Bộ Công Thương: Sẽ chặn Temu, 1688, Shein truy cập từ Việt Nam nếu không tuân thủ pháp luật

Sự kiện: Temu
00:00 / 0:00
Chuẩn
Tốc độ đọc

Bộ Công Thương cho biết đã liên hệ và làm việc trực tiếp với đội ngũ pháp lý của các sàn Temu, 1688 và Shein.

Thời gian qua, một loạt sàn thương mại điện tử (TMĐT) xuyên biên giới như Temu, 1688, Shein… đã đổ bộ, hoạt động rầm rộ tại thị trường Việt Nam nhưng chưa đăng ký với Bộ Công Thương.

Tại sao các sàn TMĐT này chưa đăng ký vẫn có thể dễ dàng vào thị trường Việt Nam như vậy? Khâu quản lý các sàn TMĐT xuyên biên giới hiện đang được quy định như thế nào?

Để làm rõ câu hỏi này, PLO đã có cuộc trao đổi với ông Hoàng Ninh, Phó Cục trưởng Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số (Bộ Công Thương).

Bộ Công Thương đã làm việc với các sàn Temu, 1688, Shein

. Phóng viên: Diễn biến mới nhất về việc đăng ký hoạt động của các sàn TMĐT xuyên biên giới như Temu, 1688, Shein... đến nay thế nào, thưa ông?

+Ông Hoàng Ninh: Theo chỉ đạo của Bộ trưởng Bộ Công Thương, các đơn vị thuộc Cục đang khẩn trương rà soát tổng thể về tác động cũng như các giải pháp đối với các sàn TMĐT xuyên biên giới như Temu, 1688 và Shein để đảm bảo các nền tảng này cần tuân thủ các quy định pháp luật khi hoạt động tại Việt Nam.

Ông Hoàng Ninh, Phó Cục trưởng Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số (Bộ Công Thương). Ảnh: QUỲNH TRANG

Ông Hoàng Ninh, Phó Cục trưởng Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số (Bộ Công Thương). Ảnh: QUỲNH TRANG

Bộ đã liên hệ và làm việc trực tiếp với đội ngũ pháp lý của các nền tảng xuyên biên giới thuộc phạm vi điều chỉnh của pháp luật Việt Nam để yêu cầu các nền tảng này thực hiện các bước đăng ký chính thức và tuân thủ các tiêu chuẩn về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, minh bạch thông tin và an toàn dữ liệu. Nếu không thực hiện đầy đủ, Bộ sẽ xem xét các biện pháp chặt chẽ hơn để bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng trong nước.

Trong bối cảnh quốc tế, các nền tảng này cũng đang chịu áp lực từ các quốc gia khác về tuân thủ pháp lý và chất lượng sản phẩm. Việc đăng ký và tuân thủ các yêu cầu tại Việt Nam là điều cần thiết để đảm bảo môi trường TMĐT công bằng, minh bạch và có trách nhiệm.

Không hoàn tất hồ sơ sẽ chặn truy cập các sàn từ Việt Nam

. Phóng viên: Thời hạn để các doanh nghiệp này phải nộp hồ sơ đăng ký hoạt động với Bộ Công Thương là bao lâu? Nếu quá thời hạn trên mà các sàn chưa nộp hồ sơ thì xử lý thế nào?

+Ông Hoàng Ninh: Thời hạn cụ thể để các doanh nghiệp nước ngoài có website cung cấp dịch vụ TMĐT tại Việt Nam hoàn tất hồ sơ đăng ký hoạt động với Bộ Công Thương hiện được quy định tại Nghị định 85/2021/NĐ-CP.

Theo đó, các nền tảng cần khẩn trương nộp hồ sơ ngay khi bắt đầu cung cấp dịch vụ thương mại điện tử tại Việt Nam hoặc ngay khi đáp ứng các điều kiện xác định là đang hoạt động tại Việt Nam. Ví dụ như có tên miền Việt Nam, ngôn ngữ tiếng Việt, hoặc lượng giao dịch từ Việt Nam vượt 100.000 giao dịch/năm.

Nếu quá thời hạn mà các sàn vẫn chưa hoàn tất hồ sơ, Bộ Công Thương có thể áp dụng các biện pháp quản lý nghiêm ngặt bằng cách phối hợp với Bộ Công an, Bộ Thông tin và Truyền thông để xem xét, chặn truy cập từ Việt Nam đối với các nền tảng này nhằm bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng và tuân thủ quy định pháp luật của quốc gia.

Chưa đăng ký hoạt động với Bộ Công Thương nhưng sàn TMĐT Temu đã hoạt động rầm rộ tại Việt Nam. Ảnh: TRỌNG PHÚ

Chưa đăng ký hoạt động với Bộ Công Thương nhưng sàn TMĐT Temu đã hoạt động rầm rộ tại Việt Nam. Ảnh: TRỌNG PHÚ

. Phóng viên: Tại sao các sàn như Temu, 1688, Shein chưa đăng ký vẫn có thể dễ dàng vào thị trường Việt Nam như thế? Việc quản lý các sàn TMĐT xuyên biên giới hiện đang được quy định như thế nào?

+Ông Hoàng Ninh: Theo Điều 67a của Nghị định 85/2021/NĐ-CP không phải tất cả các sàn TMĐT xuyên biên giới đều thuộc phạm vi điều chỉnh, mà chỉ những thương nhân, tổ chức có website đáp ứng các điều kiện nhất định.

Chẳng hạn như: có tên miền Việt Nam; hoặc có ngôn ngữ hiển thị là tiếng Việt; hoặc có trên 100.000 lượt giao dịch từ Việt Nam trong một năm. Các sàn này có thể hoạt động mà không cần đăng ký nếu họ chưa đáp ứng các tiêu chí trên, họ cung cấp dịch vụ cho người tiêu dùng theo quy định của nước sở tại và pháp luật quốc tế có liên quan.

Tại Việt Nam, khâu quản lý các sàn TMĐT xuyên biên giới thuộc phạm vi điều chỉnh được quy định cụ thể tại các khía cạnh sau:

Thứ nhất, các nền tảng này phải thực hiện đăng ký hoạt động trước khi chính thức gia nhập thị trường: Theo Nghị định 85, các sàn TMĐT phải đăng ký hoạt động nếu đáp ứng các tiêu chí trên và thành lập văn phòng đại diện tại Việt Nam hoặc chỉ định đại diện theo ủy quyền để thực hiện trách nhiệm pháp lý.

Thứ hai, các nền tảng này phải có quy chế hoạt động công khai, minh bạch, phải công khai quy chế hoạt động trên trang web của họ, bao gồm quyền và nghĩa vụ của các bên tham gia giao dịch, cũng như các quy định về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng và xử lý vi phạm.

Thứ ba, các nền tảng này phải có trách nhiệm phối hợp với cơ quan quản lý nhà nước, có trách nhiệm phối hợp với các cơ quan nhà nước để ngăn chặn các giao dịch vi phạm pháp luật, đồng thời thực hiện các nghĩa vụ bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.

Trong trường hợp vi phạm, Bộ Công Thương có thể áp dụng các biện pháp quản lý nghiêm ngặt bằng cách phối hợp với Bộ Công an, Bộ Thông tin và Truyền thông để xem xét, chặn truy cập từ Việt Nam đối với các nền tảng này nhằm bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng và tuân thủ quy định pháp luật của quốc gia.

Vì sao chưa thể cấm ngay các sàn khi họ chưa đăng ký?

. Phóng viên: Thưa ông, vì sao Bộ Công Thương chưa thể cấm ngay các TMĐT xuyên biên giới như Temu, 1688, Shein khi họ không đăng ký hoạt động tại Việt Nam mà phải khuyến cáo người tiêu dùng không mua hàng?

+ Ông Hoàng Ninh: Việc cấm ngay các sàn TMĐT xuyên biên giới cần được xem xét một cách tổng thể, thận trọng.

Thứ nhất, cần phải có đánh giá tổng thể về tác động của các nền tảng này đối với thị trường Việt Nam, bao gồm cả các khía cạnh kinh tế, xã hội và pháp lý. Điều này bao gồm việc phối hợp quản lý nhiều cơ quan chức năng như công an, thuế, hải quan, và các cơ quan quản lý khác để hiểu rõ về tình hình giao dịch và mức độ vi phạm cũng như tuân thủ pháp luật của các nền tảng này.

Thứ hai, trước mắt, Bộ Công Thương thực hiện các biện pháp khuyến cáo người tiêu dùng về những rủi ro khi mua sắm từ các sàn này. Điều này nhằm bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng và nâng cao nhận thức về các rủi ro tiềm tàng liên quan đến chất lượng sản phẩm, dịch vụ khách hàng và các vấn đề pháp lý khác.

Thứ ba, theo quy định của pháp luật TMĐT, không phải tất cả các sàn TMĐT xuyên biên giới đều thuộc phạm vi điều chỉnh ngay từ đầu. Do đó, cần có thời gian để làm việc trực tiếp với đội ngũ pháp lý của các nền tảng này để họ hiểu rõ hơn về các trách nhiệm pháp lý của họ tại Việt Nam, đồng thời làm rõ các kế hoạch tuân thủ quy định trong tương lai.

. Xin cảm ơn ông!

Có thể áp dụng các biện pháp quản lý nghiêm ngặt

.Phóng viên: Vấn đề quản lý tới đây của Bộ Công Thương đối với các sàn TMĐT như Temu, 1688, Shein là gì?

+ Ông Hoàng Ninh: Để tăng cường công tác quản lý nhà nước trong lĩnh vực TMĐT xuyên biên giới nói chung, trong thời gian vừa qua, Bộ Công Thương đã triển khai quyết liệt hàng loạt các biện pháp.

Bộ có văn bản báo cáo Thủ tướng Chính phủ về việc ban hành công điện về việc tiếp tục đẩy mạnh công tác quản lý nhà nước về TMĐT; trong đó có nội dung nghiên cứu, đề xuất ban hành Luật chuyên ngành về TMĐT nhằm tăng cường quản lý nhà nước đối với hoạt động TMĐT xuyên biên giới và sửa đổi Quyết định số 78/2010 của Thủ tướng Chính phủ về mức giá trị hàng hóa nhập khẩu gửi qua dịch vụ chuyển phát nhanh được miễn thuế.

Bộ Công Thương đã chỉ đạo các đơn vị chức năng thuộc Bộ tăng cường giám sát, kiểm soát các hàng hoá, sản phẩm từ các nền tảng xuyên biên giới; tăng cường công tác bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng trên không gian mạng; trong trường hợp phát sinh những vi phạm, phối hợp với Bộ Thông tin và Truyền thông để có biện pháp kỹ thuật ngăn chặn phù hợp.

Bộ Công Thương đã xây dựng báo cáo trình Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo Bộ Tài chính nghiên cứu phương án giám sát, quản lý hàng hóa nhập khẩu lưu thông qua các sàn TMĐT chưa tuân thủ các quy định của pháp luật Việt Nam trong lĩnh vực TMĐT.

Với các trường hợp tiếp tục vi phạm mặc dù đã được cảnh báo, khi cần thiết, Bộ Công Thương có thể áp dụng các biện pháp quản lý nghiêm ngặt bằng cách phối hợp với Bộ Công an, Bộ Thông tin và Truyền thông để xem xét, chặn truy cập từ Việt Nam đối với các nền tảng này nhằm bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng và tuân thủ quy định pháp luật của quốc gia.

. Xin cảm ơn ông!

Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên vừa có văn bản chỉ đạo các đơn vị thuộc Bộ đẩy mạnh công tác quản lý nhà nước về thương mại điện tử.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo AN HIỀN ([Tên nguồn])
Temu Xem thêm
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN