Biết "rác" điện tử vẫn mua xài
Hàng nội địa chủ yếu là rác điện tử ở Nhật nhưng vẫn được nhiều người tiêu dùng Việt ưa chuộng, mua về sử dụng
Thị trường điện máy vài năm gần đây có dấu hiệu bão hòa, các doanh nghiệp đua nhau khuyến mãi, giảm giá nên nhiều sản phẩm hiện có giá rất mềm, ai cũng có thể tiếp cận được. Dù vậy, nhiều người vẫn thích săn lùng những món hàng nội địa Nhật đã qua sử dụng với giá cũng chẳng hề rẻ.
Giá cao không thua gì hàng mới
Ông Trần Văn Tiến (ở quận 7, TP HCM) cho biết rất thích xài đồ nội địa của Nhật vì rất bền lại tiết kiệm điện cũng như có nhiều tính năng. Chẳng hạn máy lạnh có chế độ tự vệ sinh, còn bếp từ có loại kết hợp thêm hồng ngoại, lò nướng hay bếp gas có lò nướng tích hợp bên dưới. Hoặc một máy giặt sấy công nghệ của Nhật đã qua sử dụng chạy rất êm, quần áo sạch, tiết kiệm nước và điện, cũng như các chi tiết sản phẩm được thiết kế trau chuốt hơn.
Vì nhu cầu lớn nên nhiều người đua nhau nhập các sản phẩm nội địa Nhật về kinh doanh mà không biết đây là những mặt hàng thuộc diện cấm nhập khẩu hoặc biết nhưng vẫn "làm ngơ". Chỉ cần lên Google gõ từ khóa "hàng nội địa Nhật" hay "hàng Nhật" sẽ ra hàng ngàn địa chỉ có kinh doanh các sản phẩm nhập khẩu từ Nhật như tủ lạnh, máy lạnh, máy hút bụi, máy lọc không khí, nồi cơm điện, lò vi sóng, bếp từ, quạt điện… đủ các thương hiệu Toshiba, Sharp, Panasonic, National, Fujisu, Hitachi, Sanyo, Mitsubishi…
Tuy nhiên, dù đã qua sử dụng nhiều năm nhưng giá bán những mặt hàng này hiện không hề rẻ, thậm chí còn cao hơn hàng mới của các hãng Hàn Quốc hay Trung Quốc sản xuất. Chẳng hạn, máy lạnh 1 HP từ 5,8-6,9 triệu đồng/bộ; loại 1,5 HP từ 6,5-7,5 triệu đồng; loại 2 HP lên tới hơn chục triệu đồng. Tủ lạnh side by side dung tích từ 400-500 lít có giá từ 9-22,5 triệu đồng. Máy giặt phần lớn có dung tích 9 kg có giá bán 8 triệu cho đến 18 triệu đồng, cao hơn cả máy giặt cùng chủng loại đang được bán tại các siêu thị ở Việt Nam; thậm chí có loại máy giặt đời 2014 lên đến hơn 30 triệu đồng.
Nồi cơm điện nội địa Nhật bán ở khu chợ Nhật Tảo, quận 10, TP HCM
Ngoài ra còn có máy rửa chén cỡ nhỏ phù hợp gia đình 4-6 người, giá từ 2,5-13,5 triệu đồng; máy lọc không khí từ 1,5-5 triệu đồng; máy lọc nước từ 4,5-19,5 triệu đồng; bếp từ cao nhất lên tới 12 triệu đồng; lò vi sóng 4 triệu đồng; nồi cơm điện dung tích 1 - 1,8 lít có giá 800.000 đồng hoặc cao nhất tới 4,5 triệu đồng trong khi hàng mới ở siêu thị chỉ vài trăm ngàn đồng.
Ông Thiên - chuyên buôn bán hàng nội địa Nhật tại quận 10, TP HCM - cho biết gần đây cơ quan chức năng siết nhập khẩu, tiến hành kiểm tra, bắt giữ nhiều kho hàng lớn nên nguồn hàng ngày càng khan hiếm. Do đó giá hàng nội địa Nhật không còn rẻ như trước, thậm chí tăng gần gấp đôi. "Hàng Nhật rất có sức hấp dẫn, giống như những người thích chơi xe cổ, radio cổ hay điện thoại cổ... nên rất khó để so sánh hàng nội địa với hàng trong siêu thị được" - ông Thiên nhận xét.
Chất lượng phập phù
Theo tìm hiểu của phóng viên, hầu hết hàng điện máy nội địa Nhật đang bán trên thị trường đều được nhập lậu về Việt Nam, đơn vị nhập khẩu thường khai báo là loại hàng hóa khác để né tránh sự kiểm soát của cơ quan chức năng. Tại TP HCM, hàng lậu được tập kết về các kho hàng ở vùng ven, sau đó được phân phối đến mối lái cũng như điểm bán lẻ. Do đó, giới kinh doanh còn gọi với tên khác là hàng "bãi".
Ông Võ Văn Hội - chuyên sửa hàng điện lạnh tại quận 11, TP HCM - giải thích hàng nội địa không phải thứ nào cũng tốt như mọi người nghĩ. "Hàng này bên Nhật họ thải ra giống như rác cần phải xử lý, có cái còn xài được, cái thì hư hỏng. Chưa hết, do là hàng bỏ đi nên không được bảo quản tốt, dễ dẫn đến hư hỏng nặng, nhất là các mặt hàng điện tử, phần lớn bo mạch đều "chết". Chưa kể, trong quá trình vận chuyển trên biển, cũng như qua xe tải rồi về đến bãi tập kết cũng bị ẩm ướt, chấn động làm hư hỏng phần lớn hàng hóa" - ông Hội nói.
Cũng theo ông Hội, khi hàng tập kết về TP HCM sẽ được tuyển chọn, phân loại máy nào còn xài được, máy nào bị hư hỏng nhiều hay ít để bán ra với giá khác nhau. Các đầu nậu hoặc mối lái thu mua về sẽ nhờ thợ khắc phục bằng cách thay thế linh kiện trôi nổi trên thị trường, hầu hết là linh kiện Trung Quốc giá rẻ.
Giới kinh doanh còn cho biết hàng nội địa này còn được tân trang, "tút lại" bằng cách sơn mới cũng như kéo lụa lại nhãn hiệu, trông như hàng chỉ mới qua sử dụng vài tháng để thu hút người mua.
Dưới góc độ người dùng, ông Trịnh Thanh Tiến cho biết đồ nội địa Nhật muốn xài tốt phải biết nguồn cung cấp uy tín, chịu khó tham khảo nhiều nơi cũng như có cam kết của người bán. Trong khi đó, ông Đặng Văn Dương (ở quận 6, TP HCM) mua 2 bộ máy lạnh nội địa Nhật hiệu Toshiba với giá 8 triệu đồng/bộ vài tháng trước nhưng nay chỉ một máy hoạt động tốt, cái còn lại chỉ mát chứ không có hơi lạnh. "Khiếu nại người bán, họ cũng đến kiểm tra nhưng bảo các chức năng đều hoạt động bình thường, nếu muốn trả lại hàng phải trừ tiền 2 triệu đồng" - ông Dương kể.
Khó kiểm tra, xử lý Trao đổi với phóng viên, đại diện QLTT TP HCM thừa nhận rất khó để kiểm tra hàng nội địa Nhật nhập lậu về Việt Nam tiêu thụ, nhất là khi chúng được đưa đến các cửa hàng. Các mặt hàng này khi được bán lẻ trên thị trường giống như bán đồ cũ, mỗi cửa hàng chỉ trưng bày vài món để giao dịch với khách hàng, còn lượng hàng lớn họ cất giấu nơi khác nên không thể xử phạt được. QLTT chủ yếu tập trung kiểm tra, xử lý tại các điểm tập kết hàng lậu với số lượng lớn. |
Kiểm tra 2 container khai báo là “phế liệu nhựa nhập khẩu”, lực lượng chức năng phát hiện chứa rất nhiều bo mạch điện...