Bộ Công Thương đề xuất rút ngắn kỳ điều hành giá xăng dầu còn 7 ngày, vào thứ 5 trong tuần

Khác với đề xuất trước đó, Bộ Công Thương đề nghị giữ nguyên quy định hiện hành về chức năng nhiệm vụ của các Bộ, ngành trong quản lý xăng dầu

Bộ Công Thương có báo cáo Thủ tướng Chính phủ về việc ban hành nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 95 và Nghị định 83 về kinh doanh xăng dầu.

Lần này, Bộ Công Thương tiếp tục đề xuất rút ngắn kỳ điều hành giá xăng dầu từ 10 ngày xuống còn 7 ngày, quy định vào một ngày cụ thể trong tuần là thứ 5.

Theo đề xuất, Liên Bộ Công Thương - Tài chính sẽ điều hành giá nếu giá cơ sở biến động tăng trên 5% giữa hai kỳ điều hành giá. Về phương án này, Bộ Công Thương cho rằng có ưu điểm là giá trong nước biến động sát hơn với giá thế giới. Tuy nhiên, thời gian nhập khẩu xăng dầu về Việt Nam thường mất 10-15 ngày, nên khi thị trường bất ổn sẽ bất lợi cho doanh nghiệp, họ khó đoán định được giá trong nước khi nhập hàng, nhất là khi giá đi xuống.

Bộ Công Thương đề xuất giữ nguyên các quy định như hiện nay về quản lý xăng dầu

Bộ Công Thương đề xuất giữ nguyên các quy định như hiện nay về quản lý xăng dầu

Bên cạnh đó, Bộ Công Thương cũng đề xuất một phương án khác giữ nguyên quy định hiện nay về thời gian điều hành vào các ngày 1, 11 và 21 hàng tháng. Khi thị trường có biến động lớn, Thủ tướng chỉ đạo liên Bộ Công Thương - Tài chính về thời gian điều hành giá xăng dầu phù hợp với diễn biến thị trường từng giai đoạn.

Đáng chú ý, đối với ý kiến đề nghị giao một đầu mối quản lý mặt hàng xăng dầu, Bộ Công Thương đề nghị giữ nguyên quy định hiện hành về chức năng nhiệm vụ của các Bộ, ngành trong quản lý xăng dầu. Tuy nhiên, Bộ Công Thương yêu cầu cần làm rõ hơn thẩm quyền, trách nhiệm của bộ, ngành liên quan.

Trong khi tại lần xin ý kiến trước đó, Bộ Công Thương đề xuất chuyển đầu mối quản lý, điều hành giá xăng dầu về Bộ Tài chính, còn Bộ Công Thương chịu trách nhiệm phối hợp trong công tác này.

Theo Bộ Công Thương, ưu điểm của phương án giữ nguyên các quy định hiện hành là việc phân công phối hợp giữa các bên đã được thực hiện từ nhiều năm, phù hợp với chuyên môn nghiệp vụ, chức năng, nhiệm vụ của từng Bộ, ngành.

Trong công tác điều hành giá, Bộ Tài chính rà soát và hướng dẫn việc xác định các chi phí để công bố cho Bộ Công Thương tính toán giá cơ sở mặt hàng xăng dầu. Việc này nhằm đảm bảo có sự giám sát, kiểm tra các chi phí một cách chính xác, khách quan, minh bạch, đúng chuyên môn nghiệp vụ.

Trước đó, trả lời báo Người Lao Động tại cuộc họp báo thường kỳ quý IV/2022 của Bộ Tài chính, Thứ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Đức Chi cho biết về công tác quản lý, điều hành xăng dầu thời gian qua, Bộ Công Thương là cơ quan chủ trì, Bộ Tài chính cơ quan cùng tham gia, Bộ đã chủ động, trách nhiệm để tham gia việc điều hành giá có hiệu quả.

Về việc giao đầu mối cho cơ quan nào quản lý, điều hành giá mặt hàng xăng dầu, Thứ trưởng Nguyễn Đức Chi cho biết quyết định cuối cùng thuộc Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ khi sửa đổi Nghị định. "Chính phủ sẽ cân nhắc, cơ quan nào sát nhất với chức năng nhiệm vụ, phù hợp nhất, hiệu quả nhất cho quá trình điều hành xăng dầu thời gian tới thì sẽ giao" - ông Chi cho hay.

Quan điểm của Bộ Tài chính là Bộ Công Thương điều hành đã khá tốt thị trường xăng dầu trong năm 2022. Trong bối cảnh thị trường thế giới có nhiều biến động nhưng việc điều hành giá đã bám sát diễn biến thị trường, nhịp nhàng, hỗ trợ cho đảm bảo kinh tế vĩ mô, kiềm chế lạm phát.

"Bộ Tài chính sẽ phối hợp tốt với Bộ Công Thương trong công tác điều hành giá xăng dầu. Trong trường hợp khác đi, Bộ Tài chính chấp hành các phân công của Chính phủ" - Thứ trưởng Nguyễn Đức Chi nói và nhấn mạnh cho dù giao quản lý, điều hành xăng dầu cho cơ quan nào, bộ nào thì cũng đều phải tốt lên.

Tại Chỉ thị số 03/CT-TTg ngày 27-1-2023 đôn đốc các bộ, ngành, địa phương thực hiện nhiệm vụ trọng tâm sau kỳ nghỉ Tết nguyên đán Quý Mão 2023, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Bộ Công Thương khẩn trương trình Chính phủ dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung Nghị định số 95/2021/NĐ-CP và Nghị định số 83/2014/NĐ-CP về kinh doanh xăng dầu

Hé lộ nguyên nhân các cây xăng tự ý ngừng bán hàng

Không ít cây xăng đã ngưng hoạt động với nhiều lý do hết thời gian thuê mặt bằng, kinh doanh thua lỗ buộc phải trả mặt bằng hoặc chuyển sang kinh doanh mặt hàng khác.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Minh Chiến ([Tên nguồn])
Thông tin thị trường Xem thêm
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN