“Bóc mẽ” các chiêu trò buôn lậu

Thay vì vượt núi, băng rừng len lỏi kêch rạch về nước như trước đây, nay các đối tượng buôn lậu biến tướng hàng lậu thành các mặt hàng chính ngạch khác để thẩm thấu sâu vào nội địa.

Thuốc lá thành vải, ma túy biến bột gà

Đánh giá của Tổng cục Hải quan mới đây cho hay: tình hình buôn lậu, vận chuyển trái phép hàng hóa qua biên giới mấy tháng đầu năm 2015 tiếp tục diễn biến phức tạp, trên cả ba tuyến đường bộ, đường biển và đường hàng không.

Những địa bàn ưa thích của giới buôn lậu vùng biên như Điện Biên, Cao Bằng, Lào Cai, Lạng Sơn, Quảng Ninh, Hải Phòng, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Trị, Đà Nẵng, TPHCM, An Giang, Kiên Giang, Đồng Tháp, Tây Ninh... Theo khảo sát của Tiền Phong, hàng lậu còn thẩm thấu và công khai thẩm thấu trong nội địa ngay tại thủ đô Hà Nội và các tỉnh, thành phố lớn như Đà Nẵng, Đồng Nai, Bình Dương...

“Bóc mẽ” các chiêu trò buôn lậu - 1

Các đối tượng ngày càng dùng nhiều “chiêu trò” để buôn lậu. Ảnh: Đức Huy.

Nhiều mặt hàng trọng điểm như ma túy, vũ khí, tài liệu phản động, pháo, động vật hoang dã, gỗ, xăng dầu, khoáng sản, ngoại tệ, vàng, rượu ngoại, thuốc lá ngoại, ôtô, máy móc thiết bị, điện tử, điện lạnh đã qua sử dụng, hàng bách hóa Trung Quốc, hàng thời trang, thực phẩm chức năng, gia súc, gia cầm, rác thải...

Mới đây, Cục Hải quan Hải phòng đã bắt giữ 240.000 bao thuốc lá, được đóng trong hơn 212 thùng carton tại cảng Đình Vũ. Các đối tượng khai báo với cơ quan hải quan là hàng may mặc, nhưng thực tế khi tổ chức khám xét đã phát hiện toàn bộ lô hàng là thuốc lá điếu.

Trước đó, Chi cục Hải quan sân bay quốc tế Tân Sơn Nhất đã phát hiện và bắt giữ 4.572,46 gram cocain. Ma túy được các đối tượng ngụy trang bằng cách đóng trong những hộp bột gà Knorr. Hay như vụ bắt giữ 4,355 gam tiền chất Ephedrine do Chi cục Hải quan sân bay quốc tế Đà Nẵng thực hiện được các đối tượng đóng gói bằng bao bì đường thốt nốt nhãn hiệu Lan Nhi. Trước đó, Đội 1 (Cục Điều tra chống buôn lậu) đã thực hiện bắt giữ thành công 8 xe ô tô chở hàng bách hóa, không có giấy tờ hợp lệ, từ Lạng Sơn, Quảng Ninh tuồn sâu vào nội địa tiêu thụ với trị giá hàng hơn 10 tỷ đồng.

Đẩy lùi hoạt động tiếp tay, bảo kê?

Trao đổi với Tiền Phong, Phó Cục trưởng Cục chống buôn lậu (Tổng cục Hải quan) Nguyễn Ngọc Tuấn cho biết rằng, các đối tượng buôn lậu ngày càng liều lĩnh, liên tục thay đổi phương thức hoạt động từ hình thức mang vác nhỏ lẻ qua biên giới sang lợi dụng hình thức khai báo, làm thủ tục hải quan với số lượng lớn qua cảng biển để thực hiện hành vi buôn lậu. Vì thế, cơ quan chống buôn lậu đang triển khai nhiều giải pháp ngăn chặn những hành vi biến tướng mới của đối tượng buôn lậu.

Bên cạnh các giải pháp về nghiệp vụ, ông Tuấn cho rằng cần phải xây dựng lực lượng tinh thông nghiệp vụ, vững vàng bản lĩnh, quyết tâm đẩy lùi các hiện tượng bảo kê, tiếp tay cho buôn lậu, vận chuyển trái phép hàng hóa qua biên giới, gian lận thương mại. Ngoài ra, cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến chính sách, pháp luật cả bề rộng và chiều sâu, về mối nguy hại của hoạt động buôn lậu, vận chuyển trái phép hàng hóa qua biên giới, gian lận thương mại và hàng giả để mọi công dân không tham gia, không tiếp tay, không bao che, không làm ngơ đối với hoạt động này.

Phát biểu tại hội nghị chống buôn lậu, hàng nhái hàng giả, Chánh Văn phòng thường trực Ban chỉ đạo 389 quốc gia, ông Nguyễn Văn Cẩn, cho hay: Cần phải phối kết hợp với các lực lượng chức năng trên địa bàn, từ trung ương đến địa phương. “Hiện, Trưởng Ban chỉ đạo 389 quốc gia đã chỉ đạo xây dựng cơ sở dữ liệu quốc gia về các thông tin liên quan đến buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả có kết nối với các bộ, ngành và địa phương”.

Với tư cách Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan, ông Cẩn cho biết sẵn sàng chia sẻ cho các bộ, ngành, trung ương và địa phương về dữ liệu hải quan. “Cung cấp cho cơ quan quản lý thị trường, công an đăng nhập hệ thống để tra cứu thông tin về doanh nghiệp sai phạm khai báo thế nào, ở đâu, hàng gì... nhằm chia sẻ thông tin để kiểm soát, tăng cường chống buôn lậu, phòng ngừa có hiệu quả”, ông Cẩn nói.

Kết quả trong quý I/2015, lực lượng kiểm soát hải quan đã chủ trì, phối hợp bắt giữ 4.507 vụ, trị giá hàng hóa vi phạm ước tính 43 tỷ 872 triệu đồng. So với cùng kỳ năm 2014 số vụ tăng 412 vụ (tăng 10,06%), trị giá hàng hóa vi phạm ước tính giảm 34 tỷ 467 triệu đồng (giảm 44%).

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Tuấn Đức (Tiền Phong)
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN