Bỏ mía trồng sầu riêng, nông dân lãi nửa tỷ mỗi năm

Sự kiện: Kinh Doanh Sầu riêng

Những năm gần đây, nhiều hộ dân tại xã Đạ Oai, huyện Đạ Huoai (Lâm Đồng), đã mạnh dạn chuyển đổi cây trồng từ điều, mía, cà phê sang sầu riêng và mang lại hiệu quả kinh tế cao, mới thu hoạch năm thứ 3 đã có vườn cho lãi 500 triệu/năm.

Chọn cây có năng suất cao hơn

Năm 2017, tại xã Đạ Oai, loại bọ xít muỗi đã hoành hành trên tất cả diện tích điều của người dân, hầu như các hộ đều mất trắng. Loại bọ xít này gây khô bông, khô trái, cháy lá khiến cho cây điều, một loại cây chủ lực của xã có nguy cơ giảm sâu về sản lượng cũng như diện tích.

Bỏ mía trồng sầu riêng, nông dân lãi nửa tỷ mỗi năm - 1

Diện tích sầu riêng chuyển đổi của xã Đạ Oai đã đạt trên 100ha. Ảnh: Văn Long.

Nhận thấy năng suất điều giảm do dịch bệnh, khó chăm sóc nên nhiều hộ dân đã chủ động chuyển đổi cây trồng khác có năng suất cao hơn để gieo trồng.

Ông Nguyễn Dần (ngụ thôn 3, xã Đạ Oai), là một trong những người đi tiên phong trong chuyển đổi cây trồng. “Trước kia gia đình tôi trồng 8.300m2 đất mía, nhưng cả năm chỉ thu hoạch được khoảng 20 triệu, trong khi đó vất vả quá, nhận thấy cây sầu riêng phù hợp với khí hậu ở đây nên tôi đã vay mượn để chuyển qua trồng”, ông Dần chia sẻ.

Bỏ mía trồng sầu riêng, nông dân lãi nửa tỷ mỗi năm - 2

Mạnh dạn chuyển đổi, ông Nguyễn Dần đã có thu nhập trên 500 triệu đồng/năm nhờ cây sầu riêng. Ảnh: Văn Long.

Sau 5 năm chăm sóc, diện tích sầu riêng của ông đã bắt đầu cho thu bói với sản lượng tăng lên dần mỗi năm. Năm 2015 gia đình ông chỉ thu được 300kg trái nhưng vừa qua năm 2017, gia đình ông đã thu được 12 tấn, với giá dao động khoảng 45 ngàn/kg, gia đình ông Dần đã thu về trên 500 triệu đồng. Vườn của ông đa số là giống sầu riêng Thái, cây cho năng suất cao, hạt nhỏ và đặc biệt rất thơm.

Ông Dần dự tính mùa vụ năm nay gia đình ông sẽ thu được khoảng 20 tấn, hiện nay cây đang ra hoa rất sai và đã có quả khoảng 1kg, sẽ hứa hẹn một mùa vụ bội thu.

Cũng như gia đình ông Dần, gia đình anh Võ Thành Thiên (45 tuổi) cũng đã chuyển từ điều sang trồng 8000m2 sầu riêng cách đây 7 năm, năm vừa qua anh Thiên cũng đã thu được 8 tấn từ vườn của mình. Với giống sầu riêng Thái, diện tích của anh trồng được 150 cây, toàn bộ vườn đều được anh đầu tư hệ thống tưới phun sương, giảm được thời gian tưới cũng như tiết kiệm nước.

Bỏ mía trồng sầu riêng, nông dân lãi nửa tỷ mỗi năm - 3

Hoa sầu riêng đang đậu rất sai, hứa hẹn một vụ mùa bội thu cho gia đình anh Thiên. Ảnh: Văn Long.

Anh Thiên cho hay, sầu riêng mỗi năm chỉ cần tỉa cành một lần để cây thoáng đãng phát triển, mỗi cây thường trồng cách nhau 7 mét. Giá bán vào mùa khoảng 45 – 55 ngàn/kg, tới mùa sẽ có thương lái vào tận vượn hái và vận chuyển đi. Vì vậy anh Thiên rất yên tâm và đã chuyển thêm 1ha điều còn lại của mình sang sầu riêng cách đây 3 năm.

Người dân đang đi đúng hướng

Đến nay, diện tích sầu riêng của xã Đạ Oai đã tăng lên không ngừng. Cuối năm 2017, diện tích đạt 100ha, trong đó trồng mới trên 13ha, diện tích cho thu hoạch đã đạt 23ha, năng suất 15 tấn/ha, sản lượng trên 250 tấn.

Ông Võ Văn Đào – Chủ tịch xã Đạ Oai cho biết, hiện nay các hộ dân thực hiện chuyển đổi cây trồng đều khá thành công và có năng suất tốt, hiệu quả dần được nâng lên. Trước đây xã có trên 100ha trồng mía nhưng đến nay chỉ còn khoảng 17ha, con số này cho thấy sự thay đổi mạnh mẽ trong tư duy canh tác của người dân: Cây gì có năng suất thấp cần loại bỏ nhanh chóng, thay vào đó là cây có giá trị kinh tế cao, hiệu quả, mang lại nguồn lợi lớn.

Bỏ mía trồng sầu riêng, nông dân lãi nửa tỷ mỗi năm - 4

Nhiều diện tích cà phê, mía, điều đã được người dân Đạ Huoai chuyển đổi qua cây sầu riêng cho giá trị kinh tế cao hơn. Ảnh: Văn Long.

“Trong ba năm qua, chúng tôi đã hỗ trợ người dân 60% chi phí giống cây trồng khi chuyển qua trồng sầu riêng. Thế nhưng năm 2018, người dân sẽ tự mua giống, trồng cây sống rồi chúng tôi tới nghiệm thu sau đó hỗ trợ bằng tiền cũng với tỉ lệ 60%”, ông Đào cho hay.

Ông Đào cũng cho biết, điều là loại cây chủ lực của xã nên không có định hướng chuyển đổi mà chỉ cải tạo giống. Đối với địa hình đất bằng phẳng mới thực hiện chuyển đổi điều qua sầu riêng để có năng suất cao hơn, bởi vốn sầu riêng có giá trị kinh tế cao hơn điều.

Ông Nguyễn Văn Sơn – Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh lâm Đồng cũng cho biết: “Chuyển đổi giống cây trồng vật nuôi là một trong những giải pháp quan trọng hàng đầu để thực hiện mục tiêu nâng cao năng suất, chất lượng, giá trị gia tăng trong sản xuất nông nghiệp. Vì vậy trong thời gian qua, các nguồn vốn của TW và của tỉnh đều quan tâm hỗ trợ người sản xuất thực hiện công tác chuyển đổi cơ cấu, chất lượng giống cây trồng vật nuôi. Chính sách chuyển đổi giống cây trồng vật nuôi được triển khai thực hiện trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng từ năm 2012, đến nay vẫn được duy trì và coi là nhiệm vụ thường xuyên của ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn”.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Văn Long (Dân Việt)
Kinh Doanh Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN