Cà phê Việt Nam thắng lớn

00:00 / 0:00
Chuẩn
Tốc độ đọc

Kim ngạch xuất khẩu cà phê niên vụ 2023-2024 đạt 5,43 tỷ USD, Hiệp hội Cà phê - Ca cao Việt Nam cho biết và khẳng định đây là trị giá cà phê xuất khẩu cao nhất từ trước đến nay.

Sản lượng xuất khẩu giảm, trị giá tăng

Báo cáo về kim ngạch xuất khẩu cà phê Việt Nam niên vụ 2023-2024 (kéo dài từ tháng 10/2023 đến tháng 10/2024) của Hiệp hội Cà phê - Ca cao Việt Nam (VICOFA) nêu rõ, Việt Nam đã xuất khẩu khoảng 1,46 triệu tấn cà phê, giảm hơn 12,1% so với niên vụ 2022-2023.

Theo VICOFA, dù lượng cà phê xuất khẩu giảm nhưng trị giá vẫn tăng mạnh tới hơn 33%, lý do là giá cà phê tăng cao. Nhờ đó, xuất khẩu cà phê niên vụ qua đã đóng góp hơn 5,4 tỷ USD vào kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam.

Trong niên vụ qua, giá cà phê Việt Nam liên tục lập đỉnh, đạt mức cao nhất trong vòng 30 năm qua. Ngày 30/10, theo khảo sát của PV Tiền Phong, giá cà phê nguyên liệu tại Tây Nguyên đang ở mức 105-109 triệu đồng/tấn. Trong khi đó, ngày 30/10/2023, giá cà phê nguyên liệu tại đây cao nhất chỉ ở mức 58-59 triệu đồng/tấn.

Xuất khẩu cà phê lập kỷ lục, đạt 5,43 tỷ USD. Ảnh minh họa.

Xuất khẩu cà phê lập kỷ lục, đạt 5,43 tỷ USD. Ảnh minh họa.

VICOFA dự báo, giá cà phê Việt Nam trong niên vụ 2024-2025 sẽ tiếp tục duy trì ở mức cao.

Số liệu từ Tổng cục Hải quan cho biết, xuất khẩu cà phê của Việt Nam trong nửa đầu tháng 10 năm nay đạt 21,5 nghìn tấn, kim ngạch đat 125,8 triệu USD, tăng 0,4% về lượng và tăng 7,5% về trị giá so với nửa đầu tháng 9; so với nửa đầu tháng 10/2023 tăng hơn 20% về lượng và tăng 98% về trị giá.

Thị trường xuất khẩu nhiều biến động

Mặc dù kim ngạch xuất khẩu cà phê tăng mạnh nhưng sản lượng cà phê của Việt Nam đang trên đà giảm.

Ông Nguyễn Nam Hải - Chủ tịch VICOFA - cho hay: “Diện tích cà phê đang ngày càng bị thu hẹp do những năm trước giá cà phê thấp, ảnh hưởng đến thu nhập của người dân nên bà con đã chuyển đổi sang cây trồng khác. Để tăng diện tích và tăng sản lượng cây cà phê trong thời gian tới là rất khó. Chúng ta nên tìm một biện pháp thích hợp để phát triển lâu dài chứ không thể trông đợi quá nhiều vào thị trường”.

Giá cà phê tăng cao trong thời gian qua. Ảnh minh họa.

Giá cà phê tăng cao trong thời gian qua. Ảnh minh họa.

Thời gian qua, giá cà phê trên thế giới tăng cao do nhiều nguyên nhân, trong đó có ảnh hưởng của biến đổi khí hậu, hiện tượng El Nino gây khô hạn khắp các vùng trồng cà phê toàn cầu, dẫn đến giảm nguồn cung.

Ngoài ra, những cuộc xung đột quân sự trên thế giới cũng khiến chi phí vận chuyển và nhiều chi phí khác trong xuất khẩu tăng cao. Bên cạnh đó, nhiều nhà đầu cơ tài chính trên thế giới chọn cà phê để đầu cơ cũng tác động lớn đến giá mặt hàng này.

Theo ông Nguyễn Nam Hải, điều quan trọng khiến giá cà phê tăng là quy định chống phá rừng (EUDR) của EU. Hiện cà phê Việt Nam đã được xuất khẩu tới trên 80 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới.

Quy định chống phá rừng của châu Âu (EUDR) nêu rõ, từ ngày 30/12, các công ty không thể xuất khẩu một số sản phẩm nông nghiệp (trong đó có cà phê) vào thị trường này nếu không chứng minh được sản phẩm của họ không liên quan đến phá rừng. Tuy nhiên, với các công ty nhỏ, tính hiệu lực của quy định EUDR được lùi lại tới tháng 7/2025. Vì thế, nhiều doanh nghiệp châu Âu đang tích cực thu mua cà phê.

Thời gian tới, quy định này được áp dụng sẽ ảnh hưởng khá lớn đến thị trường xuất khẩu cà phê của Việt Nam.

Giá cà phê cao nhất trong lịch sử nên dù sản lượng sụt giảm, giá trị xuất khẩu cà phê của Việt Nam trong vụ qua vẫn phá mọi kỷ lục

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Thanh Huyền ([Tên nguồn])
Thông tin thị trường Xem thêm
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN