Bất lực nhìn hàng chục tấn cá trôi sông, người nuôi “kêu trời” vì thiệt hại sau bão
“Ôi trời ơi! Trôi hết đi rồi, mất rắng hết rồi, làm gì còn gì đâu. Mẹ tôi đang tiền đình, nghĩ nhiều mà xót quá, đổ bệnh, nằm bẹp trên giường mấy ngày nay có dậy được đâu”.
Đó là chia sẻ của chị Đinh Thị Lành, người nuôi cá lồng tại thôn Khánh Hội, phường Nam Đồng, TP Hải Dương (Hải Dương) về số cá lồng của gia đình sau khi trận bão lũ lịch sử đi qua.
Chị Lành cho biết, gia đình chị nuôi hơn 20 lồng cá trên sông Thái Bình, mỗi lồng khoảng 10 tấn cá, chủ yếu là cá trắm, cá chép biểu với tổng số tiền đầu tư hàng chục tỷ đồng. Bây giờ, tất cả lồng và cá đều trôi sông hết, không còn lại gì sau cơn bão số 3.
“Cá nhà tôi toàn nuôi 2-3 năm rồi, to lắm. Chuẩn bị đến Tết này là được bán nhưng bão lũ vừa qua thì trôi hết rồi, trắng tay rồi, không còn cái gì để bán nữa rồi, còn mỗi người không”, chị Lành xót xa nói.
Mưa lũ khiến cho hàng trăm hộ dân nuôi cá ở Hải Dương bị thiệt hại nặng nề. (Ảnh: Trần Sen).
Theo chị Lành, mỗi lồng nuôi cá gia đình chị làm hết khoảng 40 triệu đồng. Những lồng thả giống cá bé, từ 50-60 con/kg sẽ hết khoảng 30-50 triệu đồng tiền giống. Những lồng thả giống cá to, sẽ hết từ 100-200 triệu đồng/lồng. Nuôi từ 2-3 năm sẽ được bán, riêng tiền thức ăn hết khoảng 15 triệu đồng/ngày.
Dự tính đến cuối năm nay, số cá nhà chị Lành sẽ cho thu hoạch nhưng tuần trước, nước lũ tràn về, nước chảy xiết khiến toàn bộ số lồng cá của gia đình bị trôi hết.
“Ban đầu nước cuộn lên khiến các lồng bị chồng xô lên nhau như đống rạ. Mấy hôm sau nước ngày càng mạnh hơn, một số nhà may mắn hơn, nước còn nông, người ta còn bắt được mang bán giải cứu với giá rẻ. Chỗ tôi nước ngập quá đầu người nên cuốn trôi hết đi, không còn gì nữa”, chị Lành nói.
Xót xa vì bao nhiêu tiền của, mồ hôi, công sức cùng toàn bộ tài sản hàng chục tỷ đồng bị cuốn trôi theo cơn lũ, bỗng chốc trắng tay, mẹ chị Lành vốn bị bệnh tiền đình, vì suy nghĩ nhiều quá, xót của nên phát bệnh nằm bẹp trên giường.
Cá lồng được người dân mua giải cứu với giá chỉ từ 30 nghìn đồng/kg.
Cùng chung cảnh ngộ nhưng may mắn hơn, gia đình ông Nguyễn Văn Trường, chủ hộ nuôi cá lồng tại xã Ngọc Sơn, TP. Hải Dương (Hải Dương) vẫn có thể kéo lên bán với giá 30 nghìn đồng/kg để giảm thiểu thiệt hại.
Ông Trường cho biết, gia đình ông nuôi 24 lồng cá trên sông Thái Bình nhưng năm nay có đến 2 lần gặp thiên tai. Lần thứ nhất là tháng 7 vừa rồi do thời tiết diễn biến thất thường, nóng lạnh đột ngột cộng với lượng oxy ở khu vực nuôi cá lồng xuống thấp, hàng trăm lồng cá trên sông Thái Bình bị yếu và chết hàng loạt, gia đình ông cũng đã bị chết khoảng 10 tấn cá.
Lượng nước lớn kèm bùn đất phù sa do mưa lũ khiến lồng cá bị hư hỏng và thiệt hại nặng nề.
“Lúc đó, ngày nào cũng đi vớt cá chết lên để bán cho mọi người mua về ủ phân bón cây. Lần này thì lũ, nước chảy xiết quá nên bị vò lưới, các vật thể cuộn cùng nước, xô vào lồng khiến cá bị chết. Nhà tôi cũng phải vớt lên cả chục tấn cá chết mang bỏ đi. Con nào còn sống thì bán với giá 30 nghìnđồng/kg”, ông Trường nói.
Theo ông Trường, mỗi lồng có khoảng 10-12 tấn cá, nuôi khoảng 1 năm sẽ được bán. Cá thường có giá từ 55-60 nghìn đồng/kg, cá chép giòn có giá từ 105-110 nghìn đồng/kg. Tuy nhiên, bây giờ, ngoài số cá chết phải vứt đi thì số cá sống chỉ bán được với giá 30 nghìn đồng/kg, lỗ nặng.
Người dân Hải Dương đã chung tay giải cứu hàng nghìn tấn cá lồng cho người nuôi cá.
Toàn tỉnh Hải Dương hiện có khoảng 8.000 lồng nuôi cá trên sông, tập trung chủ yếu ở sông Kinh Thầy và sông Thái Bình. Do ảnh hưởng của bão số 3, nước lũ dâng cao khiến bèo, rác và các vật cản, đất đá ở khu vực thượng nguồn đổ về khu vực nuôi cá gây thiệt hại nặng nề. Tính đến ngày 15/9, nước lũ đã cuốn trôi hơn 400 lồng bè nuôi cá và khiến hàng loạt cá bị chết.
Để giảm thiểu thiệt hại cho người dân nuôi cá, nhiều tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân đã hỗ trợ tiêu thụ giúp bà con nông dân. Tính đến ngày 15/9, người dân Hải Dương đã hỗ trợ tiêu thụ khoảng 1.000 tấn cá lồng.
Nguồn: [Link nguồn]
“Sau khi nước rút, tất cả trang trại gà hàng chục tỷ đồng của tôi chỉ còn một đống hoang tàn. Hơn 70.000 con gà đang đẻ trứng bị chết, hơn 140 tấn thức ăn, máy phát điện, xe ôtô tải chở gà, máy trộn cám, hệ thống quạt gió bị hư hỏng nặng vì ngập nước”.