Bất ngờ hóa đơn tiền điện cao vọt gấp 3, người dân sốc, điện lực nói gì?

Hóa đơn tiền điện tăng cao, thị trường ô tô sôi động trở lại, lợn Thái Lan đổ bộ làm hạ nhiệt giá thịt lợn,… là hàng loạt thông tin thị trường đáng chú ý tuần qua.

Hóa đơn tiền điện nhiều gia đình tăng cao

Trong kì thanh toán tiền điện tháng 6, nhiều hộ dân ở Hà Nội rất sốc khi nhận thông báo tiền điện từ các công ty điện lực. Nhiều người dân ở huyện Thanh Trì, quận Hoàng Mai phản ánh tiền điện tăng gấp đôi, gấp ba lần so với tháng trước. Kèm theo thông báo về tiền điện, EVN còn gửi thêm tin nhắn để thông báo điện năng tiêu thụ tăng cao hơn 30% so với tháng trước tới khách hàng.

Nắng nóng kéo dài khiến hóa đơn tiền điện tăng cao

Nắng nóng kéo dài khiến hóa đơn tiền điện tăng cao

Trước phản ánh trong kỳ thanh toán tháng 6 tiền điện tăng gấp 3 lần so với tháng trước, đại diện Tổng Công ty Điện lực Thành phố Hà Nội (EVN HaNoi) cho biết: "Kỳ hóa đơn tiền điện tháng 6/2020 bao gồm cả những ngày nắng nóng gay gắt của tháng 5 và đợt nắng nóng kéo dài đầu tháng 6 (từ 1/6 đến 12/6)".

“Vì thế, nếu khách hàng có kỳ ghi chỉ số từ ngày 16/5/2020 đến ngày 15/6/2020, thì khả năng hóa đơn tiền điện tăng cao, thậm chí tăng gấp đôi, gấp ba là điều rất có thể xảy ra. Bởi nắng nóng, hầu như gia đình nào cũng sử dụng điều hòa nhiệt độ - “thủ phạm” chính làm cho hóa đơn tiền điện tăng cao”, Điện lực Hà Nội lý giải.

Loạt xe ô tô giảm giá hàng trăm triệu đồng, khách hàng tích cực rút hầu bao

Theo số liệu thống kê của Hiệp hội các nhà sản xuất ô tô Việt Nam (VAMA) vừa công bố, trong tháng 5 vừa qua, các đơn vị thành viên VAMA tiêu thụ tổng cộng 19.081 xe các loại, tăng 62% so với tháng 4/2020. Trong tổng doanh số bán hàng trên có 13.009 xe du lịch, tăng 67%; 5.810 xe thương mại, tăng 69%; và 262 xe chuyên dụng, giảm 16% so với tháng trước.

Xét theo nguồn gốc xuất xứ: doanh số bán của xe sản xuất lắp ráp trong nước đạt 11.095 xe, tăng 50%; số lượng xe nhập khẩu nguyên chiếc là 7.986 xe, tăng 83% so với tháng trước.

Nhiều hãng ô tô vẫn giảm giá mạnh để kích cầu

Nhiều hãng ô tô vẫn giảm giá mạnh để kích cầu

Lý giải động lực giúp thị trường ô tô Việt Nam bật tăng mạnh trong tháng 5 vừa qua, giới chuyên môn cho rằng, một phần nguyên nhân chính là từ cuối tháng 4 Việt Nam không còn thực hiện giãn cách xã hội do dịch Covid-19 nên giúp hoạt động mua bán xe sôi động trở lại. Cùng với đó, nhiều hãng xe cũng liên tiếp tung ra các chương trình ưu đãi, khuyến mãi, giảm giá hoặc hỗ trợ phí trước bạ hay tặng quà giá trị cho khách mua xe để kích cầu, nhờ đó doanh số bán hàng đã được cải thiện.

Đáng chú ý, Honda giảm khoảng 150 triệu đồng cho khách hàng mua CR-V. Hay Hyundai SantaFe cũng được ưu đãi khoảng 100 triệu đồng, tùy từng model.

Lợn Thái Lan đổ bộ, giá lợn hơi bất ngờ giảm

Theo thống kê, chỉ trong một tuần qua giá lợn hơi đã giảm tới hơn 10.000 đồng/kg. Đà giảm giá heo bắt đầu từ khi có thông tin nhập khẩu heo sống từ Thái Lan vào Việt Nam phục vụ nhu cầu thịt nóng của người dân.

Ông Nguyễn Văn Trọng, Phó Cục trưởng Cục Chăn nuôi, thông tin đã có rất nhiều công ty đăng ký nhập khẩu heo sống từ Thái Lan vào Việt Nam. Trong đó, có công ty đăng ký tới 100.000-200.000 con. Tính đến nay các doanh nghiệp đã đăng ký nhập khẩu khoảng 1 triệu con lợn sống, việc này góp phần tăng nguồn cung thịt lợn cho thị trường trong thời gian tới.

Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Phùng Đức Tiến đánh giá thời gian tới giá heo sẽ còn tiếp tục xuống. Nguyên nhân là vì nguồn cung đàn heo trong nước đã đạt 24,89 triệu con, bằng 80,3% tổng đàn trước khi có dịch tả heo châu Phi. Và từ tháng 6-2020 đã bắt đầu có thịt heo tái đàn. “Bên cạnh đó, thịt heo đông lạnh nhập khẩu đã nhập được khoảng 70.000 tấn, giờ nhập thêm heo sống thì chắc chắn giá heo trong nước không thể bán với giá cao như vừa rồi” - ông Tiến nhấn mạnh.

Nhiều người kỳ vọng mức giá này sẽ còn tiếp tục giảm trong thời gian tới khi heo Thái Lan ồ ạt nhập khẩu vào Việt Nam.

Hàng cây được Hà Nội lắp 40 camera chống trộm và "áo giáp sắt" bảo vệ

Để thực hiện dự án cầu vượt nút giao đường Hoàng Quốc Việt – Nguyễn Văn Huyên (Cầu Giấy – Hà Nội), đơn vị thi công đã dịch chuyển hàng sưa đỏ lùi vào trong. Theo đó, 34 cây sưa được cắt tỉa theo kế hoạch rồi trồng thành hàng, cứ 3 mét lại có một cây. Để bảo vệ hàng cây này, chính quyền địa phương phối hợp với đơn vị thi công đã xây dựng hệ thống rào chắn kiên cố xung quanh gốc cây và cài đặt hơn 40 camera đề phòng trộm cắp.

Hàng cây được bảo vệ nghiêm ngặt

Hàng cây được bảo vệ nghiêm ngặt

Hơn 30 cây sưa trồng trên đường Nguyễn Văn Huyên kéo dài được xếp vào loại sưa đỏ non, tuy giá trị kinh tế không được xếp vào hàng “khủng” nhưng so sánh với các cây cảnh thông thường ở Hà Nội như: Bằng lăng; phượng; muồng hoàng yến… cây sưa có giá trị hơn hẳn nên cần hệ thống bảo vệ, hạn chế tối đa khả năng trộm cắp.

Các khâu lắp đặt hệ thống báo vệ được thực hiện trong gần 2 tháng đến nay đã gần hoàn thiện, mang đến một diện mạo hoàn toàn mới.

Người Hà Nội đổ xô đi chụp ảnh sen, chủ đầm hốt bạc

Đến hẹn lại lên, từ cuối tháng 5 đến giữa tháng 6 hàng năm, các đầm sen ở Tây Hồ (Hà Nội) lại tất nập người tới chụp ảnh, thưởng trà. Đây là dịp để các chủ đầm “hốt bạc” với hàng loạt dịch vụ liên quan như: bán vé cho khách chụp ảnh; cho thuê đồ; bán trà…Các đầm sen này đều chung giá vé vào cửa 50.000 đồng/người.

Vào những ngày cao điểm giữa tháng 6, đặc biệt các ngày cuối tuần, đầm sen ở Hồ Tây có lúc lên tới vài nghìn lượt khách ra vào mỗi ngày. Chỉ riêng bán vé vào cửa, chủ đầm ở đây đã dễ dàng kiếm được số tiền “khủng” trong thời gian ngắn.

Bên cạnh đó, khách vào đầm chụp ảnh thường sử dụng các dịch vụ khác như: Trang điểm (100.000 – 200.000 đồng/người); cho thuê quần áo (Khoảng 150.000 đồng/bộ); thuê phụ kiện tiểu cảnh chụp ảnh (20.000 đồng/người/lượt); bán trà…

Nguồn: [Link nguồn]

Chiêm ngưỡng cây sanh ”ngọa hổ tàng long” 30 tỷ đồng của đại gia Toàn đôla ở Phú Thọ

Cây sanh có dáng đầu hổ, mình rồng toát lên sự uy quyền, mạnh mẽ nên được đại gia Toàn đôla đặt tên là "ngọa...

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Sơn Ca ([Tên nguồn])
Kinh tế toàn cảnh Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN