Bộ Công thương cam kết hàng Tết không sốt giá

Sự kiện: Hàng Tết 2019

Trước lo ngại giá cả hàng hóa 2 tháng cuối năm sẽ bị “đẩy” lên cao, ông Nguyễn Xuân Chiến – Vụ phó Vụ Thị trường trong nước, trấn an, chắc chắn giá cả các mặt hàng thiết yếu sẽ không tăng đột biến.

"Bộ Công thương đã chỉ đạo các địa phương, ngành hàng thực hiện nghiêm việc dự trữ cung ứng hàng hóa để đảm bảo giá cả không tăng đột biến trong những tháng cuối năm, đặc biệt là dịp Tết nguyên đán sắp tới", ông Nguyễn Văn Chiến khẳng định tại cuộc họp báo thường kỳ do Bộ Công thương tổ chức chiều 2/12.

Giá hàng hóa khó tăng đột biến

Theo đánh giá của Vụ Thị trường trong nước, tổng mức bán lẻ hàng hóa và dịch vụ xã hội tháng 11 ước đạt 226,4 nghìn tỷ đồng, giảm 0,2% so với tháng 10; tính chung 11 tháng ước đạt 2.386,1 nghìn tỷ đồng, tăng 12,56% so với cùng kỳ (nếu loại trừ yếu tố tăng giá thì tốc độ tăng trưởng là 5,54%).

Bộ Công thương cam kết hàng Tết không sốt giá - 1

Nguồn hàng dồi dào, giá cả hàng hóa dịp Tết sẽ không có nhiều biến động Ảnh: Internet

Đáng chú ý, chỉ số tồn kho trong ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tại thời điểm 1/11 tăng 9,4% so với cùng thời điểm năm 2012. Trong đó, một số ngành tuy có tốc độ tăng trưởng cao nhưng chỉ số tồn kho lớn như: Chế biến sữa và các sản phẩm từ sữa tăng 69,9%; sản xuất đồ uống tăng 20,8%; sản xuất hàng may sẵn (trừ trang phục) tăng 20,3%; sản xuất giầy, dép tăng 2,1 lần…

Đặc biệt sản phẩm điện tử dân dụng tồn kho tăng 83,8%, mô tô, xe máy tăng 84%.

Tồn kho trong sản xuất một số sản phẩm ước đến hết tháng 11/2013: Than tiêu chuẩn tồn hơn 6,47 triệu tấn; thép các loại gần 300 nghìn tấn; giấy khoảng 22,1 nghìn tấn; phân bón tồn 880 nghìn tấn.

Trước lo ngại giá cả hàng hóa 2 tháng cuối năm sẽ bị “đẩy” lên cao, ông Nguyễn Xuân Chiến – Vụ phó Vụ Thị trường trong nước, trấn an, chắc chắn giá cả các mặt hàng thiết yếu sẽ không tăng đột biến. 

Điều khiến lãnh đạo Bộ Công thương tự tin rằng giá cả hàng hóa dịp cuối năm sẽ không tăng “phi mã”, là do nhiều địa phương đã tích cực thực hiện chương trình bình ổn giá một số mặt hàng thiết yếu. Chương trình bình ổn giá thực sự trở thành công cụ điều tiết giá một cách hữu hiệu, khẳng định được vai trò định hướng giá các mặt hàng thiết yếu, góp phần kiểm soát và hạn chế đầu cơ, tăng giá đột biến và bình ổn thị trường những tháng cuối năm.

Đáng nói, nếu trước đây các địa phương, DN trông chờ ngân sách Nhà nước rót về mới thực hiện chương trình bình ổn giá, thì nay các địa phương đã chủ động lên phương án dự trữ hàng Tết.

“Đến nay đã có gần 30 tỉnh, thành phố gửi báo cáo về dự trữ hàng hóa Tết dịp cuối năm. Chắc chắn sẽ không có sự đột biến nào về giá”- Vụ phó Vụ Thị trường trong nước khẳng định.

Xuất khẩu sắp cán đích 133,5 tỷ USD

Đánh giá bức tranh xuất nhập khẩu 11 tháng qua, lãnh đạo Bộ Công Thương nhận định, xuất khẩu vẫn còn nhiều cơ hội để bứt phá và đạt được kết quả cao nhất từ trước đến nay. Ước tính tháng 12/2013, kim ngạch xuất khẩu có khả năng đạt 12,5 tỷ USD.

Với tốc độ tăng trưởng như hiện nay thì kết thúc năm 2013, kim ngạch xuất khẩu cả nước có thể đạt khoảng 133,5 tỷ USD, tăng 16,6% so với kế hoạch để ra từ đầu năm và kiểm soát nhập siêu có thể quanh mức 300 triệu USD.

Đáng chú ý, các DN trong nước cũng đang đẩy mạnh sản xuất để hoàn thành kế hoạch năm và mức tăng trưởng trong 11 tháng qua cũng ở con số là 3%, trong khi cùng kì năm trước chỉ tăng 0,8%.

Tuy xuất khẩu có những điểm sáng, song kim ngạch nhập khẩu hàng hóa tháng 11 lại tăng 22,3% so với cùng kỳ năm ngoái, ước đạt 12,25 tỷ USD. Trong đó, kim ngạch nhập khẩu của các DN có vốn đầu tư nước ngoài ước đạt 7 tỷ USD, tăng 30,1% so với tháng 11 năm 2012.  Tính chúng 11 tháng nhập siêu đạt 96 triệu USD, bằng 0,08% tổng kim ngạch xuất khẩu.

Khu vực DN trong nước nhập siêu vẫn vượt trội so với khu vực DN trong nước, đạt 12,3 tỷ USD. Nếu không kể dầu thô khu vực FDI xuất siêu khoảng 5,6 tỷ USD (kể cả dầu thô xuất siêu khoảng 12,2 tỷ USD).

Kết luận, Thứ trưởng Hồ Thị Kim Thoa nhấn mạnh, từ nay đến hết năm 2013, ngành Công Thương cần tập trung triển khai thực hiện có hiệu quả Nghị quyết 01/NQ-CP ngày 07/01/2013 của Chính phủ  về những giải pháp chủ yếu chỉ đạo điều hành thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và dự toán ngân sách nhà nước năm 2013, Nghị quyết 02/NQ-CP ngày 07/01/2013 của Chính phủ về một số giải pháp tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, hỗ trợ thị trường, giải quyết nợ xấu và các Nghị quyết phiên họp thường kỳ của Chính phủ.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Nguyễn Hòai (Infonet.vn)
Hàng Tết 2019 Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN