo thường kỳ của ngày 5-8. Từ đây, vấn đề công khai, minh bạch trong giá điện càng được dư luận quan tâm nhiều hơn. Viện trưởng Viện kinh tế Việt Nam, PGS –TS Trần Đình Thiên cho rằng, giá điện là yếu tố mang tính ổn định xã hội rất cao, đặc tính khác với giá của mặt hàng khác, nó ảnh hưởng trực tiếp vào đời sống của từng người trong xã hội, đặc biệt là người nghèo. "Ta thấy điện cứ tăng giá nhưng lại giải trình không kịp thời, không dứt khoát, không rõ ràng mà lại thêm việc từ chối trả lời như vậy thì càng gây ra tâm lý không tốt cho xã hội. Còn giải thích rằng đã có người trả lời rồi thì đó không phải là một câu trả lời tốt." – Ông nói.
Tại sao giá điện lại là vấn đề được đặc biệt quan tâm, mặc dù các các mặt hàng khác thì giá cũng tăng chứ không phải không tăng. Viện trưởng Viện kinh tế VN cho rằng cách tiếp cận với giá điện hiện nay không rõ ràng giữa giá thị trường và giá bao cấp. Trong khi đó, cơ quan quản lý và EVN đều không giải trình được cho người sử dụng theo một logic mạch lạc cho nên "cứ lúng túng mãi". Trong khi cần có một giá đầy đủ, giá thị trường cho ngành điện thay vì phải ôm một cái giá bao cấp cho nên làm sao thỏa mãn được mọi đối tượng trong xã hội. Đại diện Viện kinh tế VN đề xuất: trong ngắn hạn Chính phủ cần cân bằng nhanh chóng về chính sách tiền lương cho người lao động, thêm vào đó, cần phải đẩy nhanh lộ trình xây dựng thị trường bán lẻ điện cạnh tranh, tạo ra một sân chơi công bằng cho người dân sử dụng điện và cả bên bán điện.