Bỏ việc Nhà nước về quê chỉ vì đam mê nuôi loài gà ham "đánh võ"

Sự kiện: Kinh Doanh

Vì đam mê gà chọi, anh Nguyễn Quang Hưng, bản Tả Làn Than (phường Tân Phong, thành phố Lai Châu, tỉnh Lai Châu) đã quyết định xin nghỉ việc ở một cơ quan Nhà nước, về nhà nuôi loài gà chỉ thích "đánh võ". Chưa đầy một năm, anh đã gây dựng được đàn gà chọi lên đến cả trăm con.

PV báo điện tử DANVIET.VN đến nhà anh Hưng vào một buổi chiều trung tuần tháng 6. Nhà anh ở trong một ngõ nhỏ, ngay đầu bản Tả Làn Than. Khi chúng tôi đến, anh Hưng đang tỉ mẩn chăm sóc chú gà trống chọi, chuẩn bị cho nó đi “rèn luyện sức khỏe”.

Mở đầu câu chuyện với DANVIET.VN, anh Hưng vui vẻ nói: “Nuôi gà chọi vất vả gấp nhiều lần so với gà thường, lọ mọ suốt ngày, hết cho ăn, lại om gà, vần gà, vệ sinh chuồng trại...”.

Bỏ việc Nhà nước về quê chỉ vì đam mê nuôi loài gà ham "đánh võ" - 1

Anh Nguyễn Quang Hưng, bản Tả Làn Than chăm sóc gà chọi trước khi cho nó đi "tập võ".

Dẫn chúng tôi ra thăm khu nuôi gà chọi, chỉ tay vào những chiếc lồng sắt, mỗi lồng nhốt một chú gà trống vạm vỡ, chân cao lênh khênh, anh Hưng cho biết: "Đây đều là gà chiến, nếu không nhốt riêng thì chúng đánh nhau suốt ngày. Tôi nuôi gà chọi đã nhiều năm, nhưng chỉ nuôi vài con để chơi thôi, còn nuôi với số lượng gà nhiều như này thì mới được gần 1 năm nay”.

Bỏ việc Nhà nước về quê chỉ vì đam mê nuôi loài gà ham "đánh võ" - 2

Anh Hưng thường nhốt chung 1 con gà trống với 3 con gà mái đẻ trong thời gian gà đẻ trứng.

Qua câu chuyện với anh Hưng, chúng tôi được biết, trước khi toàn tâm, toàn ý với gà chọi, anh là cán bộ Chi cục thuế thành phố Lai Châu. Năm 2004, anh Hưng rời thị xã Mường Lay (tỉnh Điện Biên) xuống thị xã Lai Châu (nay là thành phố Lai Châu) xin vào Cục thuế tỉnh Lai Châu. Một năm sau anh xin chuyển về Chi cục thuế thành phố Lai Châu. Gần 14 năm gắn bó với nghề, đùng một cái anh xin nghỉ việc trước sự ngỡ ngàng của anh em, bạn bè, đồng nghiệp. Khi đó, mức thu nhập của anh đã là 7 triệu đồng/tháng.

Bỏ việc Nhà nước về quê chỉ vì đam mê nuôi loài gà ham "đánh võ" - 3

Mỗi ngày, anh Hưng cho gà chiến tập luyện "võ nghệ" khoảng 15 phút.

“Tôi vốn đam mê gà chọi từ bé. Khi còn là học sinh, tôi đã nuôi gà chọi. Kể cả khi đi làm, lập gia đình, tôi vẫn không từ bỏ sở thích này. Vì muốn dồn hết tâm huyết để thực hiện niềm đam mê của mình, nên tháng 8/2018, tôi đã quyết định xin nghỉ việc ở Chi cục thuế, dành thời gian cho việc nuôi và chăm sóc đàn gà chọi”. – anh Hưng cho hay.

Sau khi nghỉ việc, anh Hưng bắt tay ngay vào xây dựng chuồng trại, sau đó lặn lội khắp nơi để chọn mua gà chọi về nuôi. Cứ nghe nơi nào có dòng gà chọi hay, đá giỏi là anh tìm đến, ở lì vài hôm để theo dõi, kiểm nghiệm thực tế, sau đó mới mua về gây giống.

Bỏ việc Nhà nước về quê chỉ vì đam mê nuôi loài gà ham "đánh võ" - 4

Theo anh Hưng, gà đá giỏi hay không phần lớn phụ thuộc vào việc tập luyện mỗi ngày.

Hiện nay, anh Hưng đã có 7 dòng gà mái chọi: Nghệ An, Lâm Đồng, Đông Anh, Thường Tín... với 15 con đang đẻ.

Theo anh Hưng, nuôi gà chọi rất công phu, tốn nhiều thời gian, vì vậy đòi hỏi người nuôi phải kiên trì và phải có niềm đam mê thực sự. Để gà sinh trưởng, phát triển tốt, ngoài cho ăn đảm bảo đủ dinh dưỡng, anh Hưng còn đặc biệt quan tâm đến khâu phòng chống dịch bệnh. Anh tiêm vắc xin phòng các loại bệnh: Rù, tụ huyết trùng, sưng đầu mặt... cho đàn gà mái và gà con mới nở.

“Thức ăn cho gà chọi rất quan trọng. Với mỗi loại gà chọi và ở từng độ tuổi khác nhau mà cho ăn với khẩu phần phù hợp. Tôi chủ yếu cho gà chọi ăn thóc ngâm. Sau khi loại bỏ hạt lép, trấu, tôi cho thóc vào ngâm nước sạch khoảng 1 ngày, sau đó vớt ra phơi cho se rồi mới đem cho gà ăn...".

Theo kinh nghiệm nuôi gà chọi của anh Hưng, khẩu phần ăn của gà chiến và gà bình thường (gà mái và gà con sau khi tách mẹ) khác nhau. Đối với gà chiến, anh cho chúng ăn 3 bữa trên ngày. Bữa sáng và nữa trưa cho ăn thóc, còn bữa trưa cho ăn cà chua kèm theo tí mồi (thịt bò, thịt chó đã nấu chín). Với gà bình thường, tôi cho ăn 70% thóc ngâm trộn với cám công nghiệp và rau xanh”.

Bỏ việc Nhà nước về quê chỉ vì đam mê nuôi loài gà ham "đánh võ" - 5

Anh Hưng đam mê gà chọi từ hồi còn nhỏ.

Trong quá trình nuôi, chăm sóc, anh Hưng không ngừng học hỏi kỹ thuật nuôi gà chọi từ sách báo, mạng internet và tham khảo anh em bạn bè cùng sở thích về kỹ thuật om gà, vần gà. Khi gà trống được từ 6 – 7 tháng tuổi, anh Hưng bắt đầu nhốt riêng mỗi con một lồng, đến khi gà được 9 tháng tuổi thì bắt đầu vần.

Việc vần gà chọi hay nói cách khác là "tập võ" cho gà, giúp cho nó nở nang cơ bắp, tiêu mỡ, cổ nở to, mổ khỏe, chịu đòn tốt... Mỗi ngày, anh Hưng cho 2 con gà trống gặp nhau "trau dồi võ nghệ" khoảng 15 phút trong một cái vòng tròn cao su rộng rãi, cao chừng 70cm, để chúng tự luyện võ với nhau. Luyện tập nhiều sẽ giúp gà chọi có lối đá hay, bản lĩnh kiên cường, lì đòn.

Bỏ việc Nhà nước về quê chỉ vì đam mê nuôi loài gà ham "đánh võ" - 6

Anh Hưng cho biết, sau khi vần gà thì phải lau lưng, hông, bụng gà sạch sẽ.

“Một con gà đẹp phải hội tụ nhiều yếu tố như: Thế võ hay, dẻo dai, cần cổ to, hình dáng, chân vảy đẹp, mắt sáng... Hiện tôi có hơn 100 con gà chọi, trong đó có 15 con mái chọi đang đẻ, 2 con trống chuyên đạp mái, 10 con gà chiến, và hơn 80 con gà chọi khác có độ tuổi từ 2 – 4 tháng. Tôi có con gà chiến giá lên đến gần 20 triệu đồng. Cuối năm nay, tôi sẽ bán lứa gà chiến đầu tiên, dự kiến thu hơn 60 triệu động. Giá bán gà chiến dao động từ 2 – 10 triệu đồng, thậm chí có con lên đến vài chục triệu đồng” – anh Hưng bảo vậy.

Nuôi gà chân dài như ”siêu mẫu”, U70 xứ Lạng thu 500 triệu/năm

Ở phường Tam Thanh, TP.Lạng Sơn (Lạng Sơn) hầu như ai cũng biết đến ông Chu Văn Nga - một trong những người cao tuổi làm...

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Văn Chiến ([Tên nguồn])
Kinh Doanh Xem thêm
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN