Bộ trưởng Công Thương: Sẽ sàng lọc DN đầu mối xăng dầu, làm rõ trách nhiệm của ai, đơn vị nào!
Dù khó khăn đến đâu cũng không được phép để đứt gãy nguồn cung, Bộ Công Thương sẽ xử lý 14 doanh nghiệp đầu mối không thực hiện nhập xăng dầu theo kế hoạch… là thông điệp được Bộ trưởng Công Thương đưa ra tại cuộc họp với các doanh nghiệp xăng dầu chiều 2/11.
Tại cuộc họp với đại diện các doanh nghiệp đầu mối, sản xuất, kinh doanh xăng dầu thuộc Nhà nước, Bộ trưởng Công Thương Nguyễn Hồng Diên cho biết, GDP dự báo đầu năm tăng trưởng 6,5 đến 7% nên bộ đã dự báo tăng thêm 15% so với sản lượng thực hiện năm 2021. Đến tháng 2, Bộ Công Thương tiếp tục giao tăng 20% sản lượng cho các doanh nghiệp từ thời điểm quý 2 trở đi. Như vậy, sản lượng phân giao đã đủ, đáp ứng được nhu cầu phát triển của nền kinh tế đất nước ở mức 7,5 đến 8%.
Ông Diên cũng cho biết, thời gian qua, xuất hiện một số doanh nghiệp đã thoái thác trách nhiệm của mình trong việc đảm bảo tổng giao xăng dầu mà Bộ đã giao cho. Song đây cũng là thời điểm, doanh nghiệp Nhà nước thể hiện vai trò của mình, từ doanh nghiệp sản xuất đến doanh nghiệp đầu mối đều phải nỗ lực hết mình. Các doanh nghiệp sản xuất phải tiếp tục, nỗ lực đạt và vượt xa sản lượng đã cam kết, càng nhanh càng tốt.
“Hiện trong 36 đầu mối kinh doanh xăng dầu của cả nước, mới chỉ có 22 doanh nghiệp thực hiện đạt và vượt kế hoạch được phân giao, kế hoạch bổ sung. Đến thời điểm cho phép, sẽ đề xuất xử lý các doanh nghiệp không thực hiện theo kế hoạch đề ra” - Bộ trưởng Công Thương cho hay.
Cây xăng bán lẻ của Công ty Cổ phần Xăng dầu HFC đóng cửa tối 2/11.
Theo người đứng đầu ngành công thương, các doanh nghiệp có chức năng nhập khẩu, phân phối xăng dầu ngoài việc cung ứng đầy đủ xăng dầu cho thương nhân phân phối, đại lý của mình phải vươn ra các thị trường đang thiếu hụt cục bộ.
“Đây là nhiệm vụ quan trọng nhất lúc này, phải vươn lên để bảo đảm nguồn cung trong mọi hoàn cảnh, dù gặp nhiều khó khăn. Đây cũng là cơ sở để sàng lọc lại doanh nghiệp đầu mối, sau đó là sàng lọc thương nhân phân phối và làm rõ trách nhiệm của ai, đơn vị nào”- ông Diên nhấn mạnh.
Lý giải những khó khăn thời gian qua, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên cho rằng, nguyên nhân để xảy ra tình trạng đứt gãy, khan hiếm nguồn cung ở một số vùng, miền đã được lý giải các cấp độ. Một lý do được cập nhật cho đến thời điểm này là tỷ giá tiếp tục biến động rất ghê gớm và sức hút nguồn xăng dầu vào địa bàn châu Âu ngày càng gay gắt.
Mặt khác, các doanh nghiệp nhập khẩu và kinh doanh xăng dầu trong nước đang gặp khó vì những chi phí phát sinh, chi phí thực tế phát sinh chưa được kịp thời cập nhật, phản ánh đầy đủ trong công thức tính giá bán lẻ. Cho nên các doanh nghiệp nhập khẩu hay kinh doanh xăng dầu càng làm càng lỗ.
“Tuy nhiên, năng lượng nói chung, xăng dầu nói riêng là vật tư chiến lược nên trong mọi tình huống dù có khó đến đâu thì chúng ta không được phép để đứt gãy nguồn cung””, ông Diên nói.
Để đạt được mục tiêu không đứt gãy nguồn cung xăng dầu trên phạm vi cả nước, đặc biệt là giải quyết ở những địa bàn đã và đang có hiện tượng đứt gãy cục bộ, Bộ trưởng Công Thương nêu ra 6 giải pháp.
Theo đó, các doanh nghiệp nhà nước khẩn trương xem xét để xuất dự trữ xăng dầu thương mại, đáp ứng nhu cầu cho hệ thống của mình và ứng cứu cho những địa bàn đang thiếu hụt cục bộ trong thời điểm hiện tại.
Bộ trưởng Công Thương cũng đề nghị Tập đoàn dầu khí Việt Nam chỉ đạo và làm việc với 2 nhà máy lọc hóa dầu Bình Sơn và Nghi Sơn tiếp tục vận hành tối đa và vận hành vượt công suất để tiếp tục cung ra thị trường xăng dầu thành phẩm, đáp ứng nhu cầu của đất nước.
“Đề nghị tất cả các doanh nghiệp đầu mối cả Nhà nước và tư nhân có điều kiện phải khẩn trương hoàn tất các thủ tục nhập khẩu xăng dầu, theo kế hoạch phân giao, càng vượt định mức bao nhiêu thì càng tốt bây nhiêu. Sẵn sàng bù đắp các sản lượng thiếu do các doanh nghiệp khác đã không và chưa thực hiện được kế hoạch phân giao của mình” - người đứng đầu ngành Công Thương yêu cầu.
Theo ông Diên, hành động này sẽ được Bộ Công Thương cùng với các bộ, ngành ghi nhận, phản ánh và đề xuất các cấp có thẩm quyền để có sự can thiệp khi xem xét tới quyền lợi, nghĩa vụ theo quy định của pháp luật.
Theo Bộ trưởng Công Thương, Việt Nam luôn khẳng định chỉ nhập 20% xăng dầu thành phẩm, còn 80% trong nước sản xuất nhưng phải hiểu rõ trong 80% nguồn cung do 2 nhà máy sản xuất trong nước thì 50% trong đó vẫn phải nhập dầu thô (xăng dầu nguyên liệu). Như vậy, tính ra Việt Nam vẫn đang phải nhập trên dưới 70% xăng dầu nguyên liệu và xăng dầu thành phẩm, chỉ có 30% là chủ động nguồn cung trong nước từ dầu thô đến xăng dầu thành phẩm.
Nguồn: [Link nguồn]
Lãnh đạo các doanh nghiệp xăng dầu đầu mối dự báo việc mua xăng dầu từ nước ngoài giai đoạn tới sẽ rất khó khăn, đặc biệt là dầu, do châu Âu đang gia tăng nhập dầu....