Biến rác thành hàng triệu USD

Vỏ điều, vỏ dừa, bã mía… đang được nhiều doanh nghiệp chế biến thành những sản phẩm xuất khẩu có giá trị hàng triệu USD.

Từ những phế phẩm nông nghiệp tưởng chừng là đồ bỏ đi, nhiều doanh nghiệp (DN) nhờ nắm bắt được thời cơ đã chế biến thành các mặt hàng xuất khẩu đắt giá. Thậm chí do nhu cầu thị trường ngày càng lớn, các DN tái chế phế phẩm tăng sản lượng nhưng vẫn lo không đủ hàng cung ứng.

Cơ hội kinh doanh mới của DN

Từ lâu các cơ sở chế biến hạt điều xuất khẩu đều coi vỏ hạt điều là rác, đa số bị loại bỏ đem đốt. Thế nhưng hiện nay, nhờ DN biết tận dụng, mỗi tấn dầu được chiết xuất từ vỏ hạt điều xuất khẩu có trị giá khoảng 600 USD. Ông Nguyễn Thái Học, Chủ tịch Hiệp hội Điều tỉnh Đồng Nai, cho biết nhiều DN mấy năm trở lại đây đã đầu tư công nghệ ngành sản xuất dầu vỏ hạt điều. Hằng năm, ngành sản xuất dầu vỏ hạt điều cả nước đạt sản lượng khoảng 80.000 tấn, trong đó xuất khẩu 60.000 tấn, thu về 50 triệu USD. Riêng tỉnh Đồng Nai chiếm khoảng 60% tỉ trọng của ngành sản xuất dầu vỏ hạt điều của cả nước.

Biến rác thành hàng triệu USD - 1

Chế biến dầu từ vỏ điều tại tỉnh Đồng Nai. Ảnh: QH 

Bà Trần Thị Bích Phương, Giám đốc Công ty TNHH Thảo Nguyên, tiết lộ: “DN đã đầu tư cả triệu USD cho công nghệ chưng cất dầu cardanol từ dầu vỏ hạt điều. Đây là nguồn nguyên liệu rất cần cho các ngành công nghiệp quan trọng. Đơn cử như sản xuất lớp phủ chống ăn mòn trong ngành cơ khí, chế tạo hay sản xuất sơn cao cấp chống gỉ sét trong ngành công nghiệp tàu biển. Việc sản xuất dầu vỏ hạt điều không những đem lại hiệu quả kinh tế cho DN mà còn giải quyết các vấn đề về lao động, giảm thiểu ô nhiễm môi trường”.

Không chỉ vỏ hạt điều mà các phế phẩm từ vỏ quả dừa, xơ dừa… cũng bị vứt bỏ gây lãng phí và ô nhiễm môi trường. Nhiều năm qua Công ty CP Trà Bắc - Trabaco (Trà Vinh) đã biết cách tận dụng sản xuất ra những sản phẩm thủ công mỹ nghệ, than hoạt tính, cơm dừa sấy khô, mùn cưa, hộp khử mùi tủ lạnh… Theo đó, sản phẩm xuất khẩu sang thị trường như Mỹ, Nam Mỹ, châu Âu, châu Á. Ông Huỳnh Khắc Nhu, Tổng Giám đốc Trabaco, chia sẻ hiện nay các sản phẩm của công ty đã có mặt tại 30 quốc gia trên thế giới và là nguồn cung ổn định cho hệ thống các trung tâm thương mại, siêu thị tại các quốc gia đó. Doanh thu năm 2013 của DN đạt 304 tỉ đồng, vượt kế hoạch đề ra hơn 100 tỉ đồng. Riêng kim ngạch xuất khẩu năm 2013 cũng đã tăng gần gấp đôi, đạt khoảng 12 triệu USD.

Theo đó, sản phẩm của Trabaco đã chiếm 80% thị phần ở Việt Nam. Đặc biệt sản phẩm than hoạt tính từ sọ dừa của DN đáp ứng rất nhiều nhu cầu của các ngành công nghiệp. Cụ thể, than hoạt tính sử dụng để hấp thu chất khí và chất lỏng trong các ngành công nghiệp dầu mỏ, y dược, luyện vàng, chế biến thực phẩm….

Hay các sản phẩm như bã mía, vỏ thơm, bã mì… cũng đã giúp ông Nguyễn Văn Nghĩa, Giám đốc Công ty TNHH Kim Nghĩa (Long An), xuất khẩu và đạt doanh thu hàng triệu USD mỗi năm. Trong năm 2013, dù các ngành sản xuất xuất khẩu đều gặp khó nhưng việc kinh doanh sản phẩm này vẫn ổn định, doanh thu tăng hơn 15% so với 2012. Bã mía, vỏ thơm, bã mì sẽ được chế biến đóng gói hoặc ép thành từng khối, nén thành viên xuất sang Nhật. Những sản phẩm này xuất sang Nhật sẽ được làm thức ăn chăn nuôi cho bò sữa và bò thịt.

Vốn đầu tư ít nhưng hiệu quả cao

Nhiều DN xuất khẩu nhận định nguồn nguyên liệu phế phẩm từ các ngành nông - lâm - thủy sản còn khá dồi dào, trong khi đó thị trường đầu ra sản phẩm rất lớn nên DN rất có nhiều cơ hội để phát triển.

Ông Nguyễn Thái Học, Tổng Giám đốc Công ty Chế biến Xuất nhập khẩu Nông sản Thực phẩm Đồng Nai (Donafoods), cho hay hiện nay ngày càng nhiều cơ sở, DN nhỏ quan tâm đầu tư sản xuất dầu vỏ hạt điều. Dây chuyền thiết bị để sản xuất 100% là hàng trong nước nên vốn đầu tư không quá lớn mà hiệu quả kinh tế khá cao. Thêm vào đó, chi phí nhân công cũng khá rẻ vì một dây chuyền sản xuất chỉ cần vài lao động.

Theo ông Học, dầu vỏ hạt điều rất hút hàng tại các thị trường Trung Quốc, EU, Nhật. Vì ngành chế biến này có nhiều đặc thù nên DN sản xuất dầu vỏ hạt điều rất cần có khu công nghiệp riêng để tập trung sản xuất.

Ông Huỳnh Khắc Nhu, Tổng Giám đốc Trabaco, cho hay trong thời gian tới DN sẽ dự định đầu tư thêm dây chuyền sản xuất hiện đại, đa dạng hóa các sản phẩm, mở rộng thị trường phấn đấu doanh thu những năm tiếp theo đạt 20-25 triệu USD. DN đã cho ra đời nhiều sản phẩm mới phục vụ nhu cầu của khách hàng. Trong đó có sản phẩm than sạch BBQ (Barbeque) phục vụ cho ngành du lịch, sử dụng cho khách nướng thực phẩm ngoài trời, bờ biển...

Phải đầu tư cho chế biến sâu

Trung Quốc là thị trường nhập khẩu lớn dầu vỏ hạt điều từ Việt Nam. Nước này nhập dầu vỏ điều Việt Nam về còn tinh chế nhiều sản phẩm khác với giá trị kinh tế cao hơn nhiều lần so với dầu thô. Theo đó, các sản phẩm bao gồm vật liệu kết dính chất lượng cao, các loại sơn cao cấp, bo mạch sản phẩm điện tử... Xuất khẩu điều Việt Nam năm 2013 đạt giá trị hơn 1,8 tỉ USD, trong đó dầu vỏ điều và các sản phẩm chế biến sâu khác đạt hơn 2 tỉ USD. DN phải tiếp tục đầu tư chế biến sâu tạo ra những sản phẩm giá trị cao hơn nữa chứ không nên chủ yếu xuất thô.

Ông Nguyễn Đức Thanh, Chủ tịch Hiệp hội điều Việt Nam(Vinacas)

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Quang Huy (Pháp luật TPHCM)
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN