Bát nháo chợ tân dược lớn nhất nước: Mua gì cũng bán

Sự kiện: Kinh tế toàn cảnh

Thuốc là hàng hóa đặc biệt liên quan sức khỏe con người, nhưng tại Trung tâm Dược phẩm Tô Hiến Thành ở quận 10, TPHCM hoạt động mua bán bát nháo như với mớ rau, con cá ngoài chợ, không theo quy chuẩn bảo quản và lưu hành. Tại chợ thuốc sỉ này, chúng tôi dễ dàng mua được các loại thuốc theo yêu cầu, không cần toa của bác sĩ, từ kháng sinh tới thuốc cấm.

Bên trong chợ thuốc cũng là bãi để xe. Ảnh: Uyên Phương

Bên trong chợ thuốc cũng là bãi để xe. Ảnh: Uyên Phương

Bán cả thuốc cấm

Trung tâm Thương mại dược phẩm và trang thiết bị y tế thuộc Công ty Cổ phần Thương mại dịch vụ Tổng hợp Mười (134/1 Tô Hiến Thành, P.15, Q.10, TPHCM) được biết đến như một địa điểm kinh doanh thuốc tây nổi tiếng nhất ở Sài Gòn và cả nước. Chợ hình thành năm 2007 trên diện tích gần 15.000m2, gồm nhiều khu với 280 quầy thuốc của 147 công ty kinh doanh dược phẩm, 6 công ty kinh doanh dụng cụ y tế và đơn vị buôn bán, thực phẩm chức năng, giải quyết việc làm cho khoảng 2.000 người. Với hàng ngàn lượt giao dịch mỗi ngày từ sáng sớm đến chiều muộn. 

Trưa 10/3, chúng tôi có mặt tại chợ thuốc; các quầy thuốc có diện tích chừng 30m2, nằm sát cạnh nhau, ở nhiều lối đi, thuốc chất thành đống, bày la liệt. “Nhiều quầy chỉ bày ra vài ba mẫu thuốc nhưng có thể đáp ứng bất kỳ yêu cầu nào của khách, bất kể số lượng, bất kể thuốc cấm”, H., một người chuyên mua thuốc tại chợ, nói.

Tại các nhà thuốc, từng thùng thuốc được xếp chật kín từ ngoài cửa vào trong kho. Nhiều thùng thuốc đã được khui sẵn, bên trong đủ các loại thuốc từ thuốc bao tử, thuốc trị đau nhức, tới thuốc bổ, vitamin…, mặc cho nắng chiếu rọi.

Thuốc Clomiphene (clomid) có tác dụng kích trứng, được dùng để điều trị hiếm muộn. Dù không có toa thuốc của bác sĩ nhưng khi nhắc đến tên thuốc, tôi vẫn dễ dàng mua được. Một người bán thuốc ở quầy hàng lô L. nói: “Có hàng nhưng không phải của công ty mà là thuốc ngoại. Giá 230.000 đồng/hộp. Thuốc này tôi không biết gì hết, chỉ bán thôi vì thật sự ở chợ không có loại hàng này. Thuốc này không có hướng dẫn tiếng Việt, không hướng dẫn sử dụng. Chịu uống thì mua”. Clomiphene có tác dụng kích thích buồng trứng, hỗ trợ sinh sản cho phụ nữ nhưng cũng làm cho nam giới bị mất cân bằng hormone. Điều này dẫn đến hậu quả là số lượng và chất lượng tinh trùng giảm. Đây là thuốc kê đơn, phải có sự hướng dẫn của bác sĩ chuyên khoa khi muốn sử dụng.

Với thuốc Timolol trị bướu máu trẻ em, chúng tôi cũng dễ dàng mua được với số lượng không giới hạn. “Hàng trong nước giá 30.000 đồng/hộp, hàng Bỉ giá 46.000 đồng/hộp”, người bán hàng nói. Chị P. (ngụ Q.Bình Tân, TPHCM) thì thầm: “Thuốc này tôi đi hầu hết các tiệm thuốc Tây ở Sài Gòn mua cho người nhà dùng nhưng đều không có, chỉ có ở Trung tâm U máu của Bệnh viện Đại học Y dược TPHCM nhưng bác sĩ kê toa mới mua được thuốc. Từ khi biết chợ thuốc có sản phẩm, tôi đều ra đây mua”.

Tại lô D, khi hỏi thuốc gây tê, nhân viên giới thiệu có loại Lidocaine và Emla. “Thuốc Lidocaine có hai loại bôi và tiêm tĩnh mạch, có giá tầm 200.000 đồng/lọ. Còn Emla là thuốc bôi, xoa, giá bán là 45.000 đồng/tuýp. Mấy hàng này các tiệm tattoo, xăm thẩm mỹ mua nhiều lắm. Đồng ý mua mới lấy hàng chứ không có sẵn”, nữ nhân viên nói. Khi chúng tôi hỏi về hóa đơn, cô bảo chỉ có hóa đơn bán lẻ, không có hóa đơn VAT.

Lidocaine là một loại thuốc gây tê cục bộ, chủ yếu được sử dụng để điều trị nhịp tim và gây tê thần kinh; phản ứng không mong muốn khi tiêm tĩnh mạch gồm buồn ngủ, co giật, nhầm lẫn, thay đổi thị lực, tê, ngứa, nôn mửa; thuốc có thể làm giảm huyết áp và làm loạn nhịp tim. Emla là thuốc gây tê tại chỗ với thành phần chính là lidocaine và prilocaine, có tác dụng gây tê tại da, sử dụng trong các tiểu phẫu cạn hoặc nhỏ; hoặc có thể dùng để xoa lên bề mặt dương vật nhằm chống xuất tinh sớm.

Ở một số quầy trong chợ, nhiều mặt hàng lẽ ra phải bán theo quy định thì ai mua cũng bán. Khi chúng tôi nói đang cần những loại thuốc ngăn ngừa mỡ trong máu, ngừa tai biến do cao huyết áp, nhân viên bán hàng mau mắn lấy ra 6 - 7 hộp. Tất cả những mặt hàng này đều do Ấn Độ sản xuất và có loại, chúng tôi không thấy số visa. (số đăng ký lưu hành do Cục Quản lý Dược Việt Nam cấp) in trên hộp.

Mô hình “lạ nhất thế giới”

Một chuyên gia về dược nói rằng, đối với các quầy hàng trong chợ tham gia bán buôn thuốc, phải đạt GDP (Good Distribution Practices), tức là tiêu chuẩn thực hành tốt phân phối thuốc. Theo luật, phải qua bước thẩm định đã đạt chuẩn mới được kinh doanh trong chợ. 

“Vấn đề quan trọng là sau khi thanh kiểm tra sau cấp phép thế nào. Sở Y tế chỉ có tổng cộng 5 thanh tra viên dược, trong khi thành phố có 6.500 nhà thuốc, chưa kể 2.000-3.000 công ty phân phối. Như vậy, làm sao bảo đảm thanh kiểm tra tốt được”, vị chuyên gia đặt vấn đề. Ở các nước, họ nhờ vào hội nghề nghiệp tự giám sát lẫn nhau, thậm chí tước chứng chỉ hành nghề nếu phát hiện sai phạm. Còn tại Việt Nam, số lượng thanh tra Sở Y tế rất ít. Hộ kinh doanh cá thể, nhà thuốc do các phòng y tế quận, huyện mỗi năm kiểm tra liên ngành 1-2 lần, nhưng lần nào cũng có kết quả tốt. Theo vị chuyên gia, khi kiểm tra, phải kiểm tra việc bán hàng đúng quy chế, thuốc kê đơn phải có đơn bác sĩ, các thuốc khác phải có nguồn gốc, hóa đơn, chứng từ để tránh tình trạng một số trình dược viên tuồn thuốc giả vào. “Nếu không kiểm soát tốt thì không riêng gì thuốc, mà bất cứ hàng gì cũng có thể tuồn đồ giả vào”, vị này nói.

Vậy có nên dẹp chợ thuốc? Vị chuyên gia nhận định, nếu bớt được tầng nấc trung gian này thì sẽ giảm được chi phí trong khâu phân phối, nhưng chúng ta không thể cấm được. Hơn nữa, khi tập trung vào một khu thì dễ kiểm soát hơn. Công ty Cổ phần Thương mại dịch vụ tổng hợp Mười chỉ cho thuê quầy hàng, chứ thực tế không có quyền kiểm tra chuyên môn với từng gian hàng. 

Do vậy, cần sự vào cuộc của quản lý thị trường, Ban quản lý An toàn thực phẩm TPHCM ở lĩnh vực thực phẩm chức năng. Sắp tới, Ban An toàn thực phẩm sẽ phối hợp Sở Y tế TPHCM kết hợp kiểm tra các nhà thuốc. Vị chuyên gia cho rằng, không nên trông chờ vào thanh tra mà cần phát huy vai trò của hội nghề nghiệp. Cơ chế kiểm tra liên ngành ở các quận, huyện rất khó vì thiếu chuyên môn; các sở, ngành đều rất ít thanh tra. Đồng thời, người dân cần quan tâm tới sức khỏe, thuốc là phải có đơn bác sĩ, không nên tự mua tự uống. Đối với các nhà thuốc, phải tăng cường thanh kiểm tra về nguồn gốc thuốc, tất cả thuốc phải có hóa đơn, chứng từ; người mua thuốc cũng phải yêu cầu hóa đơn để sau này có chuyện gì còn khiếu nại.

Bên hông chợ nhiều thùng thuốc phơi nắng

Bên hông chợ nhiều thùng thuốc phơi nắng

Theo nhiều chuyên gia lĩnh vực dược, chợ sỉ thuốc tây ở TPHCM là mô hình “lạ nhất thế giới”, bởi tại những quốc gia khác, thuốc được các tập đoàn sản xuất dược phẩm phân phối thẳng về các bệnh viện, hiệu thuốc, căn cứ vào hợp đồng đã ký giữa đôi bên, chứ không qua trung gian, hoặc nếu có thì chỉ có những công ty con của tập đoàn - chuyên về môi giới hay bán buôn.

Còn ở chợ sỉ thuốc tây Tô Hiến Thành có hơn 300 nhà cung cấp, bao gồm các tập đoàn dược phẩm đa quốc gia của Anh, Mỹ, Pháp, Đức, Ấn Độ, Hàn Quốc, Thái Lan.... (trong đó 3 nhà phân phối sỉ lớn tại Việt Nam là Zuellig Pharma Thụy Sĩ, Mega Products Thái Lan, Diethelm Vietnam nắm giữ khoảng 40% thị phần), cùng hơn 800 nhà phân phối trong nước (cả quốc doanh lẫn tư nhân). Thông qua các quầy thuốc ở chợ, họ đưa thuốc đến các nhà thuốc, bệnh viện, phòng mạch tư, mà không phải người nào đứng ra kinh doanh quầy thuốc cũng là dược sĩ.

“Nếu tất cả mọi người cùng tuân thủ thì việc có chợ sỉ hay không đều không ảnh hưởng gì, nhưng khi có người muốn làm thuốc giả, thuốc lậu thì sẽ dễ dàng phân phối hơn nếu có thêm chợ sỉ. Đây là điều kiện đủ. Nếu không ai có nhu cầu mua thuốc giả, thuốc lậu thì không có gì để nói. Nhưng nếu có người mua bán thuốc lậu, có người muốn làm giả thuốc của người khác, sản xuất 100 chai nhưng đăng ký chỉ 10 chai, số còn lại bán ra ngoài thị trường không có hóa đơn chứng từ thì chợ sỉ là nơi thuận tiện nhất, dễ dàng nhất, khó bị phát hiện nhất cho việc làm gian dối này”, một chuyên gia trong lĩnh vực kinh tế y tế nói.

Một chuyên gia lĩnh vực dược cho rằng, ngoài tạo cơ hội cho thuốc không nguồn gốc, thuốc giả lưu thông ra thị trường, chợ thuốc như hiện nay còn là nguyên nhân hàng đầu khiến cho giá thuốc hỗn loạn. Bên cạnh đó, thuốc kém chất lượng do nguyên liệu kém, sản xuất lỗi hoặc thuốc sản xuất lô nhỏ cũng có thể “biến hóa” ở chợ thuốc.

Nguồn: [Link nguồn]

Quán ăn hầm đi hầm lại nồi thịt bò gần nửa thế kỷ hút hàng dài khách chờ mua

Tại quán bún bò ở Bangkok này, bạn có thể gọi một tô bánh canh có tuổi đời hơn 40 năm.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Uyên Phương ([Tên nguồn])
Kinh tế toàn cảnh Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN