Bí mật phía sau những thương vụ bán lan đột biến tiền tỷ
Thương vụ giao dịch một giống lan đột biến lên đến 6,8 tỷ đồng tại Đà Nẵng chưa hạ nhiệt thì mới đây dư luận lại thêm lần “choáng” khi có thông tin một cây lan đột biến được trả giá tới 17 tỷ. Thực tế, đây không phải là lần đầu tiên xuất hiện những thương vụ kiểu này, trước đó, vụ mua gốc thanh long vàng với giá tiền tỷ khiến người ta không khỏi nghi ngờ: Có hay không việc thổi giá ở đây?
Những con số… choáng váng
Cho đến giờ, chưa ai được tận mắt chứng kiến giò lan 17 tỷ đồng, nhưng những tin đồn về nó cũng khiến cho thị trường giao dịch lan và nhiều loài sinh vật cảnh khác trở nên sôi động.
Trước đó, con số 6,8 tỷ đồng cho một gốc lan mỏng manh và 7 nhánh chiết ra từ cây mẹ đã khiến nhiều người choáng váng nhưng với các thành viên Câu lạc bộ (CLB) lan đột biến Sông Hàn (Đà Nẵng), những người đã góp tiền mua giống lan này thì đó là một nhân duyên hiếm gặp.
Anh Nguyễn Phi Hùng -thành viên CLB lan đột biến Sông Hàn cho biết, họ đã “nhòm ngó” cây lan quý này từ một năm trước, phải qua rất nhiều lần thương thảo, cuộc mua bán mới thành công với giá hữu nghị 6,8 tỷ đồng, bởi trước đó có người trả 7 tỷ đồng nhưng chủ nhân của cây lan – anh Võ Văn Tuyên (thị xã La Gi, Bình Thuận) không bán.
Được biết, đây là giò lan giả hạc 5 cánh trắng (hay còn gọi là phi điệp). Sau khi giao dịch thành công, CLB còn tổ chức long trọng một buổi lễ đặt tên cho cây thành “Tiên Sa”.
“Chúng tôi xác định chơi lan vì niềm đam mê, là một thú chơi nên đôi khi tiền bạc không phải là vấn đề quan trọng hàng đầu. Vả lại đây là một loài lan đặc biệt, vô cùng quý hiếm vì là loài đột biến, trong một tỷ cây mới có một cây đột biến như vậy. Tôi biết, rất nhiều người muốn sở hữu cây lan này nhưng còn vấn đề kinh tế và cả… mối duyên với cây nữa” – anh Hùng nói.
Dư luận nghi ngờ có sự “thổi giá” trong các vụ mua bán hoa lan, thanh long tiền tỷ? ảnh: internet
Có một điều kỳ lạ là, những giống cây đột biến, chưa từng được công nhận có vẻ như luôn được săn đón với giá cao. Theo đó, một giống thanh long đột biến cho thân và trái màu vàng cũng đã được trả giá tới 1 tỷ đồng. Chủ nhân của cây thanh long đột biến này là ông Lê Văn Biết ở xã An Lục Long (Châu Thành, Long An) - người đã có nhiều năm kinh nghiệm trồng thanh long. Vài năm trước, khi phát hiện một gốc thanh long có thân màu vàng, trái cũng có màu vàng, ông đã chiết, nhân giống thêm được hơn 100 gốc. Sau đó, một thương lái đã tìm đến tận vườn mua độc quyền giống với giá tới 1 tỷ đồng.
Ngay sau khi nắm được thông tin về giống thanh long lạ này, Viện Nghiên cứu Cây ăn quả miền Nam đã đến xem xét và nghiên cứu và cho đến thời điểm này, chưa ai khẳng định được chất lượng của trái ra sao, còn lý do hút hàng là vì trái có màu vàng nên người dân ưa chuộng trưng trong dịp lễ, tết với ý nghĩa cầu sự may mắn.
Nỗi lo mất nguồn gen quý
Trở lại với cây lan giả hạc bạc tỷ, cho đến giờ, nhiều người vẫn không tin mức giá trên trời này là sự thật mà là một chiêu “thổi giá”. Một người chơi lan ở TP.Hồ Chí Minh cho biết, hiện nay lan đột biến được trồng rất nhiều theo hình thức công nghiệp ở Thái Lan, Trung Quốc, Nhật Bản… cho ra hoa giống dòng đột biến tự nhiên, khó phân biệt bằng mắt thường nếu không phải là người am hiểu.
Tháng 12.2017, tại Đà Nẵng, có giao dịch mua cây phi điệp 5 cánh trắng kim giá 700 triệu đồng. Tiếp đó, có một vụ mua bán loài lan bướm đại ngàn ở Sơn La với con số 1 tỷ đồng; hay thương vụ trao đổi loài lan 5 cánh trắng Trường Sa ở Hòa Bình lên đến 1,1 tỷ đồng; cũng một hội quán ở Hòa Bình từng giao dịch thành công một cây lan với giá 2,7 tỷ đồng… |
Nhưng anh Hùng và những thành viên trong CLB hoa lan đột biến Sông Hàn không quan tâm đến nhận định này và cho biết, tất cả đều xuất phát từ niềm đam mê. Anh Hùng cho biết, các loại giả hạc trên thị trường hiện nay chủ yếu hàng nhân tạo, do các nhà vườn tự nhân giống, còn giả hạc rừng hầu như đã tuyệt chủng. Để tìm được cây, dân chơi phải sang tận Lào, Campuchia… để săn lùng và mang về theo đường… xách tay.
Cũng theo anh Hùng, đây không phải là thương vụ giao dịch lan đầu tiên đạt được con số khủng như vậy, bởi vào tháng 12.2017, tại Đà Nẵng, CLB của anh Hùng cũng từng mua một cây phi điệp 5 cánh trắng kim từ một người chơi lan Hòa Bình với giá 700 triệu đồng. Tiếp đó, có một vụ giao dịch lớn hơn với loài lan bướm đại ngàn ở Sơn La với con số 1 tỷ đồng; hay thương vụ mua bán loài lan 5 cánh trắng Trường Sa ở Hòa Bình lên đến 1,1 tỷ đồng; cũng một hội quán ở Hòa Bình từng giao dịch thành công một cây lan với giá 2,7 tỷ đồng…
Tuy vậy, anh Hùng cũng khẳng định, ngay sau vụ giao dịch này, đã có người muốn mua lại giò lan với giá cao hơn nhưng các thành viên CLB đột biến Sông Hàn không bán. Thời gian tới, anh và các thành viên sẽ chiết ghép các nhánh của cây lan này để bán ra thị trường, tuy chưa thể có mức giá cụ thể nhưng theo anh giá sẽ “không hề rẻ”. “Thường những người chơi lan phải áp dụng kiểu “mỡ nó rán nó”, có như thế chúng tôi mới có đủ kinh phí để nuôi niềm đam mê” – anh Hùng nói. Đây cũng chính là lý do khiến dư luận có quyền nghi ngờ về một chiêu “thổi giá”.
Từ đây mới thấy, những giao dịch lan và các loại “kỳ hoa dị thảo” trên thị trường như những cơn sóng ngầm, âm thầm nhưng vô cùng dữ dội, với nhiều thương vụ có giá trị lớn. Tuy nhiên, hầu như những giao dịch này được trao đổi khá tự do mà không có ngành chức năng nào quản lý, giám sát về nguồn gen. Với các loại cây ăn quả quý hiếm cũng vậy, khi phát hiện giống quý, nhà vườn vô tư chiết ghép, vô tư bán ra thị trường. Điều này có thể khiến Việt Nam mất nhiều nguồn gen quý hiếm.