Cà Mau: Tôm cá chết, nông dân lao đao vì... giấy đi đường

Người thu hoạch, mua bán tôm, cá giống không có giấy đi đường là bị phạt; giấy đi đường lại hạn chế ngày, giờ và không dễ xin nên cả người nuôi, thương lái, người làm công kéo lưới cùng... bó tay.

Trưa 31-8-2021, ông Dân ở khóm 2, phường Tân Thành, TP.Cà Mau kể với phóng viên qua điện thoại chuyện bản thân mới bị thiệt hại 150 triệu đồng chỉ vì không có người kéo tôm thu hoạch. Nó xuất phát từ các "lệnh cứng" của tỉnh Cà Mau trong việc hạn chế người ra đường nhằm phòng chống dịch bệnh.

Trại nuôi cá giống công nghiệp của ông Khanh ở Cà Mau nằm chờ hết dịch để mua cá giống. Ảnh: TRẦN VŨ

Trại nuôi cá giống công nghiệp của ông Khanh ở Cà Mau nằm chờ hết dịch để mua cá giống. Ảnh: TRẦN VŨ

Tôm "quậy" lúc này là điêu đứng

Sáng 30-8-2021, các ao tôm siêu thâm canh của ông Dân có hiện tượng bất thường nên ông buộc phải gọi thương lái thu hoạch bán gấp. 

"Thương lái nói giá 90.000 đồng/kg, tôm loại 40 con/kg. Hứa sẽ vào thu hoạch mua sớm. Nhưng tôi chờ mãi đến xế chiều không được. Cuối cùng thì thương lái từ chối vì lý do không tìm được đội kéo tôm thu hoạch. Lúc này tôm bắt đầu chết nhiều"- ông Dân kể.

Các lệnh hạn chế người ra đường ở Cà Mau khiến đường phố vắng vẻ . Ảnh: TRẦN VŨ.

Các lệnh hạn chế người ra đường ở Cà Mau khiến đường phố vắng vẻ . Ảnh: TRẦN VŨ.

Không còn cách nào khác, ông Dân huy động anh em trong nhà và những người ở gần đến hỗ trợ thu hoạch tôm. Hì hục mấy tiếng đồng hồ mới kéo được tôm. Xong phải xin giấy tờ vận chuyển ra đầu lộ Tân Thành, lôi lên xe tải luồng xanh mới thuê được chở đi bán. 

"Kéo trễ, không chuyên nghiệp nên mất thời gian lâu. Vận chuyển ra vào, lên xuống từ vựa lên xe tới hai ba lượt khiến con tôm bầm dập luôn. Cuối cùng người ta trả giá còn có 38.000 đồng/kg. Tất cả 3 tấn tôm thẻ chân trắng. Nếu có lao động, thương lái vào sớm thì tôi đã có thêm 150 triệu đồng. Với tình hình cấm người ra đường bây giờ, tôm "quậy" là nông dân điêu đứng"- ông Dân quả quyết. 

Công 250.000 đồng, test nhanh 300.000, nghỉ cho... khỏe

Ông Huỳnh Thông, một doanh nghiệp ở phường 6, TP. Cà Mau, cũng là người trực tiếp thu mua tôm của nông dân kể: "Với quy định từ đợt giãn cách lần 2 tỉnh Cà Mau, từ ngày 24-8-2021, doanh nghiệp tôi đứng hình, không hoạt động được nữa.

Ngày nào cũng có nhiều cuộc gọi của bà con nông dân đề nghị tôi thu hoạch mua tôm của họ. Nhưng tôi không mua được, vì không có người kéo tôm và bản thân tôi cũng không xin được giấy đi đường đến chỗ mua".

Cách mua tôm ở các tỉnh Cà Mau, Bạc Liêu, Sóc Trăng là người mua phải đem theo lao động, lưới cụ để thu hoạch tôm. Nhưng hiện nay, các lao động như nghề kéo tôm nêu trên được tỉnh Cà Mau quy định phải test âm tính mới cấp giấy đi đường và trên giấy phải có giờ và địa điểm đi, đến. Mỗi giấy chỉ được đi một lần. 

Lao động kéo tôm được trả công khoảng 250.000 đồng/ngày, test nhanh khoảng 300.000 đồng. Trong khi không phải ngày nào cũng có việc làm. Hơn nữa, nếu đi trễ hoặc sớm hơn khung giờ trên giấy (thường là 2, 3 giờ đồng hồ) là bị phạt. Từ đó, nhiều người đã chọn cách ở nhà chờ hết dịch mới đi làm lại. 

Trong ngày 31-8-2021, trước sức ép của một hộ nuôi tôm gọi là "mối ruột" ở Đầm Dơi, ông Thông lên phường giải bày xin giấy đi mua tôm. Lúc 9 giờ ông nộp kết quả test nhanh âm tính và đơn xin đi mua tôm. Đến hơn 14 giờ mới được cấp giấy được đi mua tôm đến 5 giờ sáng hôm sau.

"Cái giấy cho đi đường lần này họ có nới hơn, cho đi đến 5 giờ sáng. Trước đó là chỉ cho đi mà không cho về, đi là ở dưới luôn" - ông Thông nói. 

Trong 3 ngày qua, vài nông dân khác ở Cái Nước, Đầm Dơi cũng gọi điện cho phóng viên phản ảnh tình trạng nhiều thương lái từ chối mua tôm vì không có nhân công kéo lưới thu hoạch.

Không giấy đi đường, không bán được cá giống

Ông C. chủ trại cá giống ở phường Tân Xuyên, TP. Cà Mau tâm sự: "Từ khi giãn cách lần 2 theo chỉ thị 16, tức từ 24-8-2021, tôi gần như đóng cửa, dù lĩnh vực của tôi không bị đóng cửa. Do người dân khó xin được giấy đi mua cá giống. Tôi cũng không xin được giấy đi giao cá, chỉ có giấy đi chợ 3 ngày một lần.

10 ông lái cá giống của tôi đi bán các huyện Thới Bình, U Minh gọi than hoài. Có quá nhiều nông dân đặt mua cá giống về nuôi nhưng mấy ông này không có giấy đi đường". 

Một chốt kiểm tra giấy đi đường trên đường Nguyễn Tất Thành, phường 8, TP. Cà Mau. Ảnh: TRẦN VŨ

Một chốt kiểm tra giấy đi đường trên đường Nguyễn Tất Thành, phường 8, TP. Cà Mau. Ảnh: TRẦN VŨ

Lĩnh vực cá giống không bị các tỉnh cấm. Ông C. lấy cá giống từ Đồng Tháp, An Giang, Hậu Giang đều có xe tải chở về. Nhưng không ai đến trại cá ông C. mua trực tiếp được, vì họ bảo khó xin được giấy đi đường để mua cá giống. Chỉ có giấy đi chợ. Các thương lái mua cá của ông C. đi giao lại cho dân cũng bế tắc. 

"Mấy hôm trước còn một ông thương lái ở huyện Thới Bình mua về bán cho nông dân. Nhưng nay hết đi được do khu của ông bị phong tỏa. Giờ tôi chỉ còn ngồi xem cá giống chết lần hồi"- ông C. than. 

Ông Bùi Tuấn Khanh ở phường 5, TP. Cà Mau là khách hàng của ông C. kể: "Ngày 25-8-2021 tôi mua lô cá lăng của ông C. về nuôi. Khi tôi chở số cá giống về trại cá ở Cái Nước thì bị phạt 2 triệu vì không có giấy tờ đi lại hợp lệ. Tôi có giấy nhưng người ta nói hết hạn, trong khi giấy đi đường đó không có để thời hạn". 

Ông Khanh về lại phường 5 xin giấy đi nuôi trồng thủy sản thì phường này trả lời là chỉ cấp đi một lần, về trại cá rồi ở luôn đến hết dịch. Từ đó ông Khanh bế tắc, không còn đường nào mua thêm cá giống để nuôi, dù trại nuôi đầu tư bạc tỉ. 

"Nguồn thức ăn cho cá của tôi chỉ có ở TP. Cà Mau. Trước giờ tôi vẫn là người đi mua đem về. Tình hình này kéo dài hết thức ăn tôi không biết phải làm sao. Cá nuôi công nghiệp mà thay thức ăn khác rất dể sinh bệnh"- ông Khanh than thở. 

Kể từ 24-8-2021, tỉnh Cà Mau tiến hành đợt giãn cách xã hội theo chỉ thị 16 lần thứ 2 trong năm. Các biện pháp hạn chế người ra đường liên tục được thắt chặt bằng việc hạn chế cấp giấy đi đường, ai không có giấy đi đường thì bị xử phạt hành chính.

Kể từ 19-7-2021 đến nay, Cà Mau đã phạt hành chính các vi phạm phòng chống dịch khoảng 10 tỉ đồng, trong đó nhiều trường hợp phạt vì không có giấy đi đường.

Trong ngày 31-8-2021, phóng viên liên lạc với các cơ quan chức nhằm phản ánh và mong nhận được phản hồi về những khó khăn của nông dân Cà Mau trong những ngày giãn cách. Tuy nhiên, phóng viên chỉ nhận được một báo cáo thường kỳ của Sở nông nghiệp Cà Mau, đề ngày 16-8-2021. Báo cáo này không đề cập đến những khó khăn của nông dân nuôi tôm, nuôi cá trong những ngày giãn cách xã hội. 

Tại diễn đàn “Thông tin kết nối sản xuất và tiêu thụ nông sản” do Bộ NN&PTNT tổ chức sáng 31-8, ông Lê Văn Sử, Phó chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau cho biết để phòng chống dịch COVID-19, biện pháp của tỉnh là siết chặt vòng biên giới bên ngoài, cố gắng tạo điều kiện thuận lợi cho sản xuất bên trong.

Tuy nhiên, dịch bệnh diễn biến mỗi ngày một khác. Trong khi đó, mối nguy thì đến từ nhiều phía, trong đó có hoạt động của các chuỗi cung ứng, như hoạt động vận chuyển của tài xế.

Lãnh đạo tỉnh Cà Mau cho biết, có lúc, tỉnh phải thay đổi biện pháp quản lý. Sự thay đổi này tác động từng lúc đến hoạt động sản xuất, thậm chí có lúc rất khó khăn cho các doanh nghiệp chế biến, xuất khẩu.

"Chung quy lại các khó khăn đều tác động đến đầu ra của sản phẩm. Nhìn vào giá tiêu thụ nông sản, từ đó suy ra tác động khó khăn đến thế nào. Ví dụ như tôm Cà Mau giảm từ 8.000-23.000 đồng/kg, tùy loại. Các size tôm thẻ chân trắng cũng giảm sâu. Với giá giảm này người nông dân không có lời. Nếu sản xuất không khéo thì thua lỗ. Nếu thua lỗ thì tái sản xuất khó khăn. Một số ý kiến cho rằng chuỗi sản xuất tôm bị gãy đổ là có cơ sở" - ông Sử chia sẻ.

Không chỉ vậy, hoạt động khai thác trên biển cũng khó khăn. Việc khai thác hải sản đang chịu ảnh hưởng từ đất liền. Mực tươi, mực khô các loại giảm 30% giá. Cá ngoài chợ giảm từ 20-29%. Do vậy, duy trì lực lượng khai thác trên biển đang gặp nhiều khó khăn.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau tiếp tục cho biết, tỉnh Cà Mau ưu tiên cho phòng chống dịch, trên cơ sở đó, căn cứ tình hình để tạo điều kiện cho sản xuất.

“Thật ra, khi áp dụng biện pháp nghiêm ngặt để phòng chống dịch, người dân, doanh nghiệp kêu rất nhiều. Có những trường hợp rất đáng thương. Nhưng việc mở ra cũng phải căn cứ tình hình, vì nếu mở ra mà gây dịch bệnh tràn lan và vượt tầm kiểm soát thì mọi hoạt động đều không có ý nghĩa gì”, ông Sử nói.

Nguồn: [Link nguồn]

Hàng trăm tấn cá lồng bè ở Kiên Giang ''nghẽn'' đầu ra do dịch COVID-19

Do ảnh hưởng bởi dịch bệnh COVID -19, người nuôi cá lồng bè của huyện đảo Kiên Hải (Kiên Giang) đang gặp rất nhiều...

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Trần Vũ ([Tên nguồn])
Tác động của dịch Covid-19 đến kinh tế Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN