Cá tra Việt Nam sẽ trở lại thị trường Nga

Trong tháng 3/2014 hoặc chậm nhất là cuối tháng 4 tới, các sản phẩm cá tra xuất khẩu của Việt Nam có thể quay trở lại thị trường Nga...

Bài học "thị trường Nga"

Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP) cho biết, sau nhiều nỗ lực làm việc với phía Nga (sau khi nước này đưa ra lệnh không cho phép cá tra Việt Nam vào thị trường Nga từ ngày 31.1.2014), các sản phẩm cá tra xuất khẩu của Việt Nam đã được phía Nga chấp thuận trở lại. Ông Trương Đình Hòe- Tổng Thư ký VASEP cho biết: "Nếu không có gì thay đổi thì khoảng tháng 3 hoặc cuối tháng 4 phía Nga sẽ hủy bỏ lệnh tạm ngừng nhập khẩu cá tra từ các doanh nghiệp Việt Nam".

Trước đó, Nga đã cấm nhập cá tra của ta khi đoàn thanh tra nước này kiểm tra 8 nhà máy chế biến, 2 trang trại nuôi cá tra, 2 phòng thí nghiệm của Việt Nam và phát hiện trong quá trình nuôi cá tra không kiểm soát việc áp dụng kháng khuẩn. Nga cũng đã nhiều lần có lệnh cấm nhập khẩu cá tra từ Việt Nam với lý do cá của ta không đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm. Mỗi năm các đoàn thanh tra của Nga đã đến Việt Nam để kiểm tra các doanh nghiệp chế biến xuất khẩu và đã có không ít doanh nghiệp bị đưa vào diện cảnh báo hoặc cấm xuất sản phẩm sang Nga.

Thực tế, cá tra Việt Nam luôn đảm bảo các tiêu chuẩn kỹ thuật song ở một vài khâu, một vài doanh nghiệp đã có vấn đề xuất phát từ nguyên liệu, chế biến đến xuất khẩu. Bài học của thị trường Nga đã cho chúng ta thấy rõ "lỗ hổng" trong sự phối hợp giữa các doanh nghiệp với các cơ quan thẩm quyền của Việt Nam trong việc kiểm soát chất lượng sản phẩm cá tra xuất khẩu. "Ngay từ khi có vấn đề chúng ta cần nghiêm túc xem xét để có biện pháp khắc phục những sai sót có thể phát sinh, tránh trường hợp bị thị trường đóng cửa với sản phẩm chỉ vì sai sót của một vài doanh nghiệp"- ông Hòe cho biết.

Cần một giải pháp bền vững

Hiện nay, do Việt Nam đã gia nhập WTO nên những tiêu chuẩn về vệ sinh an toàn thực phẩm khá đồng nhất so với Nga cũng như thế giới. Điều quan trọng là vấn đề xảy ra đối với từng doanh nghiệp, từng lô hàng khác nhau, vì thế không thể từ việc này mà có thể quy kết cho cả hệ thống vì với các thị trường khó tính khác, cá tra Việt Nam vẫn được công nhận là đạt yêu cầu và được tiêu thụ mạnh.

Theo số liệu từ VASEP, trong năm 2013, tổng giá trị xuất khẩu thủy sản Việt Nam vào Nga chiếm khoảng 1,5% tổng giá trị xuất khẩu thủy sản, đạt trên 100 triệu USD. Sản lượng cá tra nguyên liệu năm 2014 ước đạt 850.000-900.000 tấn. Tổng kim ngạch xuất khẩu cá tra năm 2014 dự kiến giảm khoảng 5% so với năm 2013, đạt khoảng 1,7 tỷ USD.Ông Hòe cho biết: "Việt Nam đang có những nỗ lực rất lớn trong việc đẩy mạnh hoạt động nuôi trồng, chế biến, xuất khẩu cá tra. Nhiều doanh nghiệp đạt được những chứng nhận quốc tế như BAP (tiêu chuẩn thực hành nuôi trồng thủy sản tốt nhất), ASC (Hội đồng quản lý nuôi trồng thủy sản) và Global GAP…". Với thị trường Nga, ông Hòe cho hay, khi Nga dỡ bỏ lệnh tạm ngừng, các doanh nghiệp xuất khẩu cá tra của Việt Nam sẽ phải nỗ lực thì mới có thể hồi phục được thị trường này.

Theo ông Nguyễn Hữu Dũng - Phó Chủ tịch VASEP, Liên bang Nga gồm 83 bang với 150 triệu dân sẽ vẫn là một trong những thị trường nhập khẩu cá tra trọng điểm của Việt Nam trong tương lai. Trong bối cảnh con cá tra Việt Nam vẫn liên tục bị các thị trường "vây hãm" bằng các hàng rào vệ sinh an toàn thực phẩm, thuế chống bán phá giá... thì thị trường Nga sẽ vẫn là lối thoát tốt.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Mai Hương (Dân Việt)
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN