Bị nợ tiền, nông dân phải vay tín dụng đen

Hàng trăm nông dân ở Long An bán mía cho nhà máy đường nhưng nhà máy không chịu trả tiền. Nhiều nông dân phải vay tín dụng đen để thanh toán nợ nần...

Bội tín

Ngày 27.5, hàng chục nông dân ở huyện Bến Lức kéo đến Công ty Đường Ấn Độ (NIVL), đóng tại xã Lương Hòa, huyện Bến Lức để đòi nợ. Theo hợp đồng mua bán, cứ mía đưa lên cân thì trong vòng 7 ngày, nhà máy phải thanh toán đủ tiền cho dân. Thế nhưng, nhà máy này chỉ trả tiền đến ngày 4.4 rồi “im” luôn cho đến nay. Theo người dân, từ ngày Nhà máy NIVL mua cổ phần của Hiệp Hòa, nông dân bị o ép đủ đường bởi họ không còn sự lựa chọn.

Bị nợ tiền, nông dân phải vay tín dụng đen - 1

Nông dân bán mía cho Công ty NIVL từ tháng 4, đến nay vẫn chưa được trả tiền.

Ông Nguyễn Văn Minh – Trưởng ấp 6A, xã Lương Hòa, huyện Bến Lức cho biết, tổ hợp tác của ông có hơn 100ha mía. “Nông dân trồng mía toàn vay ngân hàng, rồi nợ tiền vật tư nông nghiệp, công đốn mía, bốc xếp… Bán mía xong, ai cũng mong lấy tiền nhanh để thanh toán nợ nần, nào ngờ công ty không chịu trả nên nông dân rơi vào cảnh khổ” – ông Minh nói. Theo sổ sách của ông Minh, NIVL đang nợ ông số tiền khoảng 2 tỷ đồng.

Nông dân Lê Văn Chữ cho hay: “Công ty bội tín với nông dân nhưng nông dân không thể bội tín với ngân hàng. Để thanh toán nợ nần, tôi vay nóng bên ngoài với lãi suất 15%/tháng. Vay 800 triệu đồng, mỗi sáng thức dậy tôi phải trả lãi 4 triệu đồng”.

Anh Lê Văn Chữ - ngụ ấp 10, xã Lương Hòa bức xúc: “Công ty nợ tôi khoảng 1 tỷ đồng, hứa hẹn trả năm lần bảy lượt nhưng không trả đồng nào”. Theo lời anh Chữ, để có vốn làm ăn, anh vay ngân hàng 800 triệu đồng. Bán mía cho nhà máy xong, đợi hoài không thấy trả tiền trong khi những người cho thuê đất, rồi nhân công trồng mía, chủ đại lý vật tư nông nghiệp “dập dìu” đến nhà anh đòi nợ.

Nhà máy tồn kho lớn

Theo tìm hiểu của chúng tôi, rất nhiều nông dân bị NIVL đẩy vào thế bí như tình trạng của anh Chư như bà Đỗ Thị Hiền, bà Phan Thị Phùng ở ấp 6A, xã Lương Hòa... “Nông dân chậm trả tiền ngân hàng thì phải chịu lãi quá hạn, thậm chí bị phát mãi tài sản nếu hết khả năng thanh toán. Còn doanh nghiệp nợ nông dân thì không thấy ai can thiệp” – ông Trần Văn Minh nói.

Theo ông Nguyễn Thanh San – Giám đốc Nhà máy NIVL, công ty còn nợ nông dân hơn 30 tỷ đồng, tới nay chưa thanh toán được. “Nhà máy đang gặp khó khăn, vì lượng đường tồn kho quá lớn. Lượng đường tồn kho trị giá lên đến 500 tỷ đồng. Hiện chúng tôi đã mời nông dân đến nhà máy và cam kết với họ sẽ thanh toán dứt điểm trước ngày 15.6” – ông San nói. 

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Hữu Danh (Dân Việt)
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN