Cá lồng Văn Quan nức tiếng ngon sạch, nặng 2-3kg/con vẫn bí đầu ra
Tận dụng lợi thế mặt nước vùng lòng hồ sông nước trong xanh chảy quanh địa bàn, người dân thị trấn Văn Quan, huyện Văn Quan (Lạng Sơn) đã phát triển nghề nuôi cá lồng, mang lại hiệu quả kinh tế cao. Tuy nhiên người nuôi cá tại đây vẫn luôn phải trăn trở về đầu ra của sản phẩm cá lồng Văn Quan.
Những năm gần đây, cá lồng Văn Quan trở nên nức tiếng bởi chất lượng cá được đánh giá là ngon và sạch. Dọc chân cầu Đức Hinh thuộc khu vực Thị trấn Văn Quan, huyện Văn Quan, Lạng Sơn, từng hàng, từng dãy những ô, lồng cá của các hộ dân nuôi cá lồng được xếp ngăn nắp thành từng khu.
Từng ô, lồng cá trắm cỏ xếp thành từng hàng, từng khu ngăn nắp dọc 2 bên bờ sông.
Mô hình nuôi cá lồng ở thị trấn Văn Quan được người dân nuôi nhỏ lẻ bắt đầu từ năm 1989, gồm nhiều loại cá: trắm cỏ, trắm đen, chép, mè... Nhưng do đầu ra sản phẩm không ổn định, đồng thời bị nước lũ cuốn trôi gây thiệt hại lớn nên mô hình này thoái trào dần. Nhiều năm trở lại đây, mô hình này được khôi phục phát triển trở lại từ vài chục lồng lên vài trăm lồng nuôi với kĩ thuật chăm sóc được nâng cao, năng suất và hiệu quả tăng lên đáng kể.
Anh Trần Minh Tâm, ở phố Đức Hinh I, Thị trấn Văn Quan cho biết: “Tôi bắt tay vào nuôi cá lồng từ năm 2006, là một trong nhiều người bắt tay vào làm gần như đầu tiên. Khi mới bắt đầu tôi nuôi 2 lồng, đến nay mô hình của tôi vẫn vậy chỉ có thêm mấy lồng treo. Với mỗi lồng tôi nuôi từ 200-300 con, trong đó chủ yếu là cá trắm cỏ. Thời gian nuôi cá lồng, khoảng 15-16 tháng sau thì năng suất trung bình đạt từ 1,8 - 2kg/con, có nhiều con to đến 2,5 - 3kg bán với giá 120.000 đồng/kg”.
Anh Tâm cho biết thêm, cá lồng Văn Quan được nuôi trong môi trường nước sông sạch, chủ yếu cho ăn cỏ và ngô hạt nên chất lượng thịt ngon hơn với những nơi khác. Cũng bởi lý do trên mà giá cá lồng Văn Quan luôn cao hơn so với các loại cá cùng loại trên thị trường.
Mấy năm gần đây nhiều hộ gia đình gần khu vực cũng nuôi theo “trào lưu” nên đầu ra rất khó khăn. Khách hàng chủ yếu chỉ là người dân trên địa bàn huyện, chưa mở rộng ra thị trường ngoài tỉnh, chưa có một thương hiệu riêng.
“Trước đây, gia đình phải đem ra chợ bán hoặc bán cho các nhà hàng trên địa bàn huyện nhưng rất ít. Vài năm nay trở lại đây, cá lồng Văn Quan có tiếng hơn, chất lượng ngon hơn nên các xe khách đi qua đây dừng lại mua tại nhà cũng nhiều, nhưng nói chung vẫn cần lắm một thị trường rộng lớn hơn. Giờ các hộ vẫn duy trì mô hình nuôi nhưng theo kiểu dè chừng, ít người dám mở rộng thêm vì nuôi nhiều thì không có đầu ra, không biết bán đi đâu," anh Tâm nói.
Anh Trần Minh Tâm thường xuyên cắt cỏ bổ sung cho đàn cá trắm của gia đình.
Cũng giống như nhiều hộ gia đình nuôi cá lồng trên sông tại đây, anh Triệu Văn Vượng, Giám đốc HTX cá lồng Tân Minh (Thị trấn Văn Quan) trăn trở: "Đầu ra sản phẩm luôn là 1 vấn đề quan trọng nhất đối với sự phát triển, tác động trực tiếp tới hiệu quả sản xuất của HTX cũng như quy mô phát triển mô hình của các xã viên. Nếu được bao tiêu đầu ra ổn định thì người dân sẽ có có động lực hơn, tập trung hơn trong phát triển sản xuất.
HTX cá lồng Tân Minh hiện nay có 42 lồng với sự tham gia của 20 xã viên, với giá bán trung bình như hiện nay là 120.000/kg cá trắm cỏ thì cũng mang lại hiệu quả kinh tế. Tuy nhiên đầu ra sản phẩm vẫn là vấn đề mấu chốt, đầu ra chủ yếu của người dân là “tự thân vận động”, chưa có đơn vị nào liên kết bao tiêu sản phẩm cho bà con. Nhiều khi các xã viên muốn mở rộng quy mô diện tích nuôi thả nhưng cũng phải “dè chừng” vì đầu ra khó."
Được biết trên địa bàn toàn thị trấn Văn Quan hiện có 260 lồng cá của 128 hộ nuôi, trong đó HTX cá lồng Tân Minh chiếm 42 lồng cá của 20 xã viên. Trong đó có 172 lồng treo, 42 lồng quây, 5 eo ngăn với thể tích nuôi ngoài HTX là 27.100m3. Các cấp ngành địa phương cũng quan tâm tổ chức các lớp tập huấn về kỹ thuật chăn nuôi cá cho các hộ dân; tạo điều kiện cho người dân vay vốn ngân hàng thông qua các tổ tiết kiệm và vay vốn của thị trấn. Tính riêng từ đầu 2017 đến nay, có gần 30 hộ nuôi cá được vay vốn, mỗi hỗ được vay từ 25 đến 30 triệu đồng. Sản lượng cá thành phẩm xuất bán ước đạt trên 6 tấn, trị giá hàng trăm triệu đồng.
Người dân ở đây chủ yếu nuôi cá trắm cỏ có giá trị kinh tế tuy nhiên đầu ra do người dân tự chủ động, chưa có đơn vị bao tiêu nên giá cả không ổn định.
Trong một chuyến công tác, bà Triệu Thị Tâm, Phó chủ tịch Hội nông dân huyện Văn Quan cũng bày tỏ trăn trở với Dân Việt, điều khó khăn nhất cho các hộ dân nuôi cá ở đây đó là thị trường tiêu thụ cá. Trên địa bàn huyện Văn Quan hiện nay có nhiều hội viên của hội đang phát triển mô hình nuôi cá lồng, nổi bật là HTX cá lồng Tân Minh.
Hiện mỗi xã viên nuôi từ vài lồng đến chục lồng cá trở lên, chủ yếu nuôi cá trắm cỏ. Mỗi lồng nuôi từ 300 - 400 con tùy diện tích. Với giá bán từ 110.000 - 120.000 đồng/kg, trừ chi phí, mỗi lồng cá cho thu lãi khoảng 15 triệu đồng. Qua đó, cũng góp phần nâng cao đời sống người dân trên địa bàn.
Cá được nuôi trong môi trường nước sạch, chủ yếu cho ăn cỏ nên chất lượng cá cao, giá thành trên thị trường cũng cao hơn các loại cá khác. Tuy nhiên, cá lồng Văn Quan hiện vẫn chưa xây dựng được thương hiệu riêng nên vấn đề đầu ra là vấn đề còn nan giải.
Để nâng cao hiệu quả nuôi trồng thủy sản, Hội Nông dân đã phối hợp với các phòng chuyên môn tuyên truyền, phối hợp với cơ quan chức năng tập huấn kỹ thuật, hỗ trợ cá giống, thức ăn cho hộ nuôi cá. Đồng thời đẩy mạnh xây dựng thương hiệu để nhiều người biết tới sản phẩm cá lồng Văn Quan trên địa bàn.
Một lồng cá nuôi dưới sông Đà có thể cho thu nhập bằng 2.000 – 3.000 m2 đất trồng ngô, sắn. Vì thế ông Quàng Văn Sọi,...