Bộ Tài chính: Giảm thuế không có nghĩa giá ô tô sẽ giảm
Thuế nhập khẩu ô tô trong TPP (Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương) chỉ là một trong nhiều yếu tố trong cơ cấu tính giá sản phẩm, ngoài ra còn chi phí đầu vào, chi phí vận chuyển, các sắc thuế khác...
Đây là khẳng định của ông Vũ Nhữ Thăng - Vụ trưởng Vụ Hợp tác quốc tế (Bộ Tài chính) tại cuộc họp báo chuyên đề về Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) do Bộ Tài chính tổ chức ngày 9.11.
Thông tin chính thức của Bộ Tài chính cho biết, theo cam kết TPP, ô tô sẽ được xóa bỏ thuế nhập khẩu vào năm thứ 13 đối với các loại ô tô mới. Riêng ô tô con có dung tích xi lanh từ 3.000cc trở lên có lộ trình xóa bỏ thuế nhập khẩu vào năm thứ 10. Đồng thời, áp dụng hạn ngạch thuế quan đối với ô tô cũ với lượng hạn ngạch ban đầu là 66 chiếc, lượng hạn ngạch sẽ tăng dần và đạt 150 chiếc kể từ năm thứ 16. Thuế trong hạn ngạch giảm về 0% vào năm thứ 16, thuế ngoài hạn ngạch thực hiện theo mức thuế suất nhập khẩu ưu đãi theo WTO.
Cụ thể hơn với cam kết trong TPP, ông Hà Duy Tùng - Phó Vụ trưởng Vụ Hợp tác quốc tế giải thích lý do cắt giảm thuế đối với xe phân khối lớn là cần lộ trình hợp lý cho các mặt hàng cần bảo hộ trong nước. Xe ô tô phân khối lớn trong nước chưa sản xuất được nên có lộ trình ngắn hơn. Với ô tô cũ, từ trước đến nay, Việt Nam không cam kết xóa bỏ thuế nhập khẩu cho ô tô cũ vì không khuyến khích nhập khẩu. Tuy vậy, trong đàm phán TPP bắt buộc phải đưa ra cam kết nên Việt Nam sử dụng hạn ngạch thuế quan với số lượng rất nhỏ để không tác động nhiều đến sản lượng ô tô cũ.
Đánh giá về tác động giảm thuế tới giá của các mặt hàng nhập khẩu từ TPP, ông Vũ Nhữ Thăng cho rằng: Thuế nhập khẩu chỉ là một trong nhiều yếu tố trong cơ cấu tính giá sản phẩm. Ngoài ra còn chi phí đầu vào, chi phí vận chuyển, các sắc thuế khác... "Nếu nói cứ giảm thuế nhập khẩu là giảm giá thì không đầy đủ bởi đây chỉ là một trong nhiều yếu tố cơ cấu giá”- ông Thăng nhấn mạnh.
Trước đó, ông Lương Hoàng Thái - Vụ trưởng Vụ Chính sách thương mại đa biên (Bộ Công Thương) cũng cho biết, ngoài thuế nhập khẩu giảm theo TPP thì có nhiều yếu tố chi phối tới giá bán ô tô, như thuế tiêu thụ đặc biệt, nhiều loại thuế phí khác. Do đó, chưa thể khẳng định giá ô tô bán ra thị trường tới đây sẽ giảm khi Việt Nam tham gia vào TPP. Ông Thái còn giải thích thêm rằng, thuế tiêu thụ đặc biệt với ô tô không có gì thay đổi bởi TPP. Đây là chính sách của mỗi nước. Các nước TPP không can dự và không cam kết về nội dung này.
Ông Đặng Như Quỳnh - Tổng giám đốc một công ty nhập khẩu ô tô khẳng định, với cách tính thuế lũy kế hiện nay, dù thuế nhập khẩu có giảm thì giá ô tô vẫn khó đi xuống. Cụ thể, theo cách tính thuế lũy kế, thuế nhập khẩu ô tô ở lũy kế trước, thuế TTĐB ở lũy kế sau. Vì vậy, nếu thuế nhập khẩu ô tô giảm 10 điểm phần trăm nhưng thuế TTĐB nhích lên khoảng 5 điểm phàn trăm là "hòa". Giá xe vẫn sẽ giữ ở mức cao và nguồn thu ngân sách từ thuế vẫn được đảm bảo. “Đó là còn chưa tính đến một số chi phí khác được điều chỉnh làm thay đổi phí nhập khẩu ô tô. Ví dụ, mới đây, phí CIF (giá FOB + vận chuyển) tăng. Trước kia, phí CIF chỉ bao gồm giá mua cộng với chi phí vận chuyển và bảo hiểm. Nhưng hiện nay, mức phí này phải gánh thêm chi phí lợi nhuận kinh doanh và quảng cáo của doanh nghiệp tương đương với 10% nữa", đại diện nhà nhập khẩu cho biết. Theo Zing |