Biết kết hợp, dân Mường Khương thu hàng trăm triệu đồng mỗi năm từ loại quả này
Với những đặc tính tốt, dễ thích nghi, cho sản lượng cao... quýt sen vườn đồi Mường Khương (Lào Cai) được kỳ vọng là cây trồng giúp người dân nơi đây trong công cuộc xóa đói giảm nghèo.
Bên cạnh những giống cây ăn quả lâu đời như lê, mận, táo.., những năm gần đây quýt sen đang nổi lên như một loại quả mang hương vị đặc trưng của vùng đất Mường Khương (Lào Cai).
So với các loại khác, quýt sen có đặc điểm vỏ mỏng, múi mọng nước, vị chua ngọt đậm đà, hấp dẫn, được nhiều người ưa chuộng.
Dễ trồng, dễ chăm sóc, sản lượng cao, thích nghi tốt, phát huy kinh tế ổn định, xóa đói giảm nghèo hiệu quả… là những ưu điểm của quýt sen vườn đồi.
Một trong những hộ nông dân tiên phong trong xây dựng mô hình kinh tế quýt vườn đồi phải kể đến là gia đình của ông Hải, người ở thôn Chung Chải B– thị trấn Mường Khương. Cách đây khoảng vài năm, ông Hải đã chủ động chuyển toàn bộ diện tích cây trồng nông nghiệp kém hiệu quả sang trồng quýt vườn đồi. "Cây quýt cho năng suất tốt và chất lượng cao, năm 2016, dự kiến thu được 30 tấn, khách hàng vào tận vườn vừa tham quan, vừa thu mua, với giá 20.000 đồng/kg, dự kiến tổng thu khoảng 600 triệu đồng" - Ông Hải cho biết
Giống quýt được trồng ở Mường Khương có nguồn gốc từ việc giao lưu, trao đổi hàng hóa của bà con địa phương từ bên kia biên giới. Khác với giống ban đầu, nhờ việc chăm sóc và khí hậu thích hợp, nên quả quýt Mường Khương giờ đây to, chắc, nhiều nước và có vị ngọt nhẹ.
Từ giữa tháng 9, một số diện tích quýt chín đã bắt đầu cho thu hoạch, được người dân chủ động thu hái để bán buôn cho các tư thương và bán lẻ tại các chợ.
Thời gian gần đây, nhiều tư thương đã mua quýt Mường Khương với số lượng lớn để phân phối tại thị trường Trung Quốc. Mỗi ngày quýt Mường Khương được những người dân tộc mang qua đường tiểu ngạch xuất sang Trung Quốc.
Thời gian gần đây, nhiều chủ vườn còn thực hiện kết hợp mô hình tham quan, du lịch vườn để thu hút khách.
Đại diện lãnh đạo huyện Mường Khương cho biết: "Cây quýt cho giá trị kinh tế cao hơn gấp 3, 4 lần so với những cây trồng truyền thống khác và đang giúp bà con nơi đây dám nghĩ tới chuyện làm giàu từ cây ăn quả này".
Tuy đã được đăng ký thương hiệu nhưng hình ảnh quýt Mường Khương vẫn chưa thực sự được nhiều người tiêu dùng biết đến. mô hình quýt sen vườn đồi vẫn đang ở trong tình trạng manh mún, mang tính tự phát trong một vài cá thể, hộ gia đình dân tộc thiểu số.
Người dân hi vọng trong thời gian tới, những hộ dân nơi đây sẽ nhận được sự quan tâm, đầu tư về vốn cũng như khoa học kỹ thuật từ các cơ quan nông, lâm nghiệp sở tại để nhân rộng mô hình quýt sen vườn đồi, góp phần xóa đói giảm nghèo cho bà con địa phương.