Buôn gia cầm lậu: Lờ chỉ đạo của Thủ tướng?
Ngay sau khi có thông tin cúm gia cầm H7N9 gây chết người ở Trung Quốc, đầu tháng 4, Bộ NN&PTNT có công điện khẩn. Thủ tướng cũng yêu cầu ngăn chặn gia cầm lậu, kiểm soát dịch bệnh. Tuy nhiên, dường như những chỉ đạo này chưa tới Cao Bằng?
Gia cầm Trung Quốc thống lĩnh
Huyện Trà Lĩnh (huyện biên giới giữa Cao Bằng và Quảng Tây -Trung Quốc) có khoảng 80.000 con gia cầm. Ông Lưu Văn Hòa, Trưởng phòng Nông nghiệp huyện này thông tin: Cao Bằng không sản xuất được con giống, nhất là vịt, nên bà con mua giống vịt Trung Quốc ngoài chợ. Thời điểm tháng 4, tháng 5, bà con vào đàn cho Tết 6/6 và rằm tháng 7 âm lịch. Nếu dịp này mà cấm nhập lậu, việc vào đàn của bà con sẽ gặp khó khăn, giá con giống sẽ tăng lên.
“Ngày rằm tháng 7 tới, mỗi nhà mổ ít nhất 4 con vịt, cả huyện khoảng 5.000 nóc nhà, tính sơ sơ cũng lên đến 2 vạn con vịt”- ông Hòa nói.
“Cả gà vịt đông lạnh, lẫn con giống nhiều lắm, chúng tôi không ước được bao nhiêu. Đường đi chủ yếu là tiểu ngạch, các đường mòn 2 bên cửa khẩu. Người dân ở biên giới gom từng lô nhỏ tập kết một chỗ. Lúc nào đủ số lượng, chủ hàng vào chỗ tập kết lấy chở ra”- Chi cục trưởng Thú y Cao Bằng Đặng Quang Bình, nói.
Gà thải loại từ Trung Quốc thẩm lậu sang và bán ở nhiều chợ.
Theo ông Bình, giá gà thịt bên kia biên giới chỉ khoảng 30.000-35.000 đồng/kg, vận chuyển qua biên giới Việt Nam, giá lên khoảng 50.000 đồng/kg, còn vào trong nội địa khoảng 65.000-70.000 đồng/kg.
Cũng theo ông Bình, trước đây, thời điểm còn lơi lỏng, chủ hàng đánh cả ô tô sang lấy hàng, nhưng nay chủ yếu vận chuyển bằng xe máy. Nếu huyện nào làm căng ở chợ, các đối tượng vận chuyển gia cầm tận nhà dân để bán.
Còn ông Trần Văn Khẩn, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Cao Bằng cho biết, tổng đàn gia cầm ở Cao Bằng xấp xỉ trên dưới 2 triệu con, tùy từng thời điểm. Hiện, gà giống dễ ấp, nên dân tự túc được phần nào, nhưng vịt giống thiếu nhiều.
“Thông thường nhu cầu thực tế, người ta vẫn nhập giống gà, vịt Trung Quốc để nuôi. Còn nhập giống dưới xuôi có vài thương nhân làm, nhưng lượng không nhiều; một hai lò ấp, nguồn cung cũng không đáng kể” - ông Khẩn nói. Tuy không thừa nhận Cao Bằng nhập con giống từ Trung Quốc là “chủ yếu”, nhưng ông Khẩn nói là “có một phần tương đối lớn”.
Gia cầm giống Trung Quốc bày bán công khai tại chợ Trà Lĩnh (Cao Bằng).
Lỗ hổng lớn
Chi cục Thú y Cao Bằng thừa nhận việc nhập lậu gia cầm là phổ biến. Tuy nhiên, từ ngày 15/3 đến 15/4, chỉ tiêu hủy được 633 kg vịt đông lạnh, 72 con gà thương phẩm; 264 con gà, vịt giống. “Cái này, quản lý thị trường, công an không vào cuộc thì khó lắm. Thú y chỉ là lực lượng tham gia phối hợp chứ không có chức năng bắt giữ”- Chi cục trưởng Chi cục Thú y Cao Bằng nói.
“Cả chiều dài hơn 330 cây số thẩm lậu như thế, làm sao cơ quan chức năng làm được. Chính quyền cấp xã ở biên giới mà không vào cuộc, thì việc ngăn chặn khó thành công” Trần Văn Khẩn, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Cao Bằng |
Dù là tỉnh biên giới, nhập lậu gia cầm nhiều, nhưng theo Chi cục Thú y, cả tỉnh không có một chốt chặn nào kiểm soát. Hiện trong 3 cửa khẩu quốc gia (Trà Lĩnh, Tà Lùng) mỗi nơi có một kiểm dịch viên; còn Hà Quảng không có cán bộ thú y. Đương nhiên, ở các cửa khẩu khác, như thác Bản Giốc, cửa Lý Vạn (Hạ Lan), Đức Long (Thạch An), Pò Peo (Trùng Khánh)… đều không “quân” thú y cắm chốt.
Ông Bình nói: “Sự phối hợp giữa các ngành chức năng chưa kiên quyết, chính quyền các huyện cửa khẩu biên giới chưa chỉ đạo quyết liệt. Cái này là chắc chắn”. Còn về việc, các đơn vị chức năng ăn tiền, thả gia cầm lậu vào, ông Bình cho hay: “Cái này cũng có một số trường hợp. Đây là lỗ hổng lớn. Việc ăn tiền chả dám khẳng định, người ta tự hiểu, chắc chả ai dám nói. Đây là vấn đề tế nhị, khó nói”.
Ông Khẩn nói: “Cơ quan nhà nước không bao giờ bật đèn xanh cho việc nhập lậu gia cầm. Nhưng thực tiễn là nếu không gay gắt để ngăn dịch bệnh thì việc bắt chỉ được một phần. Cả chiều dài hơn 330 cây số thẩm lậu như thế, làm sao cơ quan chức năng làm được. Chính quyền cấp xã ở biên giới mà không vào cuộc, thì việc ngăn chặn khó thành công”.
Lãnh đạo Sở NN&PTNT Cao Bằng cho rằng, có cung ắt có cầu. Việc này không chống được bằng biện pháp hành chính. Nếu muốn ngăn chặn, chỉ có sản xuất trong nước tốt hơn, rẻ hơn.
Tuy nhiên, theo ông Khẩn, nếu làm chặt việc nhập lậu con giống từ Trung Quốc, chắc chắn phần nào ảnh hưởng đến phát triển ngành chăn nuôi gia cầm tại Cao Bằng. “Nguồn cung rất thuận tiện, từ biên giới sang đến chợ mình có tí tẹo. Trong khi cung ứng từ đồng bằng lên phải mất mấy trăm cây số. Con giống Trung Quốc cũng không thể nói là xấu, vì tôi sang tận nơi xem các đơn vị sản xuất gia cầm ở đó. Có thể nói con giống của họ đạt chất lượng tương đối cao”.
Trong nỗ lực đi tìm câu trả lời, việc kiểm tra kiểm soát thị trường nội địa, chúng tôi đã nhiều lần liên hệ với ông Nông Văn Xứng, Chi cục Trưởng Quản lý thị trường Cao Bằng, nhưng đều nhận được câu trả lời “bận” hoặc “mắc việc với lãnh đạo”, “hẹn lần sau”.
Ngày 23/4, trao đổi với PV, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Vũ Văn Tám hoan nghênh báo Tiền Phong đã có bài phản ánh cận cảnh về tình trạng buôn bán gia cầm lậu ở Cao Bằng. Theo Thứ trưởng Tám, sau khi có thông tin báo nêu, lãnh đạo Cục Chăn nuôi đã báo tình hình với Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân và Bộ trưởng NN&PTNT Cao Đức Phát. Bên cạnh đó, Cục Chăn nuôi cử đoàn công tác kiểm tra thực tế ở Cao Bằng. Phạm Anh |