Biểu giá bán lẻ điện mới: Người dùng nhiều điện sẽ bất ngờ với hóa đơn

Bộ Công Thương vừa gửi thẩm định Dự thảo Quyết định quy định về cơ cấu biểu giá bán lẻ điện sau khi tham vấn ý kiến các bộ, ngành. Dự thảo mới có nhiều thay đổi so với trước sau khi tổng hợp và lấy ý kiến các bộ ngành, địa phương và các đơn vị liên quan.

Theo dự thảo, giá bán lẻ điện được quy định chi tiết cho từng nhóm khách hàng sử dụng điện, bao gồm: Sản xuất, kinh doanh, hành chính sự nghiệp, sinh hoạt, trạm/trụ sạc xe điện và cơ sở lưu trú du lịch quy định tại Điều 48 Luật Du lịch năm 2017.

Giá bán lẻ điện theo các cấp điện áp từ dưới 01 kV; trung áp từ 01-35kV và cao áp trên 35 kV trở lên; theo thời gian sử dụng điện trong ngày cho mục đích sản xuất, kinh doanh, cơ sở lưu trú du lịch, trạm/trụ sạc xe điện tại các cấp điện áp được áp dụng đối với khách hàng sử dụng điện đủ điều kiện; nhóm khách hàng sử dụng điện mục đích sinh hoạt gồm 5 bậc có mức giá tăng dần nhằm khuyến khích sử dụng điện tiết kiệm, hiệu quả; điện sinh hoạt dùng công tơ thẻ trả trước được áp dụng khi điều kiện kỹ thuật cho phép đối với nhóm khách hàng mua điện tạm thời và mua điện ngắn hạn sử dụng điện cho mục đích sinh hoạt; và khu vực nối lưới điện quốc gia cho khách hàng sử dụng điện ở nông thôn, miền núi, biên giới, hải đảo khu vực chưa nối lưới điện quốc gia.

Biểu giá bán lẻ điện mới gồm 5 bậc có mức giá tăng dần nhằm khuyến khích sử dụng điện tiết kiệm, hiệu quả.

Biểu giá bán lẻ điện mới gồm 5 bậc có mức giá tăng dần nhằm khuyến khích sử dụng điện tiết kiệm, hiệu quả.

Tại dự thảo, quy định về biểu gia bán lẻ điện sinh hoạt vẫn giữ nguyên đề xuất trước đó, là rút ngắn bậc thang từ 6 bậc xuống còn 5 bậc. Tuy nhiên, có sự thay đổi về cơ cấu tỷ trọng so với giá bán lẻ điện bình quân. Bộ Công Thương chọn phương án biểu giá bán lẻ điện 5 bậc thang là vì có 92,2% ý kiến góp ý đồng tình với việc rút ngắn còn 5 bậc thang.

Theo đó, 5 bậc thang mới được thiết kế sẽ bao gồm: Bậc 1 là 100kWh đầu tiên, giá là 1.806,11 đồng/kWh; bậc 2 là từ 101 - 200kWh giá 2.167,33 đồng/kWh; bậc 3 từ 201 - 400 kWh là 2.729,23 đồng/kWh; bậc 4 từ 401 700 kWh có giá 3.250,99 đồng/kWh và bậc 5 cho kWh từ 701 trở lên, giá 3.612,22 đồng/kWh.

Với biểu giá mới này, giá bán le điện sinh hoạt so với giá bán lẻ điện bình quân hiện nay (2.006,79 đồng/kWh) bằng lần lượt 90%, 108%, 136%, 162% và 180%. Trong đó, giữ nguyên giá điện hiện hành cho bậc đầu từ 0 - 100kWh nhằm đảm bảo ổn định giá điện cho các hộ nghèo, hộ chính sách xã hội có mức sử dụng điện thấp (hiện đang chiếm 33,48% số hộ). Phần chênh lệch giảm doanh thu tiền điện sẽ được bù đắp từ hộ sử dụng điện từ 401 700kWh và trên 700kWh. Giữ nguyên giá điện hiện hành cho các bậc từ 101 - 200kWh và 201 400kWh.

Với giá điện cho các bậc từ 401 - 700kWh và từ 700kWh trở lên được thiết kế nhằm bù trừ doanh thu cho các bậc thấp. Trong đó, từ 401 - 700kWh, cơ cấu giá điện sẽ được tính bằng 162% và từ 701kWh sẽ có cơ cấu giá là 180% so với mức giá bán lẻ điện bình quân. Như vậy, với biểu giá mới này, người dùng điện sinh hoạt trên 700 kWh/tháng sẽ phải trả mức giá điện cao gần gấp 3 lần giá bán lẻ bình quân (tương đương 180%). Các mức giá trên chưa bao gồm thuế giá trị gia tăng.

Chênh lệch chi phí của đơn vị điện lực do áp dụng giá bán điện thống nhất toàn quốc thấp hơn giá thành sản xuất kinh doanh điện được tính vào giá điện chung toàn quốc đối với các khu vực do Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) bán điện; đối với khu vực không do EVN bán điện, chênh lệch chi phí được thực hiện theo quy định của Thủ tướng Chính phủ.

Theo Dự thảo Quyết định, hộ nghèo theo quy định tại điểm a khoản 2 Điều 3 Nghị định số 07/2021/NĐ CP ngày 27/1/2021 của Chính phủ quy định chuẩn nghèo đa chiều giai đoạn 2021 - 2025 và gia đình chính sách có lượng điện sử dụng cho mục đích sinh hoạt không quá 50kWh tiếp tục được Nhà nước hỗ trợ tiền điện tương đương tiền điện sử dụng 30 kWh tính theo mức giá bán lẻ điện sinh hoạt bậc 1 hiện hành.

Dự thảo cũng quy định trách nhiệm của các bộ, ngành, địa phương trong việc tổ chức thực hiện. Cụ thể: Bộ Công Thương có trách nhiệm quy định và hướng dẫn thực hiện giá bán lẻ điện cho các nhóm khách hàng sử dụng điện; giá bán điện cho các đơn vị bán lẻ điện. Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch có trách nhiệm phối hợp với Bộ Công Thương xác định đối tượng cơ sở lưu trú du lịch áp dụng giá bán điện quy định tại khoản 1, khoản 2 và khoản 3 Điều 3 Quyết định này. Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội có trách nhiệm chủ trì, phối hợp với Bộ Tài chính, Bộ Công Thương, Ủy ban Dân tộc và các cơ quan liên quan xây dựng tiêu chí hộ chính sách xã hội được hưởng hỗ trợ theo quy định tại khoản 2 Điều 4 Quyết định này, trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định…

Về điều khoản chuyển tiếp, Quyết định số 28/2014/QĐ-TTg ngày 7/4/2014 của Thủ tướng Chính phủ quy định về cơ cấu biểu giá bán lẻ điện được tiếp tục áp dụng từ ngày Quyết định này có hiệu lực đến ngày thực hiện điều chỉnh mức giá bán lẻ điện bình quân gần nhất sau ngày Quyết định này có hiệu lực thi hành.

Theo ông Nguyễn Tiến Thỏa, nguyên Cục trưởng Cục Giá (Bộ Tài chính) để giải quyết triệt để những vấn đề tồn tại trong thị trường điện hiện nay, cần tiếp tục cải cách cơ chế giá bán lẻ theo hướng thị trường cạnh tranh. Theo đó, áp dụng cơ chế giá bán lẻ điện trên cơ sở thỏa thuận với khách hàng. Phải tiếp tục tái cơ cấu ngành điện phù hợp với yêu cầu của thị trường bán lẻ điện. Tức là tách chức năng cung cấp các dịch vụ độc quyền tự nhiên của ngành điện (gồm truyền tải, phân phối, vận hành hệ thống điện và thị trường điện) ra khỏi các đơn vị tham gia cạnh tranh.

Đại diện Cục Điều tiết Điện lực cho biết, đây mới chỉ là dự thảo và còn có thể thay đổi, sau khi có ý kiến thẩm định của Bộ Tư pháp, Cục sẽ tiếp tục hoàn thiện các thủ tục theo quy định của pháp luật để trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định đồng bộ với các văn bản quy định khác.

Bộ Công Thương có tờ trình dự thảo sửa đổi Quyết định 24/2017 về cơ chế điều chỉnh mức giá bán lẻ điện bình quân, gửi Chính phủ

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Phan Đức ([Tên nguồn])
Thông tin thị trường Xem thêm
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN