Bị Trung Quốc ép giá, gạo nếp xuất khẩu lại giảm mạnh còn 5.400đ/kg

Sự kiện: Kinh Doanh

Trong khi giá gạo xuất khẩu 3 tháng đầu năm bứt phá, tăng mạnh cả lượng lẫn giá thì gạo nếp đang bị nhiều đối tác ép giá khiến giá nếp ở ĐBSCL hiện đã giảm nhiều so với hồi đầu vụ.

Gạo tẻ tăng, gạo nếp giảm giá

Thông tin từ Bộ NNPTNT, xuất khẩu gạo Việt Nam đã có bước bứt phá ngoạn mục khi tăng cả lượng lẫn giá. Theo đó, nếu như trong năm 2016 giá gạo xuất khẩu bình quân chỉ đạt 435 USD/tấn, sang năm 2017, con số này là 450 USD/tấn. Đặc biệt, 2 tháng đầu năm 2018, giá gạo xuất khẩu tiếp tục lên mức 491 USD/tấn. Mức giá này cao hơn cả gạo Thái Lan, vốn liên tục nhiều năm liền vượt xa gạo Việt.

Bị Trung Quốc ép giá, gạo nếp xuất khẩu lại giảm mạnh còn 5.400đ/kg - 1

Các đối tác Trung Quốc ép giá khiến gạo nếp Việt Nam giảm giá mạnh so với hồi đầu vụ.

Giá gạo xuất khẩu ở mức cao khiến giá thu mua lúa gạo trong nước cũng tăng. Cuối tuần qua, giá lúa khô loại thường tại ĐBSCL dao động quanh mức 6.300 – 6.400 đồng/kg, tăng 100 đồng so với hồi đầu tuần. Giá lúa khô hạt dài cũng đạt từ 6.600 – 6.700 đồng/kg trong khi gạo nguyên liệu loại 1, làm ra gạo 5% tấm đã lên mức 7.800 – 7.900 đồng/kg.

Khác với gạo trắng, xuất khẩu gạo nếp lại đang gặp nhiều khó khăn do phải phụ thuộc chủ yếu vào một thị trường lớn là Trung Quốc. Một số đối tác còn muốn ép giá gạo nếp Việt Nam khiến doanh nghiệp chật vật trong kinh doanh, xuất khẩu.

Bà Đặng Thị Liên, Giám đốc Công ty TNHH Lương thực, Thực phẩm Long An cho biết, nếu như thời điểm tháng 1-2.2018, giá gạo nếp xuất khẩu dao động ở mức 530-540 USD/tấn thì nay chỉ còn 470 USD/tấn. Với mức giá này, chỉ khi doanh nghiệp, thương lái thu mua lúa tươi nội địa dưới 5.000 đồng/kg thì mới có lợi nhuận.

Bà Liên thông tin, theo quan sát, dù có nhiều đối tác Trung Quốc hỏi mua nhưng do giá xuất khẩu họ đưa ra khá thấp, khó có lợi nhuận cho cả nông dân và người kinh doanh nên nhiều doanh nghiệp vẫn đang “án binh bất động”, chờ diễn biến mới từ thị trường. Do đó, tình hình tiêu thụ gạo nếp tại các tỉnh ĐBSCL hiện khá chậm.

Chiêu ép giá của thương lái Trung Quốc có gì lạ?

Còn theo ông Huỳnh Văn Sơn, nông dân ở vùng chuyên canh nếp Thạnh Hóa, Long An, vùng này đang vào vụ thu hoạch rộ diện tích lúa nếp vụ đông xuân 2017-2018. Tuy vậy, giá lúa nếp tươi tại ruộng đã giảm khá mạnh so với thời điểm thu hoạch lúa đầu vụ, tức thời điểm sau Tết Nguyên đán.

Hiện giá nếp ở Thạnh Hóa (Long An) chỉ còn khoảng 5.400 – 5.500 đồng/kg thay vì mức giá 6.000 – 6.200 đồng/kg như hồi đầu vụ. Nhiều thương lái đã đặt cọc thu mua với giá 6.000 đồng/kg lúa nếp tươi đã phải bỏ cọc.

Ông Sơn cho rằng,  thời gian gần đây, thấy giá nếp tăng, nhu cầu tiêu thụ cao nên nhiều người dân đã chuyển sang trồng lúa nếp, khiến diện tích gieo trồng tăng lên đột biến. Tại một số vùng trồng lúa trọng điểm ĐBSCL như An Giang, Đồng Tháp, Cần Thơ, Tiền Giang… phong trào “bỏ lúa trồng nếp” diễn ra khá rầm rộ.

Bị Trung Quốc ép giá, gạo nếp xuất khẩu lại giảm mạnh còn 5.400đ/kg - 2

Một vùng trồng gạo nếp tại  huyện Phú Tân, An Giang.  Ảnh: A.G.O

Trong khi đó, ông Nguyễn Văn Đôn, Giám đốc Công ty TNHH Việt Hưng (Tiền Giang) cho rằng, thông thường khi vào chính vụ Đông Xuân, các doanh nghiệp nhập khẩu gạo Trung Quốc căn cứ vào sản lượng thu hoạch để ép giá các doanh nghiệp gạo Việt.

Do đó, các doanh nghiệp chế biến, xuất khẩu gạo trong nước cần nắm chắc tình hình, đoàn kết với nhau để không bị nhà nhập khẩu ép giá. Đây cũng là thời điểm gạo Việt có thể định hình được giá xuất khẩu cho các vụ còn lại trong năm.

Còn theo thông tin từ Cục Trồng trọt (Bộ NNPTNT), trong vụ đông xuân này, vùng ĐBSCL gieo trồng trên 157.000ha lúa nếp, chiếm tỷ lệ gần 10% trong cơ cấu gieo trồng, giảm 4,5% so với cùng kỳ năm ngoái.

Nhiều chuyên gia cũng cho rằng, hiện tại, dù mức giá lúa nếp nội địa ở vùng ĐBSCL vẫn còn cao so với năm ngoái, tuy nhiên, các địa phương, nông dân cần thận trọng trong việc trồng lúa nếp vụ hè thu.

Chưa kể, việc phát triển diện tích gạo nếp phải theo quy hoạch, chỉ nên trồng ở những vùng chuyên canh. Vì nếu trồng tràn lan, gạo nếp sẽ lẫn gạo tẻ làm giảm chất lượng. Ngoài ra, sản lượng gạo nếp của Việt Nam chỉ nên duy trì ở mức 700.000-800.000 tấn/năm, vì nhu cầu thị trường sản phẩm này không quá lớn và không dồi dào như các loại gạo thơm, gạo cao cấp hay gạo trắng thông dụng khác.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Thuận Hải (Dân Việt)
Kinh Doanh Xem thêm
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN