Cá tầm Trung Quốc “bay” lậu?
Một doanh nghiệp buôn cá tầm Trung Quốc hé lộ, ít nhất khoảng 700 tấn cá tầm lậu/năm được chuyển từ Hà Nội vào TPHCM bằng đường hàng không. Thủ phủ nuôi cá tầm Việt Nam cũng bị cá lậu cạnh tranh. Người tiêu dùng bị lừa, doanh nghiệp nuôi cá chờ phá sản...
Không cơ quan nào biết
Ông Nguyễn Văn Toản, giám đốc Công ty TNHH Trường Toàn, một đầu mối phân phối cá tầm lớn nhất TPHCM (cũng là hội viên Hiệp hội Cá nước lạnh) thừa nhận công ty ông hiện đang bán cả cá tầm Trung Quốc. “Cá tầm Trung Quốc 100% là nhập lậu.
Tôi nhấn mạnh, 100% nhập từ Hà Nội vào Sài Gòn là qua đường hàng không. Nếu không vận chuyển theo đường hàng không vào Nam, với khí hậu và khoảng cách địa lý xa như vậy thì cá chỉ có chết” - ông Toản nói.
Theo ông Toản, TPHCM có khoảng 5-6 thương gia mua cá tầm Trung Quốc vận chuyển bằng đường không vào rồi chuyển đi các tỉnh miền Tây, miền Đông Nam Bộ với tổng số lượng khoảng 600-700 tấn/năm, trung bình mỗi ngày khoảng 2 tấn cá.
Chiều 2/5, trả lời về việc có hay không buôn lậu hàng trăm tấn cá tầm Trung Quốc bằng đường hàng không, Cục trưởng Hàng không Lại Xuân Thanh cho biết: Ngành hàng không chỉ chịu trách nhiệm kiểm tra các hàng hoá có khả năng gây nguy hiểm như chất cháy nổ, vũ khí...
Người nuôi cá tầm trong nước khốn đốn vì cá TQ nhập lậu. Ảnh: Sỹ Lực.
Với những hàng hoá thông thường khác, trong đó có cá tầm, trách nhiệm chính thuộc các ngành chuyên môn, phía hàng không chỉ có trách nhiệm phối hợp.
Đại diện hải quan sân bay Nội Bài cũng cho biết chỉ kiểm soát hàng xuất, nhập khẩu chứ không kiểm soát cá tầm nhập lậu bằng đường bộ rồi vận chuyển bằng hàng không nội địa. Một lãnh đạo Cục Thú y - (Bộ NN&PTNT) cho biết, chỉ kiểm dịch động vật – thuỷ sản xuất, nhập khẩu; trách nhiệm kiểm dịch nội địa thuộc sở NN&PTNT địa phương. Trong khi đó, ông Nguyễn Huy Đăng – Phó GĐ Sở NN&PTNT Hà Nội lại nói không có chốt kiểm tra tại sân bay. Trách nhiệm thuộc Cục Thú y và lực lượng quản lý thị trường.
Khốn đốn vì cá tầm lậu
Trong một hội nghị của Hiệp hội Cá nước lạnh mới đây, vấn đề nóng nhất được các hội viên thảo luận là giải pháp ứng phó với cá tầm Trung Quốc nhập lậu.
Ông Đỗ Tiến Thắng, GĐ Công ty Thiên Hà, người đi đầu trong việc phát triển cá tầm ở Sa Pa - (Lào Cai) phản ánh: Tình trạng buôn cá tầm ở Lào Cai đang rầm rộ hơn bao giờ hết. Mỗi ngày có hàng chục tấn được chuyển qua đường biên với đủ các thành phần tham gia.
Thậm chí có trường hợp, chồng là công an, vợ buôn cá tầm lậu. Vì thế, ngay tại Sa Pa, cá tầm nội bị cá tầm Trung Quốc đánh bật. “Lực lượng chức năng có bắt vài vụ, sau đó lại xẹp ngay. Trước đây, mỗi năm tôi nuôi 60 tấn; giờ chỉ nuôi 20 tấn để bán cho nhà hàng quen” - anh Thắng nói.
Không chỉ biên giới phía Bắc, miền Trung, Tây Nguyên cũng khốn khổ trước cơn bão cá tầm lậu của Trung Quốc. Ngay tại các nhà hàng ở Lâm Đồng, nơi chiếm tới gần 2/3 sản lượng cá tầm của cả nước cũng xuất hiện cá tầm Trung Quốc được gắn mác cá tầm Đà Lạt (Lâm Đồng).
Theo đại diện Cơ quan Quản lý Cites Việt Nam (Công ước về buôn bán quốc tế các loại động vật, thực vật hoang dã nguy cấp), cá tầm nhập khẩu phải được cơ quan này cấp phép.
Tuy nhiên, đến thời điểm này, chưa một lô hàng nào được cấp. Điều đó chứng tỏ tất cả cá tầm Trung Quốc xuất hiện ở Việt Nam là lậu. Các hội viên Hiệp hội Cá nước lạnh đều khẳng định, cá tầm Trung Quốc là giống lai, nuôi theo mô hình công nghiệp có chất lượng không bằng cá tầm trong nước, trốn thuế và đội lốt cá tầm nội để bán với giá từ 100 đến dưới 200 nghìn/kg.
Nhà hàng, khách sạn, chợ đầu mối, thậm chí siêu thị chọn loại cá này để bán vì dễ kiếm lời, các đơn vị trong nước không thể cạnh tranh nổi.
Đơn cử như Tập đoàn Cá tầm Việt Nam, lượng cá tầm bán về thị trường TPHCM và các tỉnh phía Nam sụt giảm mạnh từ cuối năm 2012. Hàng chục doanh nghiệp, hộ nông dân ký hợp đồng nuôi gia công cho tập đoàn này cũng buộc phải bỏ nghề.
Ông Đỗ Quang Tùng-GĐ Cơ quan Quản lý CITES cho rằng, cá tầm nhập lậu có thể được nuôi trong môi trường công nghiệp không đảm bảo, thiếu kiểm soát nguồn gốc. Đây sẽ là nguồn lây bệnh cho con người; nguy hiểm không khác gì gà thải loại Trung Quốc.
Chiều 2/5, sau khi nghe PV Tiền Phong thông tin về việc buôn lậu cá tầm qua đường hàng không, một lãnh đạo Cảng vụ Hàng không miền Bắc (đóng tại sân bay Nội Bài) nói: “Sẽ phối hợp với cơ quan chức năng kiểm tra ngay”.