Bỏ ngỏ quản lý hàng xách tay, dân gánh họa

Trên mạng, ngoài thị trường đâu đâu cũng có thể mua hàng xách tay với đủ chủng loại, số lượng. Tuy nhiên, quy định quản lý chất lượng mặt hàng này dường như vẫn đang bị bỏ ngỏ?

Bỏ ngỏ quản lý hàng xách tay, dân gánh họa - 1

Một cửa hàng xách tay công khai trên phố Ngọc Khánh (Hà Nội)

Xách tay kiểu gì mà rẻ thế?

Hơn một năm nay, chị Nguyễn Thanh Hương (Nam Từ Liêm, Hà Nội) nhất quyết nói không với hàng xách tay chỉ vì một lần mua hàng “thất tín”. Chị Hương cho biết, cô bạn cùng phòng rỉ tai với chị có nguồn hàng sữa bột trẻ em do ông anh họ định cư bên Đức sắp về xách tay. “So giá thị trường đúng là chỉ rẻ bằng 2/3 nhưng cô bạn khẳng định yên tâm vì người quen mang về từ Đức, tôi đặt luôn cả thùng. Ai dè mang về đến nhà mở thùng ra mới phát hiện date sử dụng chỉ còn ba tháng”, chị Hương chia sẻ.

Khi được hỏi về tiêu chí lựa chọn hàng xách tay, hầu hết người tiêu dùng đều cười và cho biết “mua bằng niềm tin”. Cụ thể, chị Hoàng Mai Linh (Ngọc Khánh, Hà Nội) kể có lần chọn mua thuốc ho thảo dược Prospan (hàng Pháp), xem bốn địa chỉ trên mạng thì rao bốn giá khác nhau, xê dịch từ 210 - 270 nghìn đồng/chai. Cuối cùng chị chọn mua thuốc của một shop online chuyên hàng Pháp xách tay vì lý do “đọc comment thấy phản hồi tốt nên mình cũng đặt lòng tin vào mua thử. Tốt thì tiếp tục dùng, không thì thôi”, chị Linh chia sẻ.

Hàng hóa mang theo người nhập cảnh rất đa dạng, phụ thuộc vào nhu cầu mỗi khách. Hơn nữa, khách nhập cảnh lại đi về từ nhiều nước khác nhau. Do vậy, Cục Giám sát quản lý không có thông tin về nhóm hàng hóa gì, xuất xứ từ đâu.

Tương tự, bà Trần Thu Thủy (Hoàng Cầu, Hà Nội) cho biết: “Đa phần tôi đều mua từ mối quen biết và gần như biết chắc họ có người nhà ở Mỹ, Pháp hay Nhật chuyển hàng về đều đặn. Nhất là mặt hàng thực phẩm chức năng, ở Việt Nam hàng giả nhiều lắm nên chủ yếu tôi mua hàng xách về từ Mỹ. Mối quen này thường giá chênh cao hơn các nơi khác nhưng tôi vẫn mua vì mình tin họ không gian dối”.

Tranh thủ những chuyến công tác nước ngoài, anh Nguyễn Huy Thông (Lò Đúc, Hà Nội) thường canh các đợt sale để “xách” thêm ít hàng như sữa, thuốc hay mỹ phẩm về bán thêm. “Hàng mình có đầy đủ bill mua hàng, tuy nhiên nhiều mặt hàng xách mang về, tính tiền gốc lấy hàng bên đó đã đắt hơn giá các trang online rao rồi. Không biết nguồn gốc hàng hóa ra sao mà rẻ thế nữa?”, anh Thông chia sẻ.

Không chỉ bán online, nhiều cửa hàng xách tay mọc lên hoành tráng trên khắp các khu phố tại Hà Nội. Đặc biệt phố Nguyễn Sơn (Long Biên, Hà Nội) lâu nay vẫn được biết tới bằng cái tên “thiên đường hàng xách tay”. Tại đây nối tiếp cửa hàng xách tay chào bán đa dạng các loại hàng từ mỹ phẩm, quần áo, giày dép, sữa đến đồ gia dụng… Không những thế, theo khảo sát của PV, giá các mặt hàng tại đây đều rẻ hơn từ vài chục tới vài trăm nghìn đồng so với các mặt hàng cùng loại bán ở các cửa hàng chính thức.

Ai quản lý hàng xách tay?

Trước câu hỏi, hàng xách tay có được phép kinh doanh hay không, luật sư Nguyễn Văn Dương, Giám đốc Công ty Luật TNHH Dương Gia dẫn ra Điều 52 Nghị định 43/2010/NĐ-CP về đăng ký kinh doanh.“Nếu có nhu cầu kinh doanh đồ xách tay, người dân có thể áp dụng hình thức kinh doanh theo mô hình hộ kinh doanh cá thể. Để mở được cửa hàng kinh doanh hàng xách tay, chỉ cần tiến hành đăng ký Giấy phép đăng ký kinh doanh đối với mặt hàng mình cần kinh doanh”, luật sư Dương cho biết. Cũng theo vị luật sư, để đảm bảo hoạt động kinh doanh hàng xách tay đúng luật, người dân chỉ cần xuất trình giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh, trình giấy tờ mua hàng của bên bán từ nước ngoài đối với cơ quan quản lý thị trường.

Tuy nhiên, khi PV Báo Giao thông đặt câu hỏi về trách nhiệm quản lý chất lượng hàng xách tay, ông Đỗ Thanh Lam, Phó cục trưởng Cục Quản lý thị trường (Bộ Công thương) lại cho biết: “Tất cả hàng hóa từ nước ngoài về đều do phía Hải quan quản lý”.

Tiếp tục đặt vấn đề trên với Tổng cục Hải quan, ngày 30/9, đại diện Cục Giám sát quản lý cho biết: Hệ thống pháp luật hiện nay không có khái niệm “hàng xách tay” đối với hàng hóa. “Hàng được gọi là hàng xách tay có thể có nguồn gốc từ hàng nhập khẩu, hàng giả, hàng nhái, hàng buôn lậu... Do vậy, việc kiểm soát những hàng hóa này khi lưu thông trên thị trường cần có sự kiểm soát của các cơ quan quản lý liên quan”, vị đại diện nhận định.

Về quy định kê khai chất lượng, nguồn gốc hàng xách tay, Cục Quản lý giám sát cho biết: Theo quy định, khách nhập cảnh phải khai báo hải quan trong trường hợp có hành lý vượt định mức miễn thuế theo quy định. Tuy nhiên, đối với hành lý mang theo của khách nhập khẩu trong tiêu chuẩn miễn thuế quy định, người nhập cảnh tự chịu trách nhiệm về chất lượng sản phẩm. Đối với phần vượt định mức miễn thuế thì khi làm thủ tục nhập khẩu, người nhập cảnh phải xin phép cơ quan quản lý chuyên ngành đối với trường hợp hàng hóa thuộc quản lý chuyên ngành. “Cơ quan hải quan không có số liệu về trị giá đối với hành lý trong định mức miễn thuế của người nhập cảnh. Trường hợp vượt định mức miễn thuế thì cơ quan hải quan thống kê theo hàng hóa nhập khẩu nói chung”, vị đại diện trên cho biết.

Trước tình trạng trên, Cục Quản lý giám sát khuyến cáo người tiêu dùng cần phải tìm hiểu rõ để xác định chất lượng, nguồn gốc hàng hóa(!?)

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Hoàng Ngân - Bảo Chi (Giao thông vận tải)
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN