Bộ Công thương lý giải việc giá điện tăng 8,36% trong tháng 3
"Đúng ra 2018 đã phải điều chỉnh rồi nhưng vì nhiều lý do ta điều chỉnh vào tháng 3/2019 với mức tăng 8,36%. Việc tăng giá điện sẽ được thực hiện trong tháng 3", Thứ trưởng Bộ Công Thương Hoàng Quốc Vượng lý giải và cho rằng việc tăng giá căn cứ vào giá thành, cơ cấu nguồn điện tăng (than, dầu, khí) cũng như các loại phí, chênh lệch tỷ giá.
Công nhân điện lực Hà Nội sửa chữa đường dây điện sinh hoạt tại quận Long Biên. Ảnh: VnEpress
Theo thông tin của Thứ trưởng Bộ Công Thương Hoàng Quốc Vượng đưa ra tại cuộc họp giao ban báo chí do Ban Tuyên giáo T.Ư và Bộ Thông tin và Truyền thông tổ chức ngày 5/3, bộ này đã lên phương án về tăng giá điện với mức tăng trên 8%. Cụ thể, giá điện sẽ tăng 8,36% so với giá điện bình quân hiện hành là 1.720,65 đồng, lên khoảng 1.864,04 đồng một kWh (chưa gồm thuế VAT). Phương án tăng này dự kiến sẽ điều chỉnh ngay trong tháng 3/2019.
Theo ông Vượng, các phương án tăng giá điện đã được Bộ Công Thương tính toán để đảm bảo việc tăng giá không ảnh hưởng tới CPI, GDP và nằm trong kiểm soát chỉ số lạm phát cũng như mục tiêu tăng trưởng.
“Việc tăng giá căn cứ vào giá thành, cơ cấu nguồn điện tăng (than, dầu, khí) cũng như các loại phí, chênh lệch tỷ giá. Đúng ra 2018 đã phải điều chỉnh rồi nhưng vì nhiều lý do ta điều chỉnh vào tháng 3/2019 với mức tăng 8,36%. Việc tăng giá điện sẽ được thực hiện trong tháng 3”, ông Vượng cho hay.
Theo tính toán, tăng giá điện sẽ tác động đến những hộ sản xuất tiêu thụ điện lớn như các nhà sản xuất sắt thép, xi măng. Ước tính việc tăng giá điện giảm 0,22% GDP và sẽ có tác động về chỉ số lạm phát. “Giá điện Việt Nam hiện ở mức 7,4 cent/kWh nay tăng lên gần 8 cent/kWh. Giá điện của Việt Nam hiện vẫn thấp hơn nhiều so với các nước khác trong khu vực và trên thế giới”, ông Vượng cho hay.
Đề xuất tăng giá điện được cơ quan này xây dựng trên cơ sở các chi phí phát sinh thực tế trong sản xuất điện; khoản lỗ từ chênh lệch tỷ giá từ năm 2015 đến nay của ngành điện và các yếu tố khác. Hiện bộ đã yêu cầu Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) rà soát các chi phí, đảm bảo công khai, minh bạch trong tính giá điện, các chi phí cấu thành giá. Sau đó, Bộ Công Thương sẽ rà soát các chi phí, đảm bảo tính công khai minh bạch trong tính giá điện và chi phí trong giá điện. Việc tăng giá điện sẽ phù hợp với điều kiện thực tiễn chi phí sản xuất từng thời điểm và tạo điều kiện cho sản xuất, kinh doanh của người dân.