Bỏ kiểm dịch động vật, hàng thải loại có cơ hội tuồn vào Việt Nam

Sự kiện: Kinh Doanh

Bộ NNPTNT đang xây dựng dự thảo thông tư sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 25/2016/TT-BNNPTNT quy định về kiểm dịch động vật, sản phẩm động vật trên cạn. Trong đó, nội dung bỏ kiểm dịch sản phẩm động vật nhập khẩu đã qua chế biến khiến không ít doanh nghiệp (DN) ngành chăn nuôi lo lắng.

Nguy cơ treo chuồng, phá sản

Ông Nguyễn Văn Ngọc - Phó Chủ tịch Hiệp hội Chăn nuôi Đông Nam Bộ đánh giá: Nhiều năm qua, Thông tư 25/2016/TTBNNPTNT đã đi vào đời sống, tạo nền nếp trong quản lý chăn nuôi nói chung và thực phẩm sau chế biến nói riêng, tạo sự ổn định, an toàn cho người tiêu dùng. Trong khi dự thảo thông tư mới lại đưa ra nội dung bỏ kiểm dịch sản phẩm chăn nuôi sau chế biến, điều này làm nổi lên khá nhiều bất cập.

Bỏ kiểm dịch động vật, hàng thải loại có cơ hội tuồn vào Việt Nam - 1

Các doanh nghiệp lo ngại, bỏ kiểm dịch sẽ khiến hàng kém chất lượng tuồn vào trong nước.  Ảnh: T.L

"Chúng tôi được biết, trên toàn thế giới hiện nay, nông dân các nước nuôi gà đẻ trứng, khi khai thác hết trứng sau 24 tháng, họ sẽ bán gà thải loại với giá chỉ 5.000 đồng/kg cho các nhà máy xay ra làm bột thịt, làm thức ăn chăn nuôi. Nếu Việt Nam sửa đổi Thông tư 25/2016/TTBNNPTNT, không kiểm dịch những sản phẩm chăn nuôi sau chế biến sẽ mở cửa cho nước ngoài sản xuất, chế biến lợn, gà thải loại đưa vào Việt Nam. Những sản phẩm dịch bệnh, thịt quá hạn sử dụng có thể được chế biến thành hàng hóa đưa vào Việt Nam bán thành thức ăn cho con người. Điều này gây ra hệ lụy rất lớn cho sức khỏe của cộng đồng" - ông Ngọc nói. 

Theo thống kê hiện nay, riêng đối với chăn nuôi gà lông trắng và gà lông màu tại khu vực Đông Nam Bộ và khu vực miền Bắc, mỗi tháng lượng gà xuất chuồng là 18 triệu con, khối lượng trung bình khoảng 2kg/con. Giá cả ở thời điểm hiện tại là 25.000 đồng/kg gà trắng, 32.000-35.000 đồng/kg gà lông màu. Tình hình tiêu thụ hiện nay khá thuận lợi, không có chuyện ế thừa hàng hóa. Tuy nhiên, nếu nội dung trong dự thảo được hiện thực hóa, sản phẩm chăn nuôi gia cầm trong nước chắc chắn sẽ không thể cạnh tranh với hàng nhập khẩu giá rẻ. Thậm chí, có đại diện DN còn nhấn mạnh: “Chắc chắn DN sẽ không chống đỡ nổi, dẫn tới treo chuồng, phá sản”.

Không thể bỏ kiểm dịch sau chế biến

Ông Ngọc thông tin thêm, hiện nay, các sản phẩm như gà xuất khẩu đi Nhật Bản, phía Nhật Bản yêu cầu Việt Nam phải kiểm dịch trước khi giết thịt và sau khi chế biến. Sản phẩm phải đạt yêu cầu mới được nhận đơn hàng và xuất khẩu sang Nhật. Về tới cảng, phía Nhật Bản sẽ lấy mẫu kiểm dịch lại lần nữa, đạt yêu cầu mới cho nhập cảng. Trong trường hợp không đạt yêu cầu, hàng hóa sẽ bị tái xuất về Việt Nam. Thực tế, không có nước nào bỏ kiểm dịch trước và sau chế biến.

Ông Đinh Quyết Tâm - Chủ tịch Hội Nuôi ong Việt Nam cho biết: Nếu bỏ khâu kiểm dịch trong xuất nhập khẩu, dù giảm thiểu được thủ tục nhưng lại đặt ra lo lắng. Bởi lẽ, khi bỏ kiểm dịch sản phẩm nhập khẩu, mật ong không được kiểm soát từ nước ngoài nhập vào Việt Nam có thể bị để nguyên hoặc phối trộn với nhau rồi lại được thu gom bán lại cho DN xuất khẩu trong nước, khó kiểm soát.

Ông Đàm Xuân Thành - Phó Cục trưởng Cục Thú y (Bộ NNPTNT) thì cho biết: Bỏ quy định kiểm dịch sản phẩm động vật đã qua chế biến là không phù hợp với Luật Thú y của Việt Nam và cũng không phù hợp với Luật Thú y của Tổ chức Thú y thế giới ở những điều khoản rất cụ thể. Bên cạnh đó, điều này cũng không phù hợp với các biện pháp của các nước trên thế giới, trong khu vực áp dụng với sản phẩm động vật đã qua chế biến của Việt Nam. "Họ đều yêu cầu phải kiểm soát chặt chẽ. Cơ quan thú y kiểm soát trong cả quá trình theo chuỗi, lấy mẫu kiểm tra, cấp giấy chứng nhận kiểm dịch thì sản phẩm mới được xuất sang các nước trong khu vực" - ông Thành nói.

Liên quan tới việc kiểm dịch sản phẩm động vật đã qua chế biến, dự thảo thông tư sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 25/2016/TT-BNNPTNT nêu rõ 2 phương án.

Phương án 1: (theo cơ quan chuyên môn dự thảo), tất cả các sản phẩm đều phải kiểm dịch do Bộ NNPTNT ban hành gồm: Thịt, sản phẩm từ thịt, phủ tạng, phụ phẩm của động vật có nguồn gốc từ động vật trên cạn có gắn mã HS thuộc danh mục động vật, sản phẩm động vật; sữa và các sản phẩm từ sữa.

Phương án 2: Thịt, sản phẩm từ thịt, phủ tạng, phụ phẩm của động vật có nguồn gốc từ động vật trên cạn ở dạng tươi sống, hun khói, phơi khô, sấy, ướp muối, ướp lạnh, đông lạnh (không kiểm dịch nhập khẩu, xuất khẩu các loại sản phẩm dạng đóng hộp). Lạp xưởng, patê, xúc xích, giăm bông, mỡ và các sản phẩm động vật khác ở dạng sơ chế (không kiểm dịch nhập khẩu, xuất khẩu các loại sản phẩm chế biến). Sữa tươi, sữa chua, bơ, pho mát, sữa bánh (không kiểm dịch nhập khẩu, xuất khẩu các loại: sữa hộp, sữa bột, các sản phẩm từ sữa).

Trứng tươi, trứng muối của động vật trên cạn (không kiểm dịch nhập khẩu, xuất khẩu bột trứng và các sản phẩm từ trứng).

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Thanh Nguyễn ([Tên nguồn])
Kinh Doanh Xem thêm
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN