Cá tra Việt Nam bị chặn đường vào Mỹ

DOC vừa công bố tăng thêm 0,23 USD/pao thuế chống bán phá giá cá tra trong POR8. Việc DOC tăng thêm mức thuế chống bán phá giá cá tra khác nào triệt đường cá tra Việt Nam vào Mỹ.

Tăng vì tính toán sai

DOC vừa công bố tăng thêm 0,23 USD/pao thuế chống bán phá giá cá tra trong POR8 vì cho rằng đã có sai sót trong tính toán của họ. Cụ thể, hầu hết các công ty bị đơn trong POR8 đều bị tăng mức thuế chống bán phá giá từ 0,35 USD/pao (0,77 USD/kg) lên 0,58 USD/pao (1,29 USD/kg), tăng khoảng 65% so với mức thuế ban đầu.

Riêng 2 bị đơn bắt buộc là Công ty CP Vĩnh Hoàn vẫn giữ nguyên mức thuế 0,19 USD/kg, còn Việt An (Anvifish) lại bị tăng thuế từ 1,34 USD/kg lên 2,39 USD/kg, tức tăng gần 80%. Sự thay đổi này đưa ra sau kết quả POR8 vào tháng 3 vừa qua với mức thuế DOC công bố tăng cao đột ngột từ 25 - 45 lần.

Cá tra Việt Nam bị chặn đường vào Mỹ - 1

Cá tra Việt Nam tiếp tục gặp khó khăn khi Mỹ tăng thêm 65% thuế bán phá giá.

DOC lý giải cho việc tăng thêm 65% này là khi rà soát lại kết quả POR8 đã phát hiện có những sai sót không cố ý trong tính toán. Cụ thể là họ đã dán nhầm định mức sử dụng cá tra nguyên con của Anvifish, tính toán nhầm tiêu thụ nhiên liệu diesel của Docifish (Công ty CP Docifish) và đưa doanh số hàng bán bị trả lại vào quá trình tính toán biên độ phá giá của các công ty Anvifish và Vĩnh Hoàn.

Hiện Mỹ vẫn là thị trường nhập khẩu cá tra lớn nhất của Việt Nam, chiếm khoảng 20% tổng lượng xuất khẩu. Tuy nhiên, xuất khẩu cá tra sang thị trường này đã chững lại trong quý I/2013.

Ông Trương Đình Hòe - Tổng Thư ký Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP) bức xúc: “Với mức thuế suất tăng thêm này, gần như đã bằng với giá bán cá tra vào Mỹ. Tức thuế suất đã gần bằng 100% cho một mặt hàng thực phẩm bình thường, không phải mặt hàng đặc biệt gì cả, thì thật là quá phi lý. Chúng tôi sẽ tiếp tục theo đuổi vụ kiện đến cùng”.

Sẽ bỏ thị trường Mỹ?

Các DN xuất khẩu cá tra Việt Nam đều cho rằng việc DOC tăng thêm mức thuế chống bán phá giá cá tra khác nào triệt đường cá tra Việt Nam vào Mỹ.

Với một mức thuế tăng chóng mặt như vậy, DN xuất khẩu cá tra vào Mỹ sẽ cầm chắc lỗ, bởi DN không thể tăng giá bán cao tương ứng mức thuế như thế. Ông Nguyễn Văn Phấn - Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty CP Chế biến thủy hải sản Hiệp Thanh cho biết, mấy tháng qua công ty hầu như giảm hẳn xuất khẩu qua thị trường Mỹ, chỉ còn xuất cầm chừng và tìm cách chuyển hướng sang các thị trường Trung Đông, châu Á, EU.

Giá bán cá tra của Việt Nam sang thị trường Mỹ bình quân khoảng 2,8 - 3 USD/kg, nếu cộng thêm với thuế suất 1,29 - 2,39 USD/kg thì cá tra Việt Nam phải tăng giá bán lên thành 4,2 - 5,4 USD/kg, tăng gần gấp đôi, là một điều gần như không thể. Thực tế đã cho thấy từ tháng 3 đến nay, từ khi DOC công bố thuế suất POR8, các DN Việt Nam nỗ lực đàm phán lắm cũng chỉ tăng giá bán lên được có 3,4 - 3,5 USD/kg. Có 8 DN được xem là “thoát nạn” trong đợt xem xét hành chính lần này nhờ có những thỏa thuận trước đó với Hiệp hội Chủ trại nuôi cá nheo Mỹ (CFA) với hy vọng là “phao cứu sinh” cho cả ngành cá tra Việt Nam ở thị trường này, cũng đang bị o ép.

Lãnh đạo một DN chế biến cá tra xuất khẩu ở An Giang cho hay: “Thực tế, để không là bị đơn trong POR8, chúng tôi đã phải trả một số tiền trực tiếp cho CFA, ước tính bằng khoảng 2% giá trị nhập khẩu trong POR8. Tuy nhiên, theo một số thông tin gần đây, CFA đang yêu cầu chúng tôi trả một lượng tiền lớn hơn rất nhiều trong kỳ POR9 sắp tới nếu muốn tiếp tục được miễn xem xét hành chính. Bởi họ cho rằng mức thuế trung bình đă tăng đáng kể thì lượng tiền này cũng phải tăng tương ứng. Nếu như vậy thì chúng tôi chết chắc”.

Như vậy, bằng cách này hay cách khác, DOC và CFA đã gần như triệt mọi đường vào Mỹ của con cá tra Việt Nam, nếu vụ kiện sắp tới họ thắng. Theo các chuyên gia, dù phía Mỹ có thua trong vụ kiện này, thì trong những kỳ POR 9, 10 sắp tới, họ cũng sẽ tiếp tục gây khó dễ và ép không cho tăng giá bán. “Tôi cho rằng để phát triển ngành cá tra bền vững, chúng ta cần chấn chỉnh lại hoạt động của ngành, sắp xếp lại DN, quy hoạch lại vùng nguyên liệu, mở cửa thêm nhiều thị trường mới...” - TS Nguyễn Việt Thắng - Chủ tịch Hiệp hội Cá tra Việt Nam nói.

Bà Phan Thị Diệu Hà-Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) cho rằng: DOC tăng thuế chống bán phá giá cá tra sẽ rất khó cho các doanh nghiệp thủy sản xuất khẩu của Việt Nam. Chúng tôi đã nhận thấy các khó khăn này và đã khuyến cáo các doanh nghiệp bên cạnh việc đoàn kết, đẩy mạnh xuất khẩu sản phẩm với giá cao thì cần đa dạng hóa thị trường. Chúng tôi cũng ủng hộ các doanh nghiệp khởi kiện lại việc áp thuế vô lý của Mỹ. 

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Ngọc Minh - Nguyễn Phương (Dân Việt)
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN