Bát nháo kit test COVID-19, máy thở… trên chợ online
Nhiều cá nhân kinh doanh lợi dụng sàn thương mại điện tử, kênh bán hàng online để buôn bán hàng dỏm, hàng nhái, hàng lậu trốn thuế. Thậm chí có đối tượng còn sử dụng thông tin cá nhân khách hàng để chiếm đoạt tài sản, lừa đảo.
Thay đổi thường xuyên vị trí các kho hàng, nhanh chóng xóa dấu vết sau khi bán hàng livestream, chuyển hàng qua dịch vụ chuyển phát thu tiền mặt… là những chiêu trò mà các đối tượng kinh doanh hàng lậu, hàng giả trên mạng xã hội và sàn thương mại điện tử (TMĐT) thực hiện. Mục tiêu để lừa khách hàng, qua mặt cơ quan chức năng và trốn thuế.
Lợi dụng dịch, bán thiết bị y tế trôi nổi
Lợi dụng tình hình dịch COVID-19 diễn biến phức tạp, nhiều cá nhân đang rao bán tràn lan trang thiết bị y tế và hàng hóa liên quan đến phòng chống dịch bệnh trên các trang mạng xã hội. Không khó để tìm thấy những thông tin bán kit test nhanh COVID-19, máy thở, các loại thiết bị đo nồng độ ôxy trong máu (SpO2) với giá rất thấp, chỉ từ vài chục ngàn đến vài triệu đồng.
Trong vai khách hàng, chúng tôi nhắn tin hỏi mua bộ kit test nhanh COVID-19 thì được một chủ tài khoản Facebook báo giá 120.000-300.000 đồng/bộ kit, nếu mua nguyên hộp giá 500.000-1 triệu đồng/bộ/năm kit. Chủ tài khoản này còn cho biết với hàng Trung Quốc giá sẽ rẻ hơn, khoảng 120.000 đồng/kit; còn hàng Hàn Quốc 200.000-300.000 đồng/kit. Riêng hàng xách tay từ Đức, Nhật giá cao hơn.
“Có hình ảnh hướng dẫn sử dụng rất dễ làm, sau khi lấy mẫu, em chờ khoảng 15 phút là có kết quả chính xác. Một vạch âm tính, hai vạch dương tính…” - chủ tài khoản này giới thiệu. Thế nhưng khi chúng tôi hỏi kit có hóa đơn, chứng từ chứng minh nguồn gốc, xuất xứ và có chứng nhận của Bộ Y tế hay không thì chủ tài khoản thừa nhận đây là hàng xách tay nên giá mới rẻ.
Thời gian gần đây, cơ quan quản lý thị trường liên tục phát hiện số lượng lớn các bộ kit test nhanh COVID-19, máy thở, các loại thuốc điều trị COVID-19… được nhập lậu vào Việt Nam rồi rao bán bát nháo trên mạng. Các sản phẩm này đa dạng và phần lớn được thẩm lậu vào nội địa qua đường xách tay. Đơn cử mới đây lực lượng quản lý thị trường TP Hà Nội, TP.HCM thu giữ hàng ngàn bộ kit test nhanh COVID-19, hộp thuốc điều trị COVID-19 không rõ chất lượng, không có hóa đơn, chứng từ.
Để qua mắt lực lượng chức năng, các đối tượng thường lợi dụng mạng xã hội làm nơi buôn bán. Từ thực tế trên, Tổng cục Quản lý thị trường khuyến cáo người tiêu dùng hết sức lưu ý khi mua sản phẩm này, đặc biệt phải kiểm tra rõ ràng thông tin nguồn gốc sản phẩm và phải được cấp phép của Bộ Y tế.
Lực lượng chức năng tỉnh Quảng Bình phát hiện, thu giữ 1.000 bộ kit test nhanh COVID-19 không rõ nguồn gốc. Ảnh: QLTT
Tiền mất tật mang
Đại diện Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng cho biết thời gian gần đây đã nhận được rất nhiều cuộc gọi, đơn thư phản ánh về việc bị một số đối tượng lừa gạt khi thực hiện giao dịch mua sắm trên mạng lẫn các gian hàng TMĐT. Đáng lo ngại là người tiêu dùng không chỉ mua phải hàng giả, hàng nhái mà còn bị lấy thông tin cá nhân, bị chiếm đoạt tài sản...
Đơn cử trường hợp anh TA (TP.HCM) đặt mua một đôi giày trên gian hàng của một sàn TMĐT. Khi đơn hàng đã đặt chưa giao cho anh thì có một đơn vị khác lợi dụng thông tin cá nhân của anh để giao cho anh đơn hàng với đúng địa chỉ, đúng tên người nhận và cùng giá trị.
Anh TA không biết việc này và tin tưởng rằng đây là đơn hàng của mình nên đã nhận hàng và thanh toán tiền. Khi bóc kiện hàng ra, anh phát hiện đôi giày không đúng với quy cách, chất lượng mà anh đã đặt. Ngay lập tức anh liên hệ với bên giao hàng để trả lại thì không được đồng ý, đồng thời khi liên hệ với gian hàng thì bị chặn số. Anh đã phản ánh với sàn TMĐT và kiểm tra tiến độ đơn hàng của mình thì thấy đơn hàng đã bị hủy.
Đại diện một công ty chuyên kinh doanh hàng hiệu tại TP.HCM cho rằng đáng lo nhất là các mặt hàng dược phẩm, y tế, sản phẩm hỗ trợ điều trị COVID-19 dỏm hoặc nhái thương hiệu bán tràn lan trên mạng. Người tiêu dùng mua và sử dụng trực tiếp sẽ rất nguy hiểm đối với sức khỏe, thậm chí tiền mất tật mang. Nhưng khi khách phản ánh thì không thể liên lạc với người bán vì tất cả thông tin địa chỉ cửa hàng, số điện thoại… đều không đúng, trang Facebook biến mất.
Cơ quan quản lý thị trường liên tục phát hiện số lượng lớn các bộ kit test nhanh COVID-19, máy thở, các loại thuốc điều trị COVID-19… được nhập lậu vào Việt Nam. Trong ảnh: Lực lượng quản lý thị trường TP.HCM phối hợp với cơ quan chức năng vừa phát hiện và thu giữ 450 máy đo nồng độ ôxy trong máu nhập lậu. Ảnh: TL
Gỡ bỏ ngay sản phẩm dỏm, không rõ nguồn gốc
Cục TMĐT và Kinh tế số (Bộ Công Thương) cho biết đã có văn bản yêu cầu các sàn TMĐT rà soát và gỡ bỏ những sản phẩm hỗ trợ điều trị COVID-19 tại nhà như các loại máy thở, các loại đo nồng độ ôxy trong máu SpO2... không rõ nguồn gốc, xuất xứ. Khi phát hiện phải có chế tài xử lý nghiêm đối với người bán, gian hàng vi phạm.
Trao đổi với Pháp Luật TP.HCM về vấn đề này, nhiều sàn TMĐT khẳng định chỉ chấp nhận cho lên sàn những sản phẩm được cung cấp bởi người bán hoặc nhà phân phối được ủy quyền, hoặc phải có giấy chứng nhận xuất xứ sản phẩm. Thậm chí có sàn TMĐT cam kết bồi thường hơn 100% giá trị nếu khách hàng mua phải hàng vi phạm, sao chép bản quyền, đồng thời khóa sản phẩm vĩnh viễn của gian hàng này tại sàn.
Đại diện Tiki khẳng định trước khi được phép đăng bán sản phẩm trên sàn, người bán cần định danh gian hàng, cung cấp đầy đủ các chứng từ chứng minh nguồn gốc, xuất xứ của hàng hóa. Đơn vị này còn có hệ thống và các bộ phận chuyên môn để kiểm duyệt sản phẩm cả về nội dung, hình ảnh và xuất xứ hàng hóa để đảm bảo chất lượng sản phẩm đầu vào. Đồng thời áp dụng các chế tài nghiêm khắc đối với những nhà bán hàng có dấu hiệu gian lận.
Thực tế cho thấy dù các sàn TMĐT tại Việt Nam có áp dụng một số biện pháp nhưng vẫn chưa ngăn chặn được tình trạng rao bán hàng gian, hàng giả, hàng kém chất lượng. Theo ông Nguyễn Ngọc Dũng, Phó Chủ tịch Hiệp hội TMĐT Việt Nam (VECOM), để tránh tình trạng người dùng mua phải hàng giả, hàng kém chất lượng, cần phải tăng cường trách nhiệm của chủ sở hữu các sàn giao dịch TMĐT. Đồng thời cần khuyến khích người tiêu dùng thanh toán online khi mua hàng qua sàn TMĐT. Các thông tin giao dịch này sẽ được chủ sàn quản lý và có thể cung cấp thông tin cho cơ quan chức năng khi cần thiết.
“Ngoài ra, có tình trạng các đơn vị kinh doanh quy mô lớn cũng núp dưới mác hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh nhỏ để né thuế, bán hàng không rõ nguồn gốc. Nếu các sàn nắm được thông tin cá nhân kinh doanh để cung cấp cho cơ quan thuế sẽ loại bỏ kiểu núp bóng này” - ông Dũng nói.
Cảnh giác với máy thở, đo SpO2... tại nhà giá bèo
Theo Tổng cục Quản lý thị trường, các đối tượng thường tiến hành giao dịch mua bán trên trang TMĐT, các nền tảng ứng dụng như website tự lập, Zalo, Viber, Facebook, YouTube… Họ đăng ký thông tin không chính xác khiến tình hình kinh doanh hàng lậu, hàng giả, kém chất lượng, không đảm bảo an toàn thực phẩm ngày càng thêm phức tạp.
Còn theo Cục TMĐT và Kinh tế số (Bộ Công Thương), thời gian qua, trên một số sàn, nhiều đối tượng lợi dụng tình hình dịch bệnh tung ra quảng cáo bán các thiết bị hỗ trợ trong việc điều trị COVID-19 tại nhà. Các thiết bị này bao gồm các loại máy thở, các loại thuốc, các loại máy đo nồng độ ôxy trong máu SpO2… được bán với giá rất bèo, chỉ từ vài chục ngàn đến vài triệu đồng.
Tuy nhiên, các sản phẩm này chủ yếu là sản phẩm kém chất lượng, trôi nổi, không rõ nguồn gốc, xuất xứ và không được cơ quan có thẩm quyền cấp phép, đánh giá chất lượng. “Các máy đo này có thể cho chỉ số sai, gây hoang mang cho người sử dụng” - văn bản của cục nêu rõ.
Phản ánh trên các mạng xã hội và một số cơ quan chuyên môn cũng cho thấy hầu hết thiết bị đo SpO2 với giá dưới 300.000 đồng đều nhận phản hồi tiêu cực về chất lượng và bị đánh giá rất thấp. Người sử dụng những mặt hàng kém chất lượng này rất nguy hiểm khi tin theo những chỉ số báo trên máy không chính xác. Tuy nhiên, khi người tiêu dùng yêu cầu đổi, trả thì nhà bán hàng không đồng ý.
Sáng 01/9, Tổng cục QLTT cho biết, 1.000 bộ kit test nhanh COVID-19 có dấu hiệu nhập lậu vừa được lực lượng chức năng tỉnh...
Nguồn: [Link nguồn]