Cá tra bội thu: Tránh phụ thuộc Trung Quốc
Những tháng cuối năm 2017, cá tra tăng giá kỷ lục, nông dân vui mừng, giá trị xuất khẩu cá tra cũng tăng.
Thông tin từ Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP), xuất khẩu cá tra năm nay ước đạt gần 1,8 tỉ USD, tăng gần 4% so với năm trước. Còn theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, năm 2017 được xem là năm trở lại của con cá tra.
Nông dân lãi đậm
Giá cá tra thương phẩm tăng từ đầu năm và hiện ở mức 25.000-27.000 đồng/kg, với mức giá này người nuôi lãi từ 4.000-6.000 đồng/kg. Đặc biệt, tại một số tỉnh, trong tháng 12, giá cá tra đạt mức 29.500 đồng/kg trong khi vào thời điểm này những năm trước, cá tra chỉ khoảng 21.000-22.000 đồng/kg.
Chế biến cá tra tại một doanh nghiệp ở ĐBSCL Ảnh: NGỌC TRINH
Đây là lần đầu tiên giá cá tra ở mức cao như vậy trong tháng cuối năm bởi thông thường, thời điểm này, giá cá tra sẽ xuống thấp, do doanh nghiệp (DN) đã hoàn tất các hợp đồng đã ký. Nguồn nguyên liệu cá tra tại khu vực ĐBSCL đang thiếu, sản lượng nuôi giảm, chất lượng cá giống không cao. Hiện các DN vẫn tiếp tục đẩy mạnh xuất khẩu cuối năm.
Ghi nhận tại các tỉnh ĐBSCL, diện tích nuôi cá tra năm 2017 đạt 6.078 ha, tăng 3,1% so với cùng kỳ năm ngoái. Sản lượng thu hoạch 12 tháng đạt 1.252.000 tấn (tăng 5,4%). Trong đó, các tỉnh có diện tích nuôi lớn đạt sản lượng cá tra tăng mạnh là Đồng Tháp với sản lượng 466.300 tấn (tăng 6%), An Giang với sản lượng 261.600 tấn (tăng 5,9%), Cần Thơ với sản lượng đạt 174.200 tấn (tăng 6,4%).
Ông Huỳnh Quang Khắp (ngụ huyện Châu Phú, tỉnh An Giang) phấn khởi: "Tôi vừa bán 2 ao cá tra với giá 28.500 đồng/kg, đây là giá bán cao nhất trong nhiều năm trở lại đây. Mấy năm nay, giá cá tra giảm sâu, trồi sụt thất thường làm nông dân lỗ nặng nhưng thời điểm này, giá cá đã tăng trở lại nhưng ít người có để bán".
Theo ông Nguyễn Tấn Phong, Giám đốc HTX Thủy sản Đại Thắng (thị xã Ngã Bảy, tỉnh Hậu Giang), HTX cũng vừa xuất bán 200 tấn cá tra cho 2 công ty với giá 28.500 đồng/kg. Với giá thành sản xuất cá tra chỉ khoảng 22.000 đồng/kg nên với giá trên, nông dân lãi đậm.
Thị trường Trung Quốc sẽ còn tăng
Xuất khẩu cá tra có tăng nhẹ so với năm 2016, song cần nhìn nhận lại một điều là cơ cấu thị trường đã thay đổi. Xuất khẩu cá tra sang Mỹ giảm 10%, đặc biệt giảm mạnh sau khi Mỹ chính thức áp dụng chương trình thanh tra cá da trơn từ ngày 1-8-2017. Thị trường Liên minh châu Âu (EU) không ổn định với cá tra do tác động của truyền thông bẩn từ đầu năm.
Vào năm 2011, thị trường EU và Mỹ lần lượt chiếm 29,14% và 18,37% kim ngạch xuất khẩu toàn ngành và lúc bấy giờ thị phần của Trung Quốc - Hồng Kông chỉ có 3,07%. Đến năm 2015, tỉ trọng xuất khẩu lần lượt của 3 thị trường là EU 18,22%, Mỹ 20,16% và Trung Quốc - Hồng Kông 10,3%. Đến năm 2016, tỉ trọng này lần lượt đạt 15,2%, 22,6% và 17,8%. Và trong năm 2017, Trung Quốc đã vượt Mỹ trong top thị trường nhập khẩu cá tra của Việt Nam. Với mức tăng 37% trong năm 2017 và giá trị nhập khẩu 420 triệu USD, Trung Quốc đang dẫn đầu các thị trường nhập khẩu cá tra.
Theo ông Nguyễn Minh Toại, Giám đốc Sở Công Thương TP Cần Thơ, Trung Quốc là một thị trường tiềm năng, trong khi xuất khẩu cá tra sang Mỹ và EU sụt giảm thì xuất khẩu sang Trung Quốc lại tăng, giúp tiêu thụ sản phẩm cá tra. Song, các DN không chỉ bám vào thị trường Trung Quốc mà phải tìm các thị trường khác ổn định và xuất khẩu giá cao hơn. "Bởi phía Trung Quốc "ăn hàng" rất dễ tính, không đòi hỏi cao, nếu DN sản xuất chỉ bám vào thị trường này mà không chú trọng an toàn vệ sinh thực phẩm hay các vấn đề khác thì về lâu dài khó xuất bán cá tra cho nhiều thị trường khác" - ông Toại nhận định.
Trong khi đó, ông Võ Hùng Dũng, Tổng Thư ký Hiệp hội Cá tra Việt Nam, nhận định thị trường Trung Quốc sẽ còn tiếp tục tăng trưởng. Một phần do họ thấy cá tra xuất khẩu vào Mỹ và EU - 2 thị trường đặt ra nhiều rào cản nhưng cá tra Việt Nam vẫn vào được nên tin rằng sản phẩm của chúng ta phải đạt chất lượng thật tốt. "Nếu khi nhà nhập khẩu Trung Quốc thấy chúng ta mất thị trường Mỹ và EU thì họ sẽ hạn chế nhu cầu và dần dần thị trường này cũng mất đi" - ông Dũng cảnh báo.
Cần đưa ra giá sàn xuất khẩu Tại một hội thảo về thủy sản được tổ chức mới đây ở TP Cần Thơ, ông Jean Charles Diener, chuyên gia tư vấn chiến lược thủy sản vào EU, khuyến cáo để khôi phục lại thị trường EU thì các DN cần nâng cao chất lượng cá tra, thay đổi chiến lược bán hàng và phải khôi phục lại hình ảnh cá tra. Để làm được điều này, Chính phủ cần hỗ trợ hiệp hội và tổ chức kinh doanh trong khôi phục hình ảnh, đưa ra giá sàn xuất khẩu tối thiểu, DN cần ngồi lại bàn bạc để giải quyết vấn đề tồn tại trong ngành cá tra. |