Bớt trung gian để giảm giá thực phẩm

Nhiều nhà bán lẻ đã chủ động loại bỏ nhiều nấc trung gian bằng cách liên kết trực tiếp với người sản xuất, qua đó giảm giá bán đến tay người tiêu dùng so với các kênh phân phối cũ.

Nhiều loại nông sản, thực phẩm tại các siêu thị hiện có giá bán rẻ hơn các chợ. Đây là kết quả của việc liên kết trực tiếp giữa nhà phân phối với người sản xuất theo phương châm giảm trung gian là giảm giá thành.

Khi siêu thị rẻ hơn chợ lẻ

Bắt đầu từ cuối năm 2010, HTX rau an toàn Phước An (Bình Chánh, TP.HCM) đã ký hợp đồng cung ứng rau các loại cho hệ thống siêu thị Co.op Mart và Co.op Food. Sau đó HTX cũng đã mở rộng cung ứng rau cho các hệ thống phân phối khác như Big C, Metro... Đến nay, mỗi ngày HTX Phước An sản xuất được 5-6 tấn rau các loại, toàn bộ được những hệ thống bán lẻ này bao tiêu với giá ổn định cả năm.

Ông Trần Văn Thích - chủ nhiệm HTX Phước An - cho biết HTX có khoảng 60 hội viên canh tác trên diện tích 25ha. Khi chưa tham gia HTX thì ruộng nhà ai người đó trồng, đến kỳ thu hoạch tùy từng nhà ra ruộng hái rồi bán cho thương lái hoặc đem tới các chợ. Bán như vậy lúc hút hàng thì có giá nhưng khi thừa hàng thì giá rẻ như bèo, có lúc phải đổ bỏ, lợi nhuận bấp bênh. Từ khi tập hợp nhau làm trong HTX và ký hợp đồng bao tiêu ngay từ đầu năm với các nhà phân phối, nông dân của HTX chỉ tập trung vào sản xuất đúng tiêu chuẩn mà không lo lắng đầu ra.

Hơn nữa, với chi phí đầu tư trồng rau chỉ ở mức 25-30% giá bán nên người dân có lợi nhuận từ 70-75%. HTX sẽ cộng thêm khoảng 20% giá mua sản phẩm của người dân để bán cho siêu thị vì phải trả chi phí đóng gói, bao bì và vận chuyển. Việc hợp tác này không những đảm bảo ổn định đầu ra cho người dân, mà còn giúp các nhà bán lẻ có nguồn hàng ổn định, đảm bảo chất lượng và giá bán cũng ở mức thấp hơn so với giá bán lẻ ngoài thị trường.

Chẳng hạn ngày 2-7, dưa leo được các xã viên bán cho HTX Phước An với giá 6.000 đồng/kg, giá bán tại Co.op Mart chỉ 6.900 đồng/kg, trong khi ngoài chợ Phạm Văn Hai (Tân Bình) giá dưa leo đến 12.000 đồng/kg. Tương tự với mặt hàng khổ qua, HTX mua với giá 7.000 đồng/kg, siêu thị bán 8.000 đồng/kg, trong khi ngoài chợ đang bán với giá 12.000 đồng/kg.

Bớt trung gian để giảm giá thực phẩm - 1

Nhờ liên kết với các đầu mối bán lẻ, xã viên HTX Phước An không những có đầu ra ổn định mà sản phẩm rau cung cấp ra thị trường cũng có giá hợp lý hơn

Đẩy mạnh liên kết để giảm giá

Ông Trần Vinh Quang, phó giám đốc Xí nghiệp chế biến kinh doanh rau quả Vissan, cho biết nguồn hàng của xí nghiệp chủ yếu từ các trang trại trong nội thành, các nhà vườn liên kết với các tỉnh và rau từ Đà Lạt nhập về. Theo tính toán của ông Quang, khi rau được nhập về xí nghiệp sẽ phải chịu thuế VAT, chi phí bao bì đóng gói 700-800 đồng/túi 500gram, chi phí vệ sinh và vận chuyển các loại mặt hàng này tới hệ thống siêu thị 250-300 đồng/kg sản phẩm. Sau khi rau được đưa về từ các nhà vườn, cộng tất cả các khoản chi phí sẽ được các hệ thống siêu thị niêm yết trên sản phẩm để bán cho người tiêu dùng.

Tại hội nghị bình ổn giá mới đây, bà Bùi Hạnh Thu, phó tổng giám đốc Saigon Coop, cho biết đơn vị này đang mở rộng liên kết với các đơn vị cung cấp để mua thực phẩm từ gốc. Ngoài rau quả các loại, đơn vị này cũng đang xúc tiến đầu tư sâu vào quá trình kinh doanh của các nhà sản xuất thực phẩm khác để kiểm soát giá thành từ gốc, tránh việc tăng giá tùy tiện từ các nhà cung ứng.

Đầu tháng 6, các cơ quan và doanh nghiệp chế biến phân phối thực phẩm của TP.HCM đã ký kết hợp tác sản xuất và tiêu thụ rau quả an toàn với các đơn vị quản lý và các HTX sản xuất rau an toàn thuộc các tỉnh Tây Ninh, Long An, Tiền Giang. Theo đó, các đơn vị bao tiêu sản phẩm tại TP.HCM sẽ ưu tiên tạo điều kiện đưa các sản phẩm nông nghiệp đạt chuẩn VietGAP của các HTX thuộc các tỉnh kể trên vào hệ thống phân phối. Ngược lại, các đơn vị sản xuất rau quả cũng cam kết sản xuất và cung ứng các sản phẩm nông nghiệp an toàn, chuẩn bị nguồn hàng ổn định tham gia bình ổn thị trường, đảm bảo cung ứng hàng hóa theo đúng số lượng, chất lượng với giá cạnh tranh.

Ông Lê Thanh Liêm, giám đốc Sở NN&PTNT TP.HCM, cho biết thông qua việc ký kết hợp đồng hợp tác giữa các cơ quan chức năng các tỉnh cũng như giữa các đơn vị sản xuất và đơn vị phân phối, tiêu thụ sẽ đảm bảo nguồn cung đạt chất lượng và giá cả ổn định trên địa bàn TP. Trước đó, TP.HCM đã ký kết hợp tác về lĩnh vực này với tỉnh Lâm Đồng để đảm bảo 45% lượng rau quả tiêu thụ trên địa bàn được kiểm soát về chất lượng. Với việc ký kết với ba tỉnh Tây Ninh, Long An, Tiền Giang trong thời gian tới sẽ có 70% rau quả tiêu thụ trên địa bàn TP được đảm bảo chất lượng an toàn vệ sinh thực phẩm.

* TS Lương Ngọc Trung Lập (trưởng bộ môn nghiên cứu thị trường - Viện Cây ăn quả miền Nam): Nâng cao năng lực kinh doanh cho người dân

Giá bán nông sản từ vườn đến tay người bán lẻ tăng nhiều lần là do quá nhiều khâu trung gian. Lấy mặt hàng trái cây làm ví dụ, chỉ riêng chi phí vận chuyển (gồm bốc vác, thuê xe) của chủ vựa từ miền Tây lên TP.HCM đã mất khoảng 1.500 đồng/kg. Phần lời của chủ vựa là 500 đồng/kg, tức là giá đã cộng thêm 2.000 đồng/kg. Nhưng không phải người dân đã bán cho các chủ vựa ngay vì sản lượng ít, đường vận chuyển xa nên họ phải bán cho một nấc nữa là các thương lái tại địa phương. Qua thương lái, giá trái cây bị cộng thêm 500 đồng/kg.

Khi trái cây lên đến các chợ đầu mối tại TP.HCM, chủ vựa bán lại cho một người trung gian để người này đổ mối cho những người bán buôn tại chợ đầu mối. Phần lời của người trung gian là 500 đồng/kg. Người trung gian bán cho người bán lẻ tại các chợ, cửa hàng với mức lời khoảng 1.500 đồng/kg. Như vậy, từ vườn đến người bán lẻ, giá trái cây đã tăng tổng cộng 5.000 đồng/kg. Nhưng đó chưa phải là con số cuối cùng vì khâu bán lẻ tới tay người tiêu dùng mới là đối tượng đẩy giá lên nhiều nhất, thông thường là 40% giá trị mà họ mua hàng.

Nếu mang sản phẩm trực tiếp đến các vựa trái cây thì giá trị sản phẩm của nông dân sẽ tăng ít nhất 1.000 đồng/kg nhưng họ không làm vì sản lượng không đáng kể. Do đó, muốn loại bỏ bớt khâu trung gian phải khuyến khích nông dân tập hợp lại thành các tổ nhóm hợp tác cũng như đào tạo năng lực kinh doanh cho họ. Khi đã có một vùng nguyên liệu đủ lớn, có người đại diện có trình độ, người nông dân sẽ tiếp cận được khâu phân phối cuối cùng là các siêu thị để chào hàng. Khi đó chi phí trung gian giảm đi đáng kể, người tiêu dùng sẽ có sản phẩm với giá cả phải chăng hơn, nông dân cũng có lợi.

* TS Vũ Trọng Bình (giám đốc Trung tâm Phát triển nông thôn - Viện Chính sách và chiến lược phát triển nông nghiệp nông thôn): Quy hoạch trên giấy không ai dám làm ăn lâu dài

Để giảm khâu trung gian thì điều quan trọng là nhà chế biến, tiêu thụ phải liên kết với nhà sản xuất (nông dân). Nhưng điều đáng buồn ở VN là cả người dân lẫn nhà tiêu thụ đều chưa sẵn sàng để hợp tác với nhau. Điều này bắt nguồn từ khâu quy hoạch nông nghiệp của VN chủ yếu vẫn nằm trên giấy. Không có nhà tiêu thụ nào dám đầu tư tiền cho nông dân để sản xuất một sản phẩm cụ thể trên những vùng đất mà người dân có thể tự do chuyển đổi sang bất cứ loại cây trồng nào.

Ở nhiều nước, quy hoạch nông nghiệp thường là quy hoạch “chết”, tức khi cơ quan chức năng xác định vùng đất nào đó trồng sản phẩm nông nghiệp nào đó thì sẽ mãi như vậy, không có chuyện chặt trồng như VN hiện nay. Có như vậy, những nhà tiêu thụ mới dám đầu tư cho nông dân phát triển vùng nguyên liệu. Khi mối liên kết giữa nhà nông và doanh nghiệp trở nên bền chặt thì sẽ giảm được khâu trung gian.

TRẦN MẠNH ghi

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Trần Mạnh - Dũng Tuấn ([Tên nguồn])
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN