Bỏ phố về quê trồng rau công nghệ cao lãi hơn 1 tỷ/năm.
Nhờ được đầu tư bài bản và áp dụng khoa học kỹ thuật hiện đại vào sản xuất, trang trại trồng rau công nghệ cao của ông Lâm Văn Lưu (51 tuổi, ở xóm 11, xã Trực Hùng, huyện Trực Ninh, tỉnh Nam Định) luôn phát triển tốt và cho hiệu quả kinh tế cao, nhờ đó mà mỗi năm ông Lưu lãi hơn 1 tỷ đồng.
Trước khi đến với nghề trồng rau thủy canh, gia đình ông Lưu có nhiều năm làm kinh doanh trong lĩnh vực sản xuất và lắp đặt vật tư nông nghiệp đô thị, đây cũng là công ty làm ăn có tiếng trên địa bàn TP Hà Nội. Tuy nhiên, trong quá trình đi lắp đặt các mảnh vườn trồng rau hữu cơ trên sân thượng cho các hộ dân, ông nhận thấy chi phí lắp đặt khá lớn nhưng người dân lại trồng cấy lại cho năng suất thấp do không có kỹ thuật.
“Chi phí lắp đặt ban đầu cho hệ thống trồng rau trên sân thượng là rất lớn, như chỉ khoảng 60m2 thôi cũng mất 75 triệu đồng. Trong quãng thời gian lắp đặt, tôi nhận được rất nhiều phản ánh của khách hàng là nếu như dùng số tiền đó đi mua rau trong siêu thị thì có mà ăn mấy năm. Xuất phát từ những phản ánh đó trong tôi bắt đầu có ý định là về quê trồng rau thủy canh.” ông Lưu chia sẻ.
Quyết định đi con đường kinh doanh khác, ông Lưu bắt đầu tìm hiểu thị trường rau an toàn. Sau vài lần đi thăm quan các mô hình trồng rau công nghệ cao ở Đà Lạt, nơi trồng rau theo mô hình thủy canh rất phát triển để học hỏi kinh nghiệm từ các hộ nông dân trồng rau ở đây, đặc biệt là các chuyên gia trồng rau công nghệ cao.
Sau đó, ông Lưu để vợ quản lý công việc kinh doanh trên Hà Nội rồi bỏ về quê trồng rau. Để có đất mở trang trại, đầu năm 2016, ông Lưu mạnh dạn đấu thầu hơn 9ha đất trồng lúa kém hiệu quả của xã Trực Hùng để quy hoạch xây dựng mô hình trồng rau công nghệ cao.
Các loại rau công nghệ cao tại trang trại của ông Lưu đều bán đồng giá 35.000-40.000 đồng/kg.
Đến nay, ông Lưu đã sở hữu trang trại rau công nghệ cao, bao gồm sản xuất rau công nghệ cao bằng các phương pháp thủy canh, hữu cơ trong nhà màng; sản xuất rau sạch, rau hữu cơ ngoài trời theo công nghệ tiên tiến: VietGAP, GlobalGAP, đảm bảo tiêu chí chung là sạch và an toàn phục vụ cho khách hàng. Chi phí đầu tư ban đầu cho toàn bộ diện tích bao gồm hệ thống tưới, nhà kính, nhà màng, giống, dinh dưỡng,… là hơn 6 tỷ đồng.
Trong đó, 2000 m2 nhà kính trồng hoàn toàn theo phương pháp thủy canh với 8 loại xà lách nguồn gốc từ Hà Lan được thị trường ưa chuộng, như: xà lách mỡ, xà lách xoong, xanh, tím, salanova,… Cùng với hơn 6000m2 nhà màng áp dụng công nghệ tưới phun sương, nhỏ giọt tiết kiệm nước của Israel để chuyên trồng các loại dưa leo có giá trị kinh tế nhất.
Hơn 6.000m2 nhà màng của Lưu được thiết kế theo công nghệ Thái Lan, áp dụng công nghệ tưới phun sương, nhỏ giọt tiết kiệm nước của Israel.
Dẫn chúng tôi đi tham quan mô hình sản xuất rau sạch của công ty, ông Lưu chỉ tay vào những vựa rau xanh mướt và nói: Công ty chúng tôi đang trồng các loại rau sạch như xà lách châu Âu, dưa lưới, cà chua, rau ăn lá, mướp đắng, rau muống… Ngày nào cũng thu hoạch được hơn 1,7 tấn rau củ quả các loại.
Tất cả các sản phẩm của trang trại đều được cấp chứng nhận VietGAP và sau khi thu hoạch được cho sơ chế và đóng gói ngay tại vườn, sau đó chuyển thẳng đến các hệ thống siêu thị lớn như Big C, CO.OP MART, siêu thị Đức Thành... “Nhờ áp dụng quy trình sản xuất nghiêm ngặt, rau sạch của công ty đã vào được các siêu thị, nhà hàng lớn trên Hà Nội. Từ đó, tạo dựng được thương hiệu của công ty tới người tiêu dùng”, ông Lưu nói.
Vào thời điểm hiện tại, trung bình mỗi ngày trang trại của ông Lưu xuất bán ra thị trường khoảng 1,7 tấn rau củ quả các loại, được bán với giá trung bình 18 ngàn đồng/1kg. Tạo công ăn việc làm thường xuyên cho hơn 40 lao động với mức lương 5 triệu đồng/tháng, sau khi trừ hết chi phí mỗi năm ông Lưu lãi hơn 1 tỷ đồng.
Để có được những thành quả trên, công ty của ông Lưu luôn thực hiện tốt các quy trình sản xuất rau hữu cơ như: ,Lựa chọn vùng sản xuất; làm phân ủ nóng; chuẩn bị đất; trồng và chăm sóc; thu hoạch và sơ chế; truy xuất nguồn gốc...nên chất lượng luôn được đảm bảo và được thị trường lựa chọn.