Bất thường đường đi của xăng dầu
Thanh tra Chính phủ vừa kết luận về những kẽ hở trong việc chấp hành chính sách, pháp luật về quản lý, sử dụng vốn, tài sản tại Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam.
Trao đổi với Tiền Phong, tổng giám đốc một doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu đầu mối cho biết, để tránh tình trạng gom hàng của các đại lý, tổng đại lý trước mỗi kỳ tăng giá xăng dầu, cần dần áp dụng việc điều chỉnh giá theo đúng cơ chế thị trường. Theo PGS.TS Ngô Trí Long, chuyên gia kinh tế, cơ quan quản lý cần thanh kiểm tra trước và sau mỗi lần tăng giá, giám sát việc các doanh nghiệp bán và thu được bao nhiêu lợi nhuận.
Nhiều kẽ hở kinh doanh xăng dầu
Kết luận thanh tra việc chấp hành chính sách, pháp luật về quản lý, sử dụng vốn, tài sản tại Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam (Petrolimex) và một số đơn vị thành viên trong giai đoạn từ 1/2010 đến 6/2013 của Thanh tra Chính phủ cho thấy, bên cạnh những vi phạm về đầu tư ngoài ngành không xin phép cơ quan quản lý, tập đoàn này cũng có nhiều vi phạm trong hợp tác đầu tư cũng như quản lý hoạt động kinh doanh.
Theo kết luận thanh tra, Petrolimex và một số công ty xăng dầu thành viên chưa thực hiện đúng quy định trong việc trích Quỹ Bình ổn giá xăng dầu. Xác định sai sản lượng xăng dầu tiêu thụ thực tế, dẫn đến trích thiếu Quỹ Bình ổn giá 4,89 tỷ đồng. Năm 2011 tập đoàn đã chỉ đạo các công ty xăng dầu thành viên kinh doanh có lãi trích lập Quỹ Bình ổn giá, thực tế 11 công ty đã trích tổng số tiền 221,2 tỷ đồng, không đúng đối tượng quy định.
Cũng theo đánh giá, công tác quản lý, điều hành giá bán xăng dầu nội bộ của công ty mẹ đối với các công ty xăng dầu thành viên chưa tuân thủ nguyên tắc, phương pháp xác định giá quy định trong Quy chế kinh doanh xăng dầu và chưa phù hợp với giá bán do liên bộ Tài chính-Công Thương công bố, thể hiện ý chí chủ quan trong việc quyết định giá, dễ phát sinh tiêu cực.
“Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam chưa quản lý chặt chẽ xăng dầu tiêu thụ trước các thời điểm điều chỉnh giá, sản lượng xăng dầu xuất bán trước thời điểm tăng giá tại một số công ty xăng dầu thành viên tăng bất thường từ 2,3-6,7 lần so với sản lượng bán bình quân. Đây là dấu hiệu sơ hở trong quản lý, dễ phát sinh tiêu cực, tham nhũng nhưng Tập đoàn chưa có biện pháp quản lý, khắc phục”, kết luận của Thanh tra Chính phủ nêu rõ.
Thanh tra Chính phủ cũng cho biết, các công ty xăng dầu của Petrolimex đang thực hiện bán hàng cho các tổng đại lý, đại lý theo hình thức bao tiêu, chi phí thù lao đại lý trừ trong giá bán, chưa được theo dõi, hạch toán trên sổ kế toán, vì vậy chưa minh bạch giá bán và thù lao, gây khó khăn cho công tác quản lý, kiểm tra, công tác hạch toán Quỹ bình ổn giá xăng dầu, vốn vay ngoại tệ chưa đúng quy định. Đáng chú ý, có 18 đơn vị không đủ điều kiện nhưng vẫn được làm tổng đại lý kinh doanh xăng dầu.
Lượng xăng dầu xuất bán trước thời điểm tăng giá tại một số công ty xăng dầu thành viên Petrolimex tăng bất thường từ 2,3-6,7 lần. Ảnh: Hồng Vĩnh.
Giám sát đường đi của xăng dầu
Trao đổi với Tiền Phong, tổng giám đốc một doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu đầu mối cho biết tình trạng gom hàng, đặt hàng sớm của các đại lý, tổng đại lý trước mỗi kỳ tăng giá xăng dầu đều xảy ra. Với công thức tính giá và diễn biến thị trường hoạt động rõ ràng như hiện nay, khách hàng của các doanh nghiệp xăng dầu đầu mối đồng thời cũng là người kinh doanh, không có lý gì các đại lý, tổng đại lý không gom hàng để đầu cơ chờ giá tăng.
“Việc điều hành giá xăng dầu với chu kỳ 15 ngày như hiện nay có nhiều tiến bộ nhưng vẫn chưa thực sự hiệu quả. Chu kỳ điều hành giá cần ngắn lại thì sẽ hạn chế được tình trạng doanh nghiệp đầu cơ gom hàng trước mỗi kỳ tăng giá”, vị này phân tích.
“Cần xem sau khi Thanh tra Chính phủ kết luận, Petrolimex khắc phục các tồn tại, vi phạm thế nào. Về phía cơ quan quản lý, cũng phải vào cuộc làm rõ đường đi của các hợp đồng mua bán xăng dầu giữa doanh nghiệp và các đại lý, tổng đại lý mỗi kỳ tăng giá xăng. Cần tạo môi trường cạnh tranh thực sự bằng cách cho doanh nghiệp tự định giá và cho các doanh nghiệp nước ngoài vào cạnh tranh để phá thế độc quyền của Petrolimex”. PGS. TS Ngô Trí Long,chuyên gia kinh tế |
Cũng theo đại diện doanh nghiệp đầu mối này, để tránh tình trạng gom hàng, cần dần áp dụng việc điều chỉnh giá theo đúng cơ chế thị trường như ở các nước: Sáng có thể tăng giá, chiều xuống giá, sáng hôm sau lại giảm giá tiếp nếu giá xăng thế giới đi xuống.
“Khi biên độ chênh lệch giá không có nhiều, việc điều chỉnh thực hiện liên tục thì có gom hàng cũng không có lợi gì. Nếu doanh nghiệp đầu mối không bán, đại lý và các tổng đại lý sẵn sàng sang doanh nghiệp khác để mua. Như vậy, doanh nghiệp sẽ mất thị phần, mất đại lý”, vị này cho biết thêm.
PGS.TS Ngô Trí Long, chuyên gia kinh tế cũng cho rằng, việc lượng xăng dầu xuất bán trước thời điểm tăng giá tại một số công ty xăng dầu thành viên thuộc Petrolimex tăng bất thường từ 2,3-6,7 lần chính là một kẽ hở trong các quy định hiện nay về kinh doanh xăng dầu.
Vấn đề quan trọng nhất là các cơ quan quản lý cần thanh kiểm tra trước và sau mỗi lần tăng giá, giám sát các doanh nghiệp bán và thu được bao nhiêu lợi nhuận. Cần thanh kiểm tra mỗi lần tăng hoặc giảm giá số lượng xăng dầu tại các cửa hàng là bao nhiêu.
“Về kinh doanh, doanh nghiệp hoàn toàn có thể tính trước được thời điểm tăng giá, mức tăng bao nhiêu, còn người dân không nắm được điều này. Thực tế, khi giá tăng, không có người dân nào đổ xô đi mua xăng cả vì lấy đâu ra chỗ chứa mà tích lũy. Vì vậy, cần xem lại đường đi của lượng xăng bán từ các doanh nghiệp đầu mối về các đại lý, tổng đại lý trước và sau khi tăng giá”, ông Long nói.
Trách nhiệm quản lý đến đâu?
Tại thời điểm năm 2012, trước những bất cập trong việc điều hành giá xăng dầu, Bộ Công Thương đã có báo cáo gửi Thủ tướng Chính phủ về đánh giá, đề xuất sửa đổi những quy định được coi là “lỗ hổng” cần vá trong Nghị định 84 về kinh doanh xăng dầu.
Theo báo cáo này của Bộ Công Thương, một quy định “lỏng lẻo” khác được chỉ ra đó là việc hiện có khoảng hơn 300 tổng đại lý, nhưng phần lớn các đơn vị này lại đi thuê lại cơ sở vật chất của chính doanh nghiệp kinh doanh nhập khẩu xăng dầu đầu mối.
“Việc này dẫn đến thiếu minh bạch, dễ bị lợi dụng để găm hàng, mỗi lần điều chỉnh giá. Ngay việc không quy định cụ thể cơ quan quản lý nào chịu trách nhiệm quản lý các điều kiện đối với tổng đại lý, đại lý cũng gây khó khăn cho việc quản lý nguồn cung cũng như chất lượng xăng dầu”, báo cáo của Bộ Công Thương cho biết.