Cá ngừ Việt Nam: Sản lượng cao, đẳng cấp thấp
Năm 2013, sản lượng cá ngừ đại dương cả nước đạt 15.942 tấn, giá trị xuất khẩu hơn 526 triệu USD. Nhiều ý kiến cho rằng, nếu được “nâng cấp”, giá trị của cá ngừ Việt Nam còn cao hơn nhiều.
Theo Tổng cục Thủy sản, nghề câu cá ngừ đại dương (CNĐD, còn gọi là cá bò gù) được du nhập vào Việt Nam từ năm 1994, ngư dân Phú Yên là nơi khởi sự đầu tiên, sau đó lan ra nhiều tỉnh, thành. Hiện cả nước có khoảng 3.500 tàu khai thác CNĐD (chiếm 14% tàu cá xa bờ), với trên 35.000 ngư dân tham gia lao động trên biển, cùng hàng vạn nhân lực vận chuyển - chế biến - kinh doanh.
Hoạt động chế biến và xuất nhập khẩu CNĐD đã mở rộng và liên kết với thị trường quốc tế. Tuy nhiên, một thực trạng chung là sự liên kết chuỗi trong sản xuất CNĐD vẫn còn lỏng lẻo, kém hiệu quả, chưa được kiểm soát và thiếu bền vững. Khâu khai thác, bảo quản sản phẩm sau thu hoạch là yếu nhất trong chuỗi giá trị sản phẩm cá ngừ. Bởi chất lượng sản phẩm kém nên dù sản lượng cao nhưng thực tế CNĐD loại 1 đạt tiêu chuẩn xuất khẩu để ăn sống (theo kiểu sashimi) luôn thấp hơn một số nước trong khu vực. Điều này làm giảm giá trị sản phẩm, ngư dân không thu nhập tương ứng công sức bỏ ra, gây lãng phí lớn đối với tài nguyên đất nước.
Ông Nguyễn Văn Việt - ngư dân kiêm chủ tàu CNĐD ở Hoài Nhơn (Bình Định) nói: “Ngư dân khai thác CNĐD luôn có tham vọng học hỏi, bám biển vươn lên làm ăn lớn. Thế nhưng cơ chế cho vay đầu tư vẫn còn quá “cảnh giác”, lại thiếu những chính sách mang tính đòn bẫy thực sự. Thị trường CNĐD lại chưa được quản lý bình ổn, cái cảnh “được mùa, mất giá, và ngược lại cứ diễn ra triền miên”.
Cá ngừ đại dương về cảng Tuy Hòa (Phú Yên) ngày 2/4.
Liên quan đến vốn vay đầu tư hiện đại tàu CNĐD, ông Nguyễn Văn Hà - Phó Giám đốc Ngân hàng Nhà nước tỉnh Phú Yên nói: “Phải có cơ chế cho vay đặc thù riêng đối với ngành khai thác CNĐD. Lâu nay, các ngân hàng thương mại luôn cho ngư dân đóng tàu CNĐD vay thấp, bởi… rủi ro cao; ngư dân thì không đủ tài sản thế chấp. Chính sách cho vay ưu đãi chưa đến được các trường hợp rủi ro, để ngư dân yên tâm bám biển”.
Các chuyên gia cho hay, trữ lượng nguồn lợi CNĐD (vây vàng và mắt to) ở vùng biển nước ta đạt khoảng 800.000 tấn, khả năng khai thác cho phép là 40.000 tấn. Biển Việt Nam vẫn còn một số giống CNĐD khác, với trữ lượng khá lớn. Trữ lượng lớn nhưng vì sao tàu câu vẫn nhiều chuyến trắng tay? Theo ông Nguyễn Viết Nghĩa - Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Hải sản, điều đó là do khả năng đánh giá ngư trường, luồng cá của ngành khai thác CNĐD còn yếu. Bởi ở từng vùng biển, từng thời điểm, việc di chuyển của các đàn CNĐD luôn khác nhau.
Sản lượng cao nhưng thực tế CNĐD loại 1 đạt tiêu chuẩn xuất khẩu để ăn sống (theo kiểu sashimi) luôn thấp hơn một số nước trong khu vực. |
Ông Phạm Ngọc Tuấn - Phó Cục trưởng Cục Khai thác, bảo vệ nguồn lợi thủy sản (Tổng cục Thủy sản) cho rằng: “Sản phẩm CNĐD của ngư dân thường bị “ép” giá là do các đội câu thường không có tàu chuyên vận chuyển cá vào bờ để bán nên các tàu cứ tập trung về cùng lúc “theo mùa trăng”. Khi phải mua cá quá nhiều cùng lúc, các doanh nghiệp chế biến phải tốn chi phí bảo quản thời gian dài. Họ cũng vay vốn trả lãi, nên buộc phải hạ giá mua. Nếu các tàu câu CNĐD cập bến rải đều trong tháng thì đã tránh được phần nào hiện tượng ép giá”.
Ông Tuấn nhấn mạnh: Phải có đội tàu hiện đại mới nói đến việc làm chủ giá trị ngư trường CNĐD và khả năng vươn xa trong khu vực. Vấn đề “Tổ chức sản xuất cá ngừ theo chuỗi giá trị” đang được cơ quan chức trách tích cực nghiên cứu để đề đạt tìm cơ chế đầu tư hiệu quả bền vững. Khi đẳng cấp CNĐD Việt Nam được nâng cao thì ngư dân đánh bắt sẽ là người hưởng lợi đầu tiên.