Bắt... rồng đất, nghề “đào ra tiền”
Địa long - là tên gọi một loại trùn to bằng ngón chân cái người lớn, dài hơn 50cm, nằm dưới đáy sông. Nhờ “rồng đất”, hàng ngàn gia đình ở miền Trung có thêm nguồn thu nhập không nhỏ...
“Hàng độc” ở sông Thoa
Quảng Ngãi có rất nhiều sông nhưng chỉ riêng con sông Thoa là có loại rồng đất này. Sông này dài hơn 32km, chảy qua 8 xã của 3 huyện thuộc tỉnh Quảng Ngãi, thế nhưng chỉ đoạn dòng sông chuẩn bị đổ ra cửa biển Mỹ Á, thuộc xã Phổ Quang, huyện Đức Phổ, thì mới có nhiều rồng đất.
“Có lẽ thiên nhiên muốn bù đắp lại phần nào thiệt thòi cho người dân ở nơi mà 8 phần cát mới được 1 phần đất thịt, nên đã ban tặng cho loài vật này” - cư dân địa phương lý giải.
Hơn chục năm trước, rồng đất đã được người dân ở đây đào về chế biến làm thức ăn, hoặc làm mồi để câu cá.
“Nói về bổ dưỡng, thì ở núi có nhân sâm, ở đảo Lý Sơn có hải sâm, còn ở Phổ Quang này có rồng đất” - một thầy thuốc đông y ở địa phương khẳng định. Cả ngày đi làm quần quật, tối về thấy người mỏi mệt, chỉ cần làm bát cháo rồng đất là khỏe ngay.
Rồng đất - con vật mang lại nguồn thu nhập khá cho người dân Phổ Quang
Nghề “đào ra tiền”
Để bắt được rồng đất thì chỉ cần dụng cụ duy nhất là cây cuốc. Trước đây, muốn bắt được loại trùn này, người dân chờ khi nào sông cạn phơi đáy thì ra đào. Thế nhưng 4-5 năm lại đây, khi rồng đất bắt đầu có giá, một số người đã nghĩ ra cách lặn để đào bắt.
“Mỗi ngày, tôi lặn khoảng 8 tiếng bắt được từ 12-18kg. Nhiều hôm chỉ sau 5 giờ lặn bắt được trên 20kg, thu về hơn 1 triệu đồng/ngày”. Anh Nguyễn Ngọc Tân |
Anh Nguyễn Ngọc Tân (18 tuổi, thôn Hải Tân), một trong số ít “cao thủ” bắt loại trùn này, cho biết: “Không cần chờ nước cạn. Nước ngập vẫn bắt được như thường. Cầm cuốc lặn xuống đáy sông mà đào”.
Theo Tân, việc lặn đào, bắt dễ dàng hơn nhiều so với khi nước cạn. Bởi lẽ nếu trên cạn phải đào sâu theo hang của trùn đến 40-50cm và phải luôn khom người để đào nên rất đau lưng; trong khi đó nếu lặn thì chỉ cần đào sâu từ miệng hang xuống từ 10-20cm là có thể bắt được.
Mặt khác việc lặn đào thì có thể làm bất cứ lúc nào trong ngày, chứ không phải phụ thuộc vào con nước. Tất nhiên, không phải ai biết lặn thì cũng có thể lặn đào được trùn. Tân giải thích: Tuy mực nước lặn chỉ sâu từ 1-2m, thế nhưng do lực cản của nước và người lặn không có điểm tựa nên đào rất khó. Mặt khác nếu không biết cách sẽ không thể bắt được, hoặc đào làm đứt cả thân trùn. Đào xong mà không nhanh tay chộp lấy thì trùn sẽ thụt xuống sâu hơn...
Ngoại trừ những ngày mưa bão, nước lớn và đục, còn lại trong năm, lúc nào người dân Phổ Quang cũng có thể đi bắt rồng đất. 5-7 năm trước, rồng đất bắt về nếu muốn bán thì phải xẻ ra phơi khô, tuy nhiên giá rất thấp.
Anh Nguyễn Xuân Quang (42 tuổi, ở Hải Tân) cho biết: Cứ 10-12kg trùn tươi mới được 1kg khô. Trước kia chỉ bán được khoảng 40.000-60.000 đồng/kg khô.
Thế nhưng, 4 năm lại đây, 1kg trùn tươi đã có giá 60.000 đồng. Số trùn tươi đào được để tại nhà sẽ có người đến tận nơi mua. Mỗi ngày, một người đào từ 4-6 giờ có thể thu nhập từ 100.000 - 300.000 đồng. Riêng với số lặn bắt thì thu nhập cao hơn từ 4-10 lần.
Anh Tân không giấu giếm: “Mỗi ngày, tôi lặn khoảng 8 tiếng bắt được từ 12-18kg. Nhiều hôm chỉ sau 5 giờ lặn bắt được trên 20kg, thu về hơn 1 triệu đồng/ngày”. Tính ra vào mùa nắng, thu nhập từ rồng đất của những thợ lặn như Tân không dưới 15 triệu đồng/tháng.