Bất lực quản lý giá sữa

Lợi dụng Nghị định và Thông tư hướng dẫn thực hiện quản lý giá mới chưa được ban hành, trong khi các quy định cũ hết hiệu lực từ 1/1/2013, các doanh nghiệp sản xuất kinh doanh sữa nhập khẩu và sữa nội đang tìm mọi cách lách luật (đổi tên đăng ký là sản phẩm dinh dưỡng, thực phẩm bổ sung dinh dưỡng).

Đua nhau đổi tên sữa

Hai lần liên tiếp từ đầu năm đến nay, nhiều loại sữa bột đã được các doanh nghiệp điều chỉnh tăng giá bán với lý do nguyên liệu đầu vào tăng giá, cũng như thay đổi mẫu mã bao bì. Cùng với đó, tên gọi các sản phẩm sữa nhập khẩu của các doanh nghiệp cũng được đổi thành sản phẩm dinh dưỡng, thực phẩm bổ sung...

Điển hình nhất là, trên bao bì hộp Anfalac A+ cho trẻ từ 0-6 tháng tuổi hay Anfakid A+ cho trẻ từ 3 tuổi đều ghi là sản phẩm dinh dưỡng. Tương tự, sản phẩm Lactogen Gold 2 ghi là thức ăn công thức dinh dưỡng dành cho trẻ từ 6-12 tháng tuổi. Đối với sản phẩm Friso Gold cho trẻ từ 1-3 tuổi ghi là thực phẩm bổ sung.

Hãng sữa Dumex cũng đổi tên dưới dạng sản phẩm thực phẩm dinh dưỡng. Điều đáng nói, các sản phẩm này dù mang tên gọi mới, nhưng các thành phần cơ bản bên trong không thay đổi. Các doanh nghiệp cho rằng, việc đổi tên gọi nhằm phù hợp với khuyến cáo của Bộ Y tế và đã được Bộ Y tế cho phép.

Việc đổi tên gọi sản phẩm đối với sữa bột cho trẻ dưới 6 tuổi được các doanh nghiệp thực hiện đúng vào thời điểm Pháp lệnh Giá hết hiệu lực trong khi nghị định và thông tư hướng dẫn Luật Quản lý giá chưa được ban hành. Điều này cũng đồng nghĩa: Doanh nghiệp không phải thực hiện đăng ký giá với cơ quan quản lý và có thể điều chỉnh giá bán bất cứ khi nào nếu muốn.

Trao đổi với PV, một đại diện Cục Quản lý giá (Bộ Tài chính) cho biết, trước đây tất cả các hãng sữa đều dùng chung một từ là sữa bột công thức để in trên vỏ bao bì. Khi dùng khái niệm này, sữa đưa ra thị trường phải đáp ứng các tiêu chuẩn bao gồm: Sữa bột và các thành phần vitamin, độ đạm, protein... Nay dùng khái niệm sữa dinh dưỡng, thực phẩm bổ sung, bột dinh dưỡng…. thì ngay cả cơ quan quản lý giá cũng không rõ việc ghi nhãn này do nước ngoài quy định hay Bộ Y tế quy định.

Dễ dàng "qua mặt" cơ quan quản lý

Theo đại diện Cục Quản lý giá, từ khi áp dụng việc đăng ký giá, các doanh nghiệp rất sợ phải thực hiện đăng ký giá mỗi khi tăng giá bán. Nếu có đăng ký thì mức tăng giá bán rất ít và tần suất tăng giá cũng cách xa nhau.

Trong khi trước đây hầu như tháng nào cũng có hãng tăng giá bán sữa. Việc các hãng sữa đua nhau đổi tên gọi sản phẩm, do lợi nhuận của các doanh nghiệp cũng rất lớn.

Như trường hợp của sữa dê Danlait nhập khẩu mới đây, lợi nhuận lên tới gần 300%. Cũng có trường hợp, doanh nghiệp trong nước đạt được mức lợi nhuận mấy trăm phần trăm bằng cách sau khi sản xuất ra tìm cách “đẩy” sản phẩm vòng vèo qua các công ty thương mại trong cùng hệ thống để nâng giá bán lên. Những sản phẩm mang tính đặc thù, ít doanh nghiệp có khả năng sản xuất được, giá bán còn tăng vô tội vạ hơn, không kiểm soát nổi.

“Hiện, việc cấp phép thay đổi nhãn mác là do Bộ Y tế quản lý. Trong khi cơ quan quản lý giá chỉ quản về mặt hàng sữa nếu doanh nghiệp thay đổi mẫu mã. Riêng tên gọi ghi trên bao bì, cơ quan quản lý cũng đành chịu ngồi xem họ tăng giá, không can thiệp được”- Vị này thừa nhận.

Đại diện Cục Quản lý giá cũng cho biết, khi đăng ký với cơ quan quản lý, doanh nghiệp khai thực phẩm dinh dưỡng, nhưng khi quảng cáo trên truyền thông vẫn gọi là sữa bột.

Ngay trên các tờ khai hải quan, tất cả các hãng sữa nhập khẩu cũng đều thực hiện lách luật bằng cách đều ghi đăng ký với Bộ Y tế là thực phẩm dinh dưỡng bổ sung, nhưng có chữ “thực phẩm dinh dưỡng bổ sung: sữa bột”. Với cách ghi này, Hải quan vẫn phải cho thông quan vì doanh nghiệp kê khai theo đúng quy định của Bộ Y tế.

Bằng cách khai báo này, sản phẩm sẽ được đánh mã nhập khẩu khác và tránh được việc tăng giá và giá bán bao nhiêu, cơ quan quản lý không quản được.

“Giờ cơ quan quản lý gặp rất nhiều khó khăn do chưa có văn bản pháp lý để yêu cầu các doanh nghiệp phải đăng ký giá. Luật Quản lý giá đã có hiệu lực từ đầu 1/1/2013, nhưng Nghị định và các Thông tư hướng dẫn thực hiện đến nay vẫn chưa được ban hành. Trong khi Luật giá và Pháp lệnh giá đều đã hết hiệu lực nên giờ các hãng có tăng giá vô tội vạ cũng không có chế tài xử lý.

Theo thống kê từ đầu năm chỉ có Abbott thực hiện đăng ký giá còn các hãng khác chiếm thị phần sữa bột lớn ở Việt Nam như Dumex, Enfa, Mead Johnson… không ai đăng ký. Các hãng giờ “lịch sự” thì họ gửi thông báo tăng giá mức này, mức kia, nhưng cũng không cần chứng minh lý do”- Đại diện Cục Quản lý giá nói.

Theo PGS.TS Ngô Trí Long, các hãng sữa có yếu tố cấu thành của nước ngoài có nhiều cách tăng giá rất tinh vi như thay đổi nhãn mác, tên gọi..., thậm chí có hãng sữa đã đổi tên sữa tới 3 lần.

Ngoài ra, với việc thay đổi tên sản phẩm từ sữa bột sang “sản phẩm dinh dưỡng”, các doanh nghiệp sữa đã lách được việc kê khai và đăng ký giá khi điều chỉnh.

Bên cạnh đó, theo quy định, nếu mức giá tăng vượt “trần” 20% sẽ bị tuýt còi. Nhưng do đây là mặt hàng kinh doanh hoàn toàn theo cơ chế thị trường nên các hãng sữa có quyền chủ động đưa ra giá bán và chịu trách nhiệm với giá, miễn là mức tăng mỗi lần không quá 20% trong vòng 15 ngày liên tục.

Vì vậy để “lách” quy định này, các hãng sữa vô tư điều chỉnh tăng giá bán (miễn là mức tăng mỗi lần thấp hơn quy định).

Theo ông Long, về mặt luật, hiện đã có Luật Cạnh tranh, Luật Bảo vệ người tiêu dùng, chưa kể hàng loạt quy định về hạn chế mức chi phí quảng cáo, cấm quảng cáo sữa đối với trẻ em dưới 12 tháng tuổi... “Cục Quản lý giá cần phối hợp chặt chẽ hơn với Bộ Công thương và các bộ ngành liên quan khác siết chặt những quy định hiện hành, xử phạt, khống chế triệt để hành vi vi phạm quy định quảng cáo, liên kết tăng giá”- Ông Long kiến nghị.

Diễn biến giá sữa từ 2011-2013

* Từ 1/1/2011, Vinamilk tăng giá sữa bột các loại trung bình 12%. Đầu tháng 12-2011, một số hãng sữa ngoại như Abbott, Enfa… tăng giá 9-19%

* Ngày 23/1/2012, Vinamilk tăng giá sữa bột từ 5-7%. Tháng 10/2012, Cty Friesland Campina Việt Nam điều chỉnh tăng giá 3,8-5% đối với một số mặt hàng sữa.

* Từ 14/1/2013, hãng sữa Mead Johnson điều chỉnh tăng giá 10% với tất cả các loại sữa. Trước đó, ngày 10/1, hãng sữa Dumex thông báo tăng giá sữa từ 8,5-9%.

* Cuối tháng 2/2013, Vinamilk tăng giá một số sản phẩm 7%. Từ ngày 1/3/2013, Cty Friesland Campina Việt Nam điều chỉnh tăng giá một số sản phẩm sữa Friso và Dutch Lady từ 8-9%. Hãng sữa Abbott cũng tăng giá từ 2-9% các sản phẩm sữa. Từ 18/3, hãng sữa nội là Nutifood cũng tăng giá trung bình 10%.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Phạm Tuyên (Tiền Phong)
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN