Cá tra: Vừa không có hàng bán vừa bị áp thuế phá giá
Theo ước tính của hiệp hội Chế biến và xuất khẩu thuỷ sản Việt Nam (Vasep), những ngày đầu tháng 9, khách hàng hỏi mua cá số lượng gấp ba lần so với trước nhưng doanh nghiệp không còn cá để bán. Hàng loạt nhà máy đang phải chạy cầm chừng, hoặc ngưng hoạt động.
Theo ông Dương Ngọc Minh, phó chủ tịch Vasep, sở dĩ xảy ra tình trạng này là do vài năm gần đây giá cá xuống thấp, lượng cá nuôi trong dân sụt giảm tới 70%, doanh nghiệp lại không đầu tư nuôi nên gặp khó khăn.
70 nhà máy chế biến cá tra hiện nay cần trung bình 3.300 tấn cá nguyên liệu mỗi ngày. Thế nhưng sản lượng cá ngoài thị trường chỉ cung cấp được chưa tới 15.000 tấn/ngày, nếu cộng thêm cá của doanh nghiệp tự nuôi cũng không thể nào đáp ứng đủ. Do đó, ông Minh cho rằng mặc dù nhu cầu thị trường vẫn nhập khẩu bình thường và đang có xu hướng tăng nhưng ngành cá tra lại không hưởng lợi được vì không có hàng để xuất khẩu. Dự báo nguyên liệu cạn kiệt không chỉ trong một tháng hay một quý mà sẽ kéo dài cả một vụ nuôi nếu không có chính sách hỗ trợ kịp thời.
Mặc dù nhu cầu thị trường vẫn nhập khẩu bình thường và đang có xu hướng tăng nhưng ngành cá tra lại không hưởng lợi được vì không có hàng để xuất khẩu. Ảnh: TL
Trong lúc đó, ngày 4.9, bộ Thương mại Hoa Kỳ (DOC) vừa thông báo quyết định sơ bộ của đợt rà soát hành chính lần thứ 9 (POR 9) thuế chống bán phá giá đối với mặt hàng cá tra, ba sa xuất khẩu từ Việt Nam trong giai đoạn từ 1.8.2011 – 31.7.2012. Theo đó, hai công ty có doanh số lớn nhất về xuất khẩu cá tra, cá ba sa vào thị trường này bị áp mức thuế cao nhất là công ty Vĩnh Hoàn (0,42 USD/kg) và công ty Hùng Vương (2,15 USD/kg). Cả hai mức thuế này đều tăng gần gấp đôi so với đợt rà soát lần thứ 8. Mức thuế đối với các doanh nghiệp còn lại tuy thấp hơn nhưng cũng lên tới 0,99 USD/kg đến 2,11 USD/kg.
Trao đổi với phóng viên Sài Gòn Tiếp Thị chiều 5.9, ông Dương Ngọc Minh, cho biết phán quyết sơ bộ của POR9 mà DOC vừa công bố vẫn phải chờ phán quyết cuối cùng dự kiến vào tháng 3.2014. Ông Minh cho rằng việc DOC chọn Indonesia làm quốc gia thay thế để tính toán biên độ phá giá và áp mức thuế chống bán phá giá là không phù hợp bởi Indonesia không phải là nước tương đồng về điều kiện kinh tế cũng như đặc thù ngành nuôi trồng và chế biến cá tra, cá ba sa với Việt Nam. Do đó, phía Việt Nam, trong đó có các bộ, ngành, Vasep, luật sư sẽ thu thập hồ sơ, số liệu chứng minh doanh nghiệp Việt Nam không bán phá giá, đồng thời yêu cầu DOC thay đổi quốc gia thay thế là Bangladesh làm cơ sở tính toán biên độ phá giá.
Trong lần POR6 của năm 2010, DOC cũng chọn Philippines làm quốc gia thay thế nên kết quả sơ bộ, các bị đơn bị tính thuế từ 2,44 – 4,22 USD/kg. Tuy nhiên trước sự phản ứng của Việt Nam, cuối cùng DOC phải huỷ phương án chọn Philippines và tiếp tục sử dụng Bangladesh làm nước thay thế, nhờ đó mức thuế cuối cùng mà doanh nghiệp phải chịu của POR6 chỉ từ 0 – 0,02 USD/kg.