Bí xanh chất đầy nhà, dân Nam Thượng đỏ mắt chờ thương lái
Người dân xã Nam Thượng, huyện Kim Bôi (Hòa Bình) đang đứng ngồi không yên vì hàng trăm tấn bí xanh đã được thu hoạch nhưng vẫn thiếu vắng thương lái đến hỏi mua, hoặc có mua thì cũng với giá rất thấp.
Chị Vũ Phượng, một người dân trong xã cho biết, chị vừa cắt 6 tấn bí xanh, xếp ngay ngắn ở nhà, chỉ chờ người đến thu mua nhưng thương lái rất thưa vắng. “Họ chỉ trả với giá 3.000 đồng/kg, với giá này, nông dân chúng tôi lỗ nặng”, chị Phượng than thở.
Bí xanh chất đầy ngõ nhà chị Phượng.
Cũng theo chị Phượng, số lượng bí xanh nhà chị không nhiều mà đã lên đến 6 tấn, trên địa bàn xã Nam Thượng, còn nhiều nhà đang tồn số lượng lớn bí xanh. “Nếu tính trên địa bàn cả xã thì có khi phải lên đến vài trăm tấn”, chị Phượng nói.
Số lượng bí thu hoạch lên đến 6 tấn mà thương lái ép giá rất thấp, chỉ 3.000 đồng/kg.
Hiện ngay đầu ngõ nhà chị Phượng, bí xanh đã được xếp thành dãy dài, cao như bức tường thành. Nhìn đống bí không có người mua, chị như đứng ngồi không yên vì vốn liếng, công chăm sóc sau một vụ chưa thu hồi lại được.
Nhà nào bí xanh cũng chất cao như bức tường.
Được biết, vài năm trở lại đây, xã Nam Thượng cùng với nhiều địa phương khác trên địa bàn huyện Kim Bôi mạnh dạn đưa bí xanh, bí đỏ và nhiều cây rau màu vào trồng. Theo khung thời vụ, bí xanh có thể trồng được 2 vụ một năm, nếu được giá, mô hình cũng cho lãi khá nên mấy năm nay, diện tích bí xanh trên địa bàn xã được mở rộng đáng kể.
Người dân sốt ruột vì sức mua của thương lái giảm.
Tuy nhiên, việc mở rộng diện tích mà không tính đến thị trường tiêu thụ có thể khiến cung vượt cầu, dẫn đến khó tiêu thụ.
Ngay sau phản ánh của người dân trên địa bàn về việc sản phẩm bí xanh đang rất bí đầu ra, chúng tôi có gọi điện thoại cho lãnh đạo xã Nam Thượng hỏi về các giải pháp tháo gỡ nhưng không nhận được câu trả lời.
Nhưng có một nghịch lý tồn tại đã lâu là, dù bí xanh hay nhiều nông sản khác của nông dân đang bí đầu ra thì tại thị trường các thành phố lớn như Hà Nội, rau, bí xanh vẫn được bán với giá khá đắt, tầm 10.000 - 15.000 đồng/kg dù Hà Nội và Hòa Bình cách nhau chưa đến trăm cây số.
Rõ ràng, quá trình phân phối đang có nhiều vấn đề, chưa đảm bảo sự công bằng cho nông dân, vốn là người vất vả nhất trong suốt quá trình tạo ra sản phẩm.