Bị lừa đảo, rủ nhau tẩy chay sữa ngoại

Đang chờ kết quả kết luận chất lượng của các cơ quan chức năng về sữa dê Danlait, không ít bậc phụ huynh đã lên tiếng đòi tẩy chay sản phẩm gian dối này.

Sữa rởm thu lãi khủng

Có hai con nhỏ, chị Hoài Phương, nhân viên kế toán công ty BĐS ở Lê Văn Lương cho hay, chị vẫn thường xuyên cho con uống sữa. Nhưng sau khi có thông tin về loại sữa dê Danlait, chị không khỏi lo âu: “Ngay cả đơn vị trong nước nhập sữa về mà cũng không đảm bảo như vậy thì người tiêu dùng biết tin vào đâu. Người tiêu dùng cần lên tiếng phản đối mạnh mẽ và tẩy chay những công ty gian dối như vậy”.

Chị Dương Thị Hoài ở Thành Công – Ba Đinh – Hà Nội cũng đang lo lắng: “Hiện giờ mình rất lo lắng, không biết con có vấn dề gì không?. Chỉ thấy con mọc răng chậm và ít tăng cân thì lại nghĩ rằng cháu kém hấp thu ai ngờ đó lại là sữa đểu. Cứ làm ăn kiểu này thì sẽ còn nhiều trẻ em bị uống sữa giả ”.

Bên cạnh sự giận dữ, người tiêu dùng còn cảm thấy hoang mang và lo lắng, đặc biệt với những bậc cha mẹ đã trót cho con uống sữa Danlait. “Con mình cũng uống sữa này, mình đang sôi sục lên vì căm hận”, một thành viên trên diễn đàn online giận dữ nói.

Bị lừa đảo, rủ nhau tẩy chay sữa ngoại - 1

Vụ sữa Danlait, không ít phụ huynh lên tiếng đòi tẩy chay sản phẩm gian dối này 

Chị Hương Lan, quận Thanh Xuân, cho biết, tỏ ra vô cùng hoang mang và lo ngại với thị trường sữa hiện nay. Chị cho con sử dụng sữa Danlait được mấy tháng nay. Tuy nhiên, khi đi kiểm tra sức khỏe cháu bé vẫn không tăng cân, bác sĩ còn cho rằng con chị bị thiếu chất. Trước khi cho con uống sữa ngoại, chị đã tìm hiểu kỹ nguồn gốc sản phẩm và tin tưởng bởi có doanh nghiệp phân phối ở Việt Nam.

Chị cho hay: “Nếu đúng là sản phẩm bổ sung thì người tiêu dùng đã bị lừa trắng trợn. Sữa ngoại bổ béo không thấy đâu lại mang vạ vào thân”. Điều khiến chị bức xúc hơn vì đây lại là sản phẩm dành cho đối tượng trẻ em.

Nhiều bà mẹ đã cho con dùng sữa chia sẻ trên diễn đàn: “Độ mịn và màu sắc sữa không đồng nhất, lúc màu vàng hạt mịn, lúc màu ít vàng và hạt cũng ít mịn hơn, lúc lại màu vàng xanh xanh... không hiểu sao chất lượng sữa trông không ổn định về cảm quan.”

“Có đợt mình mua hai hộp liền thì cả hai đều có bột sữa màu vàng, hạt hơi to, lúc đong sữa bằng muôi thì sữa toàn rơi qua lỗ ở đáy muôi, cứ giống như các hạt cát đang chảy vậy. Sau đợt đó mình mua 5 hộp nữa, thì cả 5 hộp này màu sữa lại hơi ngả đen, hạt mịn hơn nhiều, không khô như hai hộp trước để hạt sữa có thể chảy qua lỗ được...,” một thành viên diễn đàn cho hay.

Ngay cả những bà mẹ không cho con dùng loại sữa này như chị Thanh Nga, quận Hoàng Mai cũng phải rùng mình: “Con mình không uống sữa này nhưng mình cũng tức giận bởi cách làm ăn gian dối. Mình mong rằng các cơ quan chức năng sớm có kết luận để bảo vệ người tiêu dùng, tranh những hậu quả đáng tiếc xảy ra với trẻ nhỏ.”

“Hiện nay các sản phẩm đóng mác ngoại nhập rất có xu hướng: mua nguyên liệu số lượng lớn về chia nhỏ đóng gói tại Việt Nam và vẫn đóng mác hàng nhập. Mà mọi người biết khâu chế biến đóng gói mà vớ vẩn thì sản phẩm kém chất lượng là tất nhiên.Vì thế đừng nên quá sính hàng ngoại nhập”, thành viên này phân tích.

Cố tình lừa đảo

Liên quan đến việc doanh nghiệp “phù phép” thực phẩm bổ sung thành “sữa dê Danlait” bằng các nhãn mác khác để bán trên thị trường, Luật sư Trương Thanh Đức, Hội Luật gia Việt Nam nhận định, khi doanh nghiệp quảng cáo sai, bỏ cum từ “thực phẩm bổ sung” đã đăng ký, ghi thành sữa và “sản phẩm sữa cho trẻ em” như trường hợp này thì đã là hành vi lừa dối khách hàng.

Thông thường người tiêu dùng sẽ hiểu “sữa cho trẻ em” là một thực phẩm chính, thậm chí thay thế cho sửa mẹ và cho mọi thực phẩm khác, khác với thực phẩm thông thường chỉ bổ sung chất dinh dưỡng.

Ông Vương Ngọc Tuấn, Phó Tổng Thư ký Hội Tiêu chuẩn và Bảo vệ người tiêu dùng Việt Nam (Vinastas) cho biết, một sản phẩm sữa trước khi bán ra thị trường phải được các cơ quan chức năng của nhà nước kiểm tra và cấp phép. Nếu doanh nghiệp quảng cáo sai, quảng cáo không đúng với bản chất thực sự của sản phẩm thì đó là hành vi lừa dối người tiêu dùng và phải chịu trách nhiệm trước pháp luật.

“Qua những gì kiểm tra sản phẩm cho thấy, rõ ràng đây là hành vi lừa đảo đối với người tiêu dùng có hệ thống của doanh nghiệp. Vì lợi nhuận riêng của mình mà doanh nghiệp đã cố tình thay đổi nhãn mác, bất chấp an toàn và sức khỏe của người tiêu dùng. Hành vi này cần phải xử lý nghiêm trước pháp luật”, ông Tuấn khẳng định.

Trong khi vụ lừa đảo sữa dê đang nóng thì các lại sữa ngoại trên thị trường lại tăng giá tới 10%. Hàng loạt hãng sữa đã thông báo từ tháng 3 tới sẽ đồng loạt tăng giá. Tuy nhiên, theo cơ quan quản lý, nguyên liệu sữa trong thời gian qua không tăng. Việc tăng giá sữa của các DN là một điều phi lý. Nhiều chuyên gia đã đặt nghi vấn do mức tiêu thụ giảm, doanh số giảm khiến DN phải tăng giá sữa để bù doanh số.

Trước thực tế tăng giá phi lý, nhiều loại sữa không đảm bảo chất lượng, đẩy giá quá cao so với thực tế… các bà mẹ ngày càng ngán và mất tin vào sữa ngoại.
 

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Duy Anh (Diễn đàn kinh tế Việt Nam)
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN