Bùng phát trái cây Trung Quốc gắn “mác” Việt

Sáng sớm 14/10, trong vai người đi tìm mối nhập trái cây về bán lẻ, chúng tôi được chị bán nước ở chợ Long Biên (Hà Nội) dặn dò: “Cẩn thận đấy, không mới đi buôn lại bị lừa. Nhiều người không biết, nhập trái cây ngoài vỏ còn đẹp nhưng đến khi về bày bán, bổ làm mẫu thì thấy hỏng bên trong. Nhập về thì cứ nói là hàng Việt Nam, hàng Mỹ, hàng Thái chứ nếu nói thật là hàng Trung Quốc thì chẳng ai mua đâu”.

Nhái để vống giá, bán chạy

Quả thực, bây giờ đi dọc đường phố Hà Nội, các chợ trên địa bàn, siêu thị đều thấy bày bán la liệt các loại nho xanh, cam xanh, quýt xanh, chuối xiêm, chuối cau, chôm chôm, mít, táo, hồng giòn… Tất cả đều được người bán giới thiệu là “hàng Việt Nam”.

Các tuyến phố tập trung nhiều người bán trái cây rong như phố Nghĩa Tân, Tạ Quang Bửu, Hồ Tùng Mậu… các xe bán trái cây rong đều đầy ắp hai sọt cam xanh, quýt xanh. Giá bán cũng được niêm yết rất công khai, giao động từ 12.000 - 15.000 đồng/kg; nho xanh giao động từ 30.000 - 35.000 đồng/kg. Hầu hết, người tiêu dùng đều bị hấp dẫn bởi độ tươi ngon, đẹp mắt của loại trái cây này. Vỏ cam xanh màu mỡ, bắt mắt, tép vàng ươm, nếm thử có vị chua dịu.

Bùng phát trái cây Trung Quốc gắn “mác” Việt - 1

Không chỉ riêng cam quýt, nho xanh mà các loại hoa quả như xoài, táo, chuối Trung Quốc cũng được giới thiệu là “đặc sản vùng miền” của Việt Nam 

Một chị bán hàng rong trên phố Nghĩa Tân niềm nở giới thiệu: “Quýt Thái Lan và cam Hà Giang xịn đấy, mua đi chị lấy rẻ cho”. “Em sẽ mua nhưng nói thật nhé, làm gì có quýt Thái Lan 20.000 đồng/kg, người ta còn phải đóng thuế, vận chuyển nữa chứ, quýt Trung Quốc đúng không?”. “Ừ, em nói thật chị cũng nói thật. Tại dân mình cứ sợ chứ bây giờ hàng gì mà chả là của Trung Quốc”(?).

Đến một quầy bán trái cây khác trên phố Tạ Quang Bửu, chị chủ hàng đang nhanh tay xếp những trái cam tươi xanh lên quầy đon đả: “Cam Hà Giang chị vừa nhập về tươi ngon lắm”. “15.000 đồng/kg là em ưng giá rồi nhưng vẫn muốn chị bớt tí cho may. Ngày trước nhà em cũng bán trái cây, làm gì có cam Hà Giang mùa này, nhìn thùng xốp đóng hộp là biết”. “Ừ thì cam Trung Quốc nhưng tươi ngon. Đang mùa cam nên mới có giá này đấy, mua đâu cũng vậy. Mua cho chị đắt hàng, chị bớt cho”. “Nho xanh ngon thế, nhập cùng nguồn hả chị? Em thích ăn nhưng lại sợ vì nho ngậm nhiều thuốc bảo quản”. “Nhà em từng bán trái cây rồi còn hỏi làm gì, nhập cùng một nguồn hết. Chỉ có hàng Trung Quốc mới có giá này thôi. Nho Việt Nam có trồng nhiều đâu mà bán la liệt thế. Ngày nào chị chả bán, có thấy ai đến thắc mắc gì đâu? Chị ngồi quầy hẳn hoi chứ có bán rong đâu mà sợ”.

Không chỉ riêng cam quýt, nho xanh mà các loại hoa quả như xoài, táo, chuối Trung Quốc cũng được giới thiệu là “đặc sản vùng miền” của Việt Nam. Chủ hàng nào cũng phủ nhận không có hàng từ Trung Quốc, trừ khi bị khách “bóc mẽ” kèm lời hứa “sẽ mua hàng”.

Nho Ninh Thuận, cam Hà Giang bị mạo danh

Chúng tôi được biết, hiện tại không phải mùa thu hoạch chính của nho Ninh Thuận nên sản lượng không nhiều. Tại tỉnh Ninh Thuận cũng chưa trồng được loại nho xanh không hạt, hơn nữa tổng số 1.200 ha nho ở Ninh Thuận chỉ có 100 ha trồng nho xanh, nên sản lượng cung cấp cho thị trường rất hạn chế.

Anh Huỳnh Văn Tấn, một người có kinh nghiệm trồng nho lâu năm ở Ninh Thuận khẳng định, nho xanh đang bán trên thị trường không phải nho Ninh Thuận vì chưa đến mùa thu hoạch mà phải cận Tết Nguyên đán mới đúng mùa. Giá bán nho Ninh Thuận thường từ 50.000 - 60.000 đồng/kg, trong khi đó nho Trung Quốc trái to, vỏ mỏng giá bán lại chỉ 15.000-20.000 đồng/kg.

Còn cam Hà Giang màu vàng và hiện giờ vẫn non, chưa được thu hoạch. Mùa vụ của cam Hà Giang vào khoảng tháng 12 hàng năm. Do đó, thông tin của phía người bán cho rằng, loại cam xanh là cam Hà Giang là hoàn toàn không có căn cứ. TS. Vũ Việt Hưng, Bộ môn Cây ăn quả (Viện Nghiên cứu rau quả) cũng cho rằng, loại “cam xanh” đó không phải là cam mà thực chất là quýt. Cả Việt Nam và Trung Quốc đều trồng được. Ở Việt Nam gọi là quýt Ôn Châu, thường trồng ở Hòa Bình có nguồn gốc từ Nhật Bản. Loại quýt này ở Việt Nam thu hoạch từ khoảng tháng 9 hàng năm. Nhưng diện tích trồng quýt ở Hòa Bình chỉ khoảng 5 – 7 ha, nên sẽ không có nhiều để bán đại trà trên thị trường. Do đó, hiện trên thị trường Hà Nội, loại trái cây này có thể là quýt Ôn Châu, cũng có thể là quýt Trung Quốc. Nếu nhìn hình dáng thì khó có thể phân biệt nguồn gốc.

Cũng theo TS Vũ Việt Hưng thì người tiêu dùng chỉ có thể nhận diện quýt Ôn Châu an toàn qua thời gian bảo quản, độ tươi săn chắc của vỏ quýt và các đặc điểm về vỏ, cuống và lá. Trong thời tiết khí hậu hiện nay, quýt vận chuyển không bị dập nát và không dùng thuốc bảo quản sẽ giữ được lá, cuống và vỏ tươi trong 2 ngày. Nếu trong nhiều ngày mà quýt vẫn tươi thì có thể nó đã được dùng thuốc bảo quản.

Theo các chuyên gia, để hạn chế hóa chất tồn dư, nên ngâm trái cây trong nước muối loãng 30 phút và gọt, bóc vỏ trước khi ăn. Tuyệt đối không ăn trái cây có ruột bị nhũn, màu khác thường và có mùi lạ.

“Giờ chủ yếu là trái cây Trung Quốc, nhưng khách hàng không chuộng mới phải nói là hàng Việt Nam, nếu không sẽ khó bán và không được giá. Các cửa hàng cứ đề cam Hà Giang, nho Ninh Thuận nhưng lấy cùng một chỗ hết vì có địa điểm bán tốt, khách tin nên vống giá bán cao gấp 2-3 lần”.

Chủ một hàng hoa quả tại chợ Thành Công, Ba Đình

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Mai Hạnh (Giadinh.net)
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN