Bún chứa chất cực độc: Quy trình lấy mẫu không chuẩn!

Kết quả kiểm tra các mẫu bún bán tại siêu thị và chợ TP.HCM có đến 80% mẫu bún chứa chất làm trắng huỳnh quang Tinopal cực độc, các siêu thị đã phủ nhận kết quả này, còn cơ quan chức năng kêu… chờ!

Ngay sau khi Trung tâm Nghiên cứu và Tư vấn về tiêu dùng (Hội Tiêu chuẩn và Bảo vệ người tiêu dùng Việt Nam) “gây sốc” khi công bố kết quả này, người dân TP.HCM hết sức hoang mang.

Để biết rõ thực hư chuyện bún tươi có chứa chất cực độc không vẫn còn phải chờ cơ quan chức năng làm việc.

Các siêu thị “phớt lờ” kết quả

Trao đổi với PV, ông Nguyễn Thành Nhân, Phó Tổng Giám đốc Saigon Co.op bức xúc nói: “Chúng tôi không chấp nhận kết quả này. Bởi lẽ, việc Trung tâm Nghiên cứu và Tư vấn về tiêu dùng lấy mẫu là tự ý rồi tự ý công bố kết quả, trong khi chúng tôi hoàn toàn không biết gì. Chỉ đến khi thông tin trên báo chí mới biết chuyện này.

Xét về nguyên tắc, việc lấy mẫu phải được thực hiện nghiêm túc dưới sự chứng kiến của các bên liên quan, chứ đằng này không có một đơn vị giám sát nào thì làm sao mà tin tưởng được. Vì vậy, chúng tôi không công nhận những mẫu đó là của mình”.

Ông Nhân cho biết thêm, đầu tháng 7 vừa rồi, Saigon Co.op tiếp tục gửi mẫu này đi kiểm tra tại một Trung tâm đáng tin cậy trên địa bàn TP.HCM và kết quả cho thấy không phát hiện chất Tinopal trong những sản phẩm bún tươi, bún bò…

Bà Huỳnh Thị Ngọc Trâm, đại diện truyền thông Hệ thống Siêu thị Big C cũng cho hay, Big C lấy bún tươi, bánh canh và bánh ướt từ nhà cung cấp Trung Kiên, bánh hỏi từ nhà cung cấp Tam Nông. Theo quy định, nhà cung cấp phải có giấy cơ sở đủ điều kiện vệ sinh an toàn thực phẩm, kết quả kiểm nghiệm vi sinh và kết quả kiểm nghiệm hàn the âm tính. Việc kiểm nghiệm được tổ chức định kỳ. Riêng với mặt hàng bún, đầu tháng 7, Big C đã kiểm nghiệm định kỳ chất Tinopal và cho kết quả âm tính.

Bún chứa chất cực độc: Quy trình lấy mẫu không chuẩn! - 1

Để biết rõ thực hư chuyện bún tươi có chứa chất cực độc không vẫn còn phải chờ cơ quan chức năng làm việc

“Big C sẵn sàng cho xem kết quả xét nghiệm âm tính này nếu cần thiết. Còn việc Hội Tiêu chuẩn và Bảo vệ người tiêu dùng Việt Nam lấy mẫu ở đâu, Big C cũng không hề hay biết cho đến khi báo chí đưa tin”, bà Trâm nhấn mạnh.

Theo ghi nhận của PV, hiện tại chỉ có siêu thị Maximark thông báo ngừng kinh doanh sản phẩm này trong khi chờ kết quả kiểm nghiệm của cơ quan chức năng.

Còn phải chờ cơ quan chức năng xử lý

Ông Huỳnh Lê Thái Hòa, Chi cục trưởng Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm TP.HCM, Sở Y tế TP.HCM cho biết, trước đó đoàn của Sở có đi kiểm tra, giám sát và lấy mẫu kiểm nghiệm an toàn thực phẩm đối với mặt hàng bún tươi trên địa bàn thành phố.

Trong đó có 7 mẫu được lấy và phát hiện 7 mẫu bún này có chứa chất Tinopal, 2 mẫu chứa acid Oxalic, 1 mẫu chứa chất bảo quản Natri Benzoat vượt giới hạn cho phép. Đây là những hóa chất không được phép sử dụng trong chế biến thực phẩm vì làm ảnh hưởng đến sức khỏe người tiêu dùng.

Tuy nhiên, theo ông Hòa, Sở không hay biết việc Trung tâm Nghiên cứu và Tư vấn về tiêu dùng tự ý lấy mẫu bún về. Trung tâm này đã vi phạm vào Thông tư 14/2011/TT-BYT của Bộ Y tế về hướng dẫn lấy mẫu thực phẩm phục vụ thanh tra, kiểm tra chất lượng, vệ sinh an toàn thực phẩm. Bởi xét theo nguyên tắc, Trung tâm này có quyền lấy mẫu để xét nghiệm nhưng kết quả phải có sự thông qua của Sở Y tế và Sở Y tế mới được quyền phát ngôn để cảnh báo cho người dân.

Cũng theo ông Hòa: “Chỉ có những cơ sở sản xuất nhỏ lẻ mới làm ăn ba trợn kiểu đó còn những cơ sở làm ăn kinh doanh lớn, nhất là đưa hàng vào các siêu thị không dễ dàng gì họ làm như vậy. Hơn nữa, với 7 mẫu do Sở lấy và 9 mẫu như Trung tâm kia nói bị phát hiện có chứa chất Tinopal là những số mẫu rất ít, không thể nào đại diện cho cả một doanh nghiệp được”.

Bà Lê Ngọc Đào, Phó Giám đốc Sở Công thương TP.HCM cũng cho rằng, Trung tâm này không chấp hành đúng luật. Hơn nữa, trong ngày hôm nay (25/7), Sở có mời Trung tâm này cùng với Sở Y tế và Sở Nông nghiệp để trao đổi về vấn đề trên nhưng đại diện của Trung tâm đã không có mặt. Vì vậy, Sở sẽ tiếp tục có cuộc làm việc với đơn vị này.

Để biết rõ thực hư những cơ sở sản xuất này có chứa những chất cực độc không, thời gian tới, Sở Công thương và Sở Y tế cho biết, trong thời gian tới sẽ phối hợp với các quận, huyện tăng cường kiểm tra. Đồng thời, vận động các cơ sở ký cam kết với cơ quan quản lý không sử dụng chất cấm trong thực phẩm. Được biết, hiện nay trên địa bàn TP.HCM có khoảng trên 400 cơ sở sản xuất bún, bánh tráng, mì…

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Thúy Ngà (Infonet.vn)
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN