Bộ trưởng Y tế lý giải lý do thực phẩm bẩn ngày càng nhiều
“Tại sao văn bản quy phạm pháp luật khá đồng bộ nhưng các vụ vi phạm và ngộ độc thực phẩm càng ngày càng nhiều? Đấy là một thực tiễn do sản xuất, do hội nhập, do ý thức người dân.”
Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến khẳng định như vậy trước hội trường Quốc hội chiều 05/06 khi thảo luận về việc thực hiện chính sách, pháp luật về an toàn thực phẩm (ATTP) giai đoạn 2011-2016.
Quá nhiều luật nhưng không hiểu luật
ATTP là vấn đề có tính sống còn của xã hội và sức khỏe cộng đồng. Chất lượng thực phẩm vẫn còn là vấn đề đáng quan ngại. Các vi phạm ATTP đang diễn ra trên cả nước ở tất cả các khâu như sản xuất, chế biến, bảo quản, phân phối; tình trạng sử dụng, lạm dụng hóa chất, chất phụ gia, hàng nhái, hàng kém chất lượng tràn lan trên thị trường là vấn đề nhức nhối, gây nhiều bức xúc cho người dân.
Cũng như hầu hết các ĐBQH, Bộ trưởng Bộ Y tế cho rằng hệ thống văn bản quy phạm pháp luật về ATVSTP khá đầy đủ, đồng bộ. Vấn đề cơ bản là thực thi và kiểm tra, xử phạt.
“Tại sao văn bản quy phạm pháp luật khá đồng bộ nhưng các vụ vi phạm và ngộ độc thực phẩm càng ngày càng nhiều?”
Bộ trưởng Tiến đặt câu hỏi và trả lời: “Đấy là một thực tiễn do sản xuất, do hội nhập, do ý thức người dân. Chúng ta đã nói rất nhiều về trách nhiệm quản lý nhà nước, nhưng còn một mảng nữa là doanh nghiệp và nhà sản xuất coi thường sức khỏe của người dân, chưa nghiêm túc thực hiện các văn bản pháp luật. Cho nên mới có tình trạng tồn tại hai luống rau, hai chuồng lợn, hai chuồng gà; rồi tại sao methanol độc như thế nhưng vẫn pha vào rượu để hàng loạt người chết; thịt bị hủy rồi vẫn dùng làm ruốc; ngộ độc bếp ăn tập thể do các đơn vị cung cấp không đủ điều kiện sản xuất, chưa có giấy phép nhưng vẫn tiếp tục cung cấp thức ăn dẫn đến ngộ độc liên tiếp”.
Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến trả lời trước Quốc hội.
Tuy nhiên, sắp tới Bộ Y tế cũng sẽ tiếp tục tham mưu điều chỉnh hệ thống văn bản pháp luật. Thứ nhất là sửa Nghị định 38 về thực hiện Luật ATTP; Nghị định 178 về xử lý vi phạm hành chính; Luật ATTP; Luật phòng chống tác hại rượu bia; Nghị định quản lý thực phẩm chức năng.
Theo Bộ trưởng Tiến, vấn đề là người sản xuất và DN vì lợi nhuận, cố tình làm trái pháp luật. Trong khi đó, việc xử lý vi phạm còn kém, mức phạt quá thấp và không đủ sức răn đe.
Cuộc chiến giữa cái thiện và cái ác
Trên cơ sở chính sách pháp luật đã ban hành, các đại biểu cho rằng cần xem xét lại phương thức tổ chức về mặt nhà nước theo nguyên tắc các cơ sở sản xuất, kinh doanh phải chịu sự quản lý của một cơ quan nhà nước duy nhất, khắc phục tình trạng chồng chéo trong quản lý ATTP.
ĐB Nguyễn Lân Hiếu (An Giang) tranh luận: “Cần có một đơn vị độc lập, trực tiếp theo dõi, xử lý các vấn đề VSATTP, tổ chức này có chức năng quản lý xuyên suốt chuỗi thực phẩm, như vậy mới có đủ năng lực pháp lý tổ chức, quản lý ATTP. Thành phần tổ chức này bao gồm các chuyên viên đến từ 3 Bộ: Công thương; NN&PTNT và Y tế, do vậy không thể làm tăng biên chế, thậm chí có thể làm giảm biên chế do loại bỏ một số vị trí trùng hợp chức năng giữa 3 Bộ”.
Tuy nhiên, ĐB Nguyễn Minh Trí (Hà Nội) cho rằng 3 Bộ không thể làm được trách nhiệm nặng nề này. Đây là cuộc chiến giữa cái thiện và cái ác. Thay vào đó, cả xã hội phải vào cuộc, cuộc chiến này chỉ thành công khi cả xã hội vào cuộc.
ĐB Phạm Văn Hòa (Đồng Tháp) cũng phản đối đề xuất thành lập ban quản lý các vấn đề về ATTP, nếu có cũng chỉ nên làm thí điểm, cho các địa phương chủ động sử dụng toàn bộ số tiền phạt vi phạm ATTP và có kinh phí tăng cường từ NSNN để đảm bảo yêu cầu của công tác này.
Đại biểu Nguyễn Như So (Bắc Ninh) cho rằng hiện nay quản lý ATTP có tới 3 ngành. Việc này được liên tưởng tới quản lý chất lượng một chiếc bánh Trung thu, phần bên ngoài là tinh bột do ngành Công thương quản lý; nhân bánh là thịt và trứng do ngành Nông nghiệp kiểm soát; Bộ Y tế quản lý các chất phụ gia, phẩm màu.
Ông Nguyễn Như So kiến nghị cần tránh tình trạng quá nhiều luật sẽ trở nên rối; luật quá nhiều, nhưng hiểu luật lại ít, nội dung luật chồng chéo, gây khó khăn cho các chủ thể quản lý và đối tượng quản lý.
Các cơ quan quản lý cũng cần tạo điều kiện tốt nhất cho các nhà sản xuất, quản lý theo chuỗi từ trang trại đến bàn ăn, đề cao đạo đức trong SXKD; tăng cường ý thức trách nhiệm cho nhà sản xuất, tạo sức ép chất lượng sản phẩm đối với nhà sản xuất.
Công tác tuyên truyền phải khách quan, tránh một chiều gây tâm lý hoang mang lo lắng. Cần thay đổi từ văn hóa suy diễn sang văn hóa chứng cứ.