Bỏ quỹ bình ổn giá xăng dầu?

Theo các chuyên gia kinh tế, nên xóa bỏ “con heo đất” quỹ bình ổn, thay vào đó trả giá xăng dầu về đúng thị trường.

Qua báo chí, Cục Quản lý giá vừa xác nhận: Cục đang tiến hành kiểm tra tình hình sản xuất, kinh doanh xăng dầu tại một số doanh nghiệp (DN), trong đó có nội dung kiểm tra về việc trích lập, sử dụng quỹ bình ổn giá xăng dầu. Theo các chuyên gia xăng dầu, đây là cơ hội để cơ quan quản lý nhìn nhận lại về tính hiệu quả của quỹ này.

Phải làm rõ con số “thật”, không “giả định”

Ông Trần Ngọc Năm, Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam (Petrolimex), cho biết chưa nhận được bất cứ thông tin nào liên quan đến kế hoạch thanh tra này. Tuy nhiên, ông xác nhận tính đến ngày 20-4, quỹ bình ổn giá xăng dầu tại DN này đã âm lên tới 40 tỉ đồng.

Chuyên gia kinh tế Ngô Trí Long cho rằng từ trước tới nay, quỹ bình ổn vẫn chưa được cơ quan quản lý công khai chi tiết. Hiện quỹ này đang được đặt tại các DN nhưng việc sử dụng quỹ được thực hiện theo sự chỉ đạo, giám sát từ liên bộ Tài chính-Công Thương. Vậy việc thanh tra này phải chăng là Bộ vừa đá bóng, vừa thổi còi? Ông Long đề xuất: Cần một cơ quan độc lập như kiểm toán vào cuộc để tìm ra sự thật mức lỗ, lãi của các DN. Trong đó cần phải công khai nguồn DN thu quỹ ra sao, sử dụng quỹ như thế nào, có sử dụng đúng mục đích không hay thu tiền từ quỹ bình ổn lại sử dụng vào mục đích khác…

Đồng tình quan điểm này, TS Nguyễn Ngọc Sơn, Trường ĐH Kinh tế-Luật TP.HCM, cũng nói nên có cơ quan độc lập vào cuộc để đảm bảo tính trung thực.

Bỏ quỹ bình ổn giá xăng dầu? - 1

Hiệu quả thực tế của quỹ bình ổn xăng dầu luôn được dư luận quan tâm. Ảnh: HTD

Ông Sơn cũng đề nghị khi Cục Quản lý giá thanh tra quỹ bình ổn giá thì cần phải làm rõ việc DN trích quỹ bình ổn thời gian qua đúng chưa. Tức là làm rõ mức độ lỗ và lãi thực của DN chứ không phải là lỗ, lãi giả định.

Người dân đang rất mong chờ vào cơ quan quản lý giá có thể công khai số liệu chi tiết về vấn đề đó. “Thêm một băn khoăn là việc sử dụng quỹ bình ổn để bù lỗ cho DN có quá mức không? Cơ quan quản lý phải trả lời cho người dân rõ rằng việc giá xăng tăng cao ở mỗi thời điểm, có thực sự DN lỗ lớn như họ nói không? Hay giá DN thực nhập có thể thấp hơn thời điểm giá thế giới tăng? Nói chung, đã “vi hành” thì phải nghiêm túc và không thể hành chính hóa được. Còn nếu kiểm tra lớt phớt thì thôi”.

Bỏ quỹ bình ổn?

Trong suốt ba năm qua, câu hỏi về hiệu quả thực tế của quỹ bình ổn luôn được dư luận quan tâm. Nhiều chuyên gia bày tỏ: Nếu quỹ bình ổn không hiệu quả như mong đợi thì nên bỏ, còn nếu duy trì thì phải cải tiến.

Ông Ngô Trí Long lập luận: “Việc thành lập quỹ là tốt nhưng Nhà nước nên quy định lại là nguồn hình thành từ đâu? Sử dụng như thế nào? Khi nào thu, khi nào chi? Phải có cơ chế rõ ràng và quản lý không sai mục đích. Thường các DN cũng tự lập cho mình một quỹ để phòng tránh rủi ro. Nhưng bất cập của chúng ta ở chỗ lập Quỹ bình ổn giá bằng cách lấy tiền trước của người tiêu dùng. Nhà nước và DN không tham gia đóng góp bất cứ phần nào vào quỹ này. Trong khi đó, nếu cùng chia sẻ thì phải có sự đóng góp, DN có thể trích từ lợi nhuận của mình - dù rất nhỏ. Không có một đất nước nào lại làm như chúng ta hiện nay là hoàn toàn quỹ được lập lấy từ tiền của người tiêu dùng trước như vậy”.

Còn theo TS Nguyễn Minh Phong, suốt trong thời gian qua, chuyên gia này luôn cho rằng quỹ bình ổn giá không hiệu quả. “Quan điểm của tôi là nên bỏ quỹ bình ổn. Cách dùng quỹ này của chúng ta như hiện nay không mang lại tác dụng gì vì đằng nào cũng là tiền của người dân nhưng cách dùng lại dễ gây bức xúc, dễ có chuyện sai số. Gây phiền phức thì tốt nhất là nên bỏ” - ông Phong nói.

Đồng tình quan điểm này, TS Nguyễn Ngọc Sơn nhấn mạnh rằng cái gốc của vấn đề vẫn là thị trường, “ở nước ngoài, giá xăng có khi điều chỉnh hằng ngày và những DN nào không tôn trọng quyền lợi của người tiêu dùng thì sẽ bị tẩy chay. Ta nên theo cơ chế thị trường và người dân sẽ tự chịu trách nhiệm trực tiếp, Nhà nước không cần phải lập ra một con heo đất. Ý tưởng lập Quỹ bình ổn là một sự lo toan của Nhà nước cho người dân nhưng dường như nó không phù hợp với quy luật thị trường. Ta lại còn để cho DN giữ quỹ thì lại là một điều vô lý. Đó là tiền của dân kia mà! Hiện nay đối với ngành xăng dầu tính thị trường yếu mà tính hành chính hóa mạnh hơn. Nên tôi đồng ý quan điểm nên bỏ quỹ bình ổn giá” - ông Sơn nói.

Người tiêu dùng nắm đằng lưỡi

Quỹ bình ổn giá xăng dầu đã được một số nước trên thế giới như Trung Quốc, Thái Lan, Philippines, Chile, Mexico sử dụng như là một công cụ tài chính hỗ trợ bình ổn giá xăng dầu. Tuy nhiên, ở Việt Nam, quỹ bình ổn giá xăng dầu đang chịu nhiều chỉ trích hơn là khen ngợi, cả về cơ sở pháp lý, cách thức trích lập, quản lý, sử dụng quỹ. Việc trích lập và sử dụng quỹ là bắt buộc và theo chỉ đạo của cơ quan chức năng chứ không phải không phụ thuộc ý chí của DN.

Thực tế cho thấy hoạt động của quỹ đã góp phần nhất định vào việc bình ổn giá thị trường xăng dầu trong một số thời gian nhạy cảm và ở mức cần thiết. Nếu không có Quỹ bình ổn giá thì sẽ phải nhiều lần liên tiếp điều chỉnh giá xăng dầu trong nước.

Bên cạnh những thông tin dường như khá minh bạch và an lòng trên đây, người ta vẫn thấy có những bất cập:

Thứ nhất, hoạt động trích lập quỹ qua giá xăng dầu khiến người tiêu dùng chịu thiệt nhiều hơn lợi.

Về bản chất, nguồn thu của quỹ là giá xăng dầu thực mua - người tiêu dùng phải trả và ứng trước cho quỹ. Cảnh “mượn đầu heo nấu cháo” này khiến người tiêu dùng, dù có thể hưởng lợi ích ít nhiều nhờ không tăng giá xăng dầu khi xả quỹ, lại luôn chịu thiệt thòi do phải tạm ứng nguồn vốn hoạt động cho quỹ, như kiểu “cho vay không lãi”. Rốt cuộc, dường như chỉ có DN kinh doanh xăng dầu luôn được bảo đảm lợi ích cả từ mức trích lợi nhuận định mức, cũng như “không có gì để mất” từ mọi hoạt động thu - chi quỹ.

Thứ hai, cơ chế quản lý hành chính của quỹ đi ngược xu hướng và làm méo mó giá cả thị trường.

Cơ chế hoạt động hiện hành của quỹ mang đậm tính can thiệp hành chính trực tiếp, ngược với xu hướng động thái thị trường thế giới. Cụ thể, nó làm tăng giá bán do yêu cầu tăng trích lập quỹ trong khi giá cả dầu mỏ thế giới giảm, hoặc làm giảm giá bán do yêu cầu xả quỹ để giữ ổn định giá khi giá thế giới tăng.

Chính tính chất đặc trưng này của quỹ đã trực tiếp và gián tiếp làm méo mó giá cả thị trường mỗi khi quỹ vận hành, cả lúc trích và xả quỹ khiến các động thái cung - cầu xăng dầu, cũng như hoạt động dự báo và hạch toán kinh doanh thị trường khác dễ trở nên nhiễu loạn.

Thứ ba, việc ủy thác quản lý thu trích lập và chi dùng quỹ cho DN có thể tạo nhiều kẽ hở cho sự lạm dụng và tham nhũng, hoặc làm phát sinh chi phí quản lý, giám sát hoạt động của quỹ. Trong đo, có sự lạm dụng từ những “mẹo mực” kế toán, sự tính toán, khai báo, đo lường và thủ thuật gian lận khác về mức độ, thời điểm và số lượng xăng dầu nhập khẩu, tiêu thụ và tồn kho thực với số liệu báo cáo khi trích lập và xả quỹ.

Trích bài viết của TS Nguyễn Minh Phong
trên VEF.VN ngày 22-9-2011

 

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Mai Phương (Pháp luật TPHCM)
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN