Bất ngờ động thái của Bộ Công Thương về kinh doanh xăng dầu
Chỉ vài ngày sau khi trình dự thảo 1 Nghị định sửa đổi về kinh doanh xăng dầu, Bộ Công Thương tiếp tục có văn bản gửi Chính phủ trình bản dự thảo thứ 2 đề xuất sửa nhiều quy định liên quan đến kinh doanh xăng dầu. Tuy nhiên, doanh nghiệp cho rằng, dự thảo vẫn ''bình mới, rượu cũ' khi không sửa toàn diện các vấn đề.
Đề xuất 2 phương án tính giá
Trong dự thảo 2 gửi Thủ tướng, Bộ Công Thương diễn giải nhiều lý do bổ sung liên quan cơ chế điều hành giá xăng dầu và cho rằng với cơ chế hiện nay cơ quan quản lý phải thực hiện qua quá nhiều bước, doanh nghiệp không được chủ động trong quyết định giá bán lẻ trong hệ thống phân phối mà trông chờ vào giá cơ sở do cơ quan quản lý công bố. Bộ Công Thương cho rằng, việc điều hành giá chưa đảm bảo thực hiện theo cơ chế thị trường. Vì vậy, dự thảo mới quy định Nhà nước sẽ không tham gia vào quá trình điều hành giá nhưng công bố các yếu tố hình thành giá để doanh nghiệp tự quyết định.
Đáng chú ý, dự thảo mới đưa quy định định kỳ 7 ngày sẽ công bố giá thế giới bình quân (dự thảo 1 lấy bình quân 15 ngày) và cho phép đầu mối được cộng các khoản chi phí kinh doanh, lợi nhuận định mức để công bố giá bán ra thị trường. Tuy nhiên, giá bán ra của doanh nghiệp không được cao hơn mức giá được tính toán theo công thức của liên bộ. Điều này đồng nghĩa giá xăng dầu tiếp tục có thể giữ nguyên chu kỳ điều hành tính giá 7 ngày như hiện nay thay vì tính bình quân 15 ngày như dự thảo 1 đề xuất cách đây vài ngày.
Dự thảo mới đưa ra 2 phương án tính giá:
Phương án 1, chi phí kinh doanh, lợi nhuận định mức của doanh nghiệp được tính theo giá trị tuyệt đối. Tính toán của Bộ Công Thương cho thấy, hiện các khoản chi phí từ đầu vào, các khoản chi phí hoa hồng, chiết khấu đến khâu bán lẻ khoảng từ 1.800 - 2.500 đồng/lít.
Phương án 2, chi phí kinh doanh, lợi nhuận định mức của doanh nghiệp sẽ biến đổi theo tỷ lệ phần trăm theo biến động của giá xăng dầu thế giới. Theo đó chi phí, lợi nhuận tối đa của doanh nghiệp có thể sẽ dao động tới 20% khi giá thế giới ở mức 30 USD/thùng và giảm dần xuống chỉ còn 4% nếu giá thế giới lên tới 120 USD/thùng.
Trường hợp chi phí kinh doanh, lợi nhuận định mức của doanh nghiệp tăng, Bộ Công Thướng sẽ chủ trì, phối hợp với Bộ Tài chính và các cơ quan liên quan báo cáo Thủ tướng điều chỉnh.
Dự thảo Nghị định mới quy định, với địa bàn xa cảng, xa kho đầu mối, nếu có chi phí thực tế phát sinh tăng cao (đã được kiểm toán), đầu mối và thương nhân phân phối được quyết định giá bán tại địa bàn sau khi có báo cáo gửi Bộ Công Thương. Tuy nhiên, việc tăng giá không được vượt quá 2% giá bán tối đa theo quy định. “Các doanh nghiệp phải cạnh tranh về chi phí để chiếm lĩnh thị trường. Doanh nghiệp tính toán và được phép bán giá thấp hơn giá bán tối đa quy định”, dự thảo nêu rõ.
Theo các doanh nghiệp, việc tách bạch từng tầng lớp kinh doanh sẽ giúp cơ quan quản lý nắm tường tận hoạt động của doanh nghiệp.
Liên quan đến Quỹ Bình ổn giá, dự thảo mới của Bộ Công Thương cũng đưa ra thêm một số điều của Luật Giá để bảo vệ quan điểm duy trì quỹ. Theo đó, khi giá thế giới tăng liên tục trong 15 ngày, Bộ Công Thương sẽ có văn bản gửi Bộ Tài chính để báo cáo Thủ tướng xem xét việc trích lập, chi sử dụng theo quy định của Luật Giá.
Dự thảo mới cũng giữ quan điểm tiếp tục cho đầu mối được phép thuê kho chứa nhưng yêu cầu phải báo cáo định kỳ về tình hình sử dụng kho, đồng thời giao các Sở Công Thương kiểm tra, giám sát.
Cùng với đó, Bộ Công Thương đề xuất đẩy mạnh việc số hoá, kết nối dữ liệu kinh doanh xăng dầu giữa cơ quan quản lý và doanh nghiệp liên quan đến tổng nguồn, tiêu thụ, tồn kho… Dự thảo mới cũng bổ sung nội dung về kinh nghiệm tham gia thị trường của các đầu mối, thương nhân phân phối. Cụ thể, doanh nghiệp trong vòng 3 năm không bị cơ quan quản lý xử lý vi phạm, trong đó có việc tước giấy phép thì sẽ được cấp phép làm đầu mối.
Quy định mới nêu rõ: Đầu mối phải thực hiện tổng nguồn xăng dầu tối thiểu 100.000 m3, tấn xăng dầu/năm. Cụ thể, tổng nguồn thực hiện của đầu mối được tính tổng số xăng dầu nhập khẩu, mua từ nhà máy trong nước.
“Xăng dầu mua bán qua lại giữa các đầu mối không được tính vào tổng nguồn xăng dầu tối thiểu. Qua đó, góp phần lựa chọn được doanh nghiệp có năng lực thực sự trong kinh doanh xăng dầu làm đầu mối”, dự thảo nêu rõ. Dự thảo cũng nhấn mạnh quan điểm không cho thương nhân phân phối mua bán xăng dầu lẫn nhau.
Lo bình mới rượu cũ
Trao đổi với PV Tiền Phong, lãnh đạo một doanh nghiệp xăng dầu lớn ở phía Nam khẳng định, dự thảo lần 2 đã đưa thêm được một số quy định mới trong việc kiểm soát nguồn cung của các doanh nghiệp đầu mối thông qua việc cố định hạn mức thực hiện và có sự giám sát thông qua việc kết nối dữ liệu với cơ quan quản lý. Các quy định vẫn được xây dựng trong dự thảo vẫn thực hiện theo hướng ưu tiên cho các đầu mối mà bỏ qua những kiến nghị về những bất cập của các doanh nghiệp bán lẻ và thương nhân phân phối về việc phân chia định mức kinh doanh của từng tầng nấc cũng như xem xét lại vai trò độc quyền, thống lĩnh thị trường của Petrolimex, PVOil.
“Việc cơ quan soạn thảo cho rằng các thương nhân phân phối mua bán xăng dầu lẫn nhau gây khó khăn trong kiểm soát nguồn cung là nhận định cực kỳ bất lợi cho cả cộng đồng doanh nghiệp. Giai đoạn khủng hoảng nguồn cung năm 2022 và kết luận thanh tra của chính Bộ Công Thương sau đó cho thấy, chính đầu mối là những trường hợp làm rối loạn nguồn cung khi không đảm bảo nguồn nhập khẩu. Kết luận cũng chỉ rõ có một số đầu mối mua lại hàng của chính thương nhân phân phối. Vì vậy có thể thấy dự thảo vẫn mang tính lợi ích cho đầu mối rất lớn và gạt toàn bộ đóng góp của thương nhân phân phố”, vị này nhấn mạnh.
Tổng giám đốc một doanh nghiệp xăng dầu ở Hà Nội cũng cho rằng, dự thảo lần 2 dù có sửa đổi, bổ sung một số quy định nhưng không rõ ràng về việc tạo công bằng cạnh tranh cho từng tầng nấc kinh doanh. Theo vị tổng giám đốc này, cơ quan quản lý cần nêu rõ giá xăng dầu thế giới bình quân để làm căn cứ tính giá cơ sở cho các đầu mối được lấy từ nguồn nào...
“Nếu Bộ Công Thương không công bố việc tính giá tham chiếu cụ thể lấy từ nguồn nào để cộng đồng doanh nghiệp giám sát, sẽ tạo lỗ hổng rất lớn để đầu mối nhập rẻ về bán cao, và thu lợi từ chênh lệch nhập khẩu từ các thị trường. Khi đó, thị trường vẫn dễ bị các đầu mối lũng đoạn theo kiểu bình mới, rượu cũ”, vị này phân tích.
Nhiều loại trái cây mùa hè ở TPHCM chỉ có giá bằng... ly cà phê, từ 7.000 - 15.000 đồng/kg, trong đó cam sành là điển hình.
Nguồn: [Link nguồn]