Bất lực hay buông lỏng quản lý giá sữa?

Từ đầu tháng 3, giá sữa tiếp tục được các hãng tăng, sữa ngoại tăng khoảng 10%, sữa nội tăng khoảng 7%. Việc giá sữa tăng cao và tăng liên tục khiến dư luận đặt ra câu hỏi: Cơ quan quản lý có vai trò gì trong việc quản lý mặt hàng thiết yếu ảnh hưởng lớn đến đời sống dân sinh?

Thực tế sữa hiện là một trong danh mục 14 mặt hàng thiết yếu do Nhà nước quản lý giá. Trong đó, nhiều dòng sữa ngoại chiếm trên 70% thị phần. Theo số liệu của Tổ chức Y tế thế giới, giá bán lẻ sữa ở VN đang ở mức cao nhất thế giới. Giá bán lẻ trung bình tại VN là 1,4 USD/lít, Trung Quốc 1,1 USD/lít, Ấn Độ 0,5 USD/lít, các nước Âu - Mỹ 0,5-0,9 USD/lít...

Những “chiêu, trò” của doanh nghiệp

Nhiều nhãn sữa tăng giá từ ngày 1-3

Ghi nhận tại thị trường TP.HCM mấy ngày gần đây cho thấy giá một số mặt hàng sữa đã tăng như thông báo từ các hãng gửi đại lý, cửa hàng, siêu thị trên địa bàn.

Cụ thể, giá sữa Glucerna chocolate hộp 400g của nhãn hiệu Abbott tại nhiều cửa hàng đã niêm yết ở mức 312.500 đồng, tăng thêm gần 10.000 đồng so với trước đây. Tương tự, mặt hàng Prosure hộp 380g cũng tăng từ 349.000 đồng lên 377.000 đồng, Similac Gain hộp 360g tăng từ 264.000 đồng lên 277.000 đồng/hộp... Hệ thống siêu thị Co.op Mart cũng cho biết kể từ ngày 1-3 đã áp dụng mức giá sữa mới của Công ty Abbott.

Ngoài ra, theo thông tin từ nhiều đại lý, Công ty Friesland Campina Vietnam cũng đã thông báo sẽ tăng giá sữa kể từ đầu tháng 3 nhưng chưa có mức tăng cụ thể đối với từng mặt hàng. Đại diện công ty này giải thích do chi phí đầu vào, chi phí nguyên liệu thế giới và nhân công thời gian gần đây tăng cao nên đơn vị này buộc phải tăng giá. Với lý do tương tự, ông Trần Hữu Đức - giám đốc đối ngoại Nutifood - cho biết nguyên nhân đợt điều chỉnh giá lần này là do cả năm 2012 không điều chỉnh tăng. Mức giá sữa Nutifood mới sẽ tăng khoảng 10% kể từ ngày 18-3, riêng nhóm hàng nằm trong chương trình bình ổn sẽ áp dụng tăng từ ngày 1-4.

(DŨNG TUẤN)

Các hãng sữa có yếu tố cấu thành của nước ngoài có nhiều cách tăng giá rất tinh vi như thay đổi nhãn mác, tên gọi..., thậm chí có hãng sữa đã đổi tên sữa tới ba lần. Ngoài ra, với việc thay đổi tên sản phẩm từ sữa bột sang “sản phẩm dinh dưỡng”, các doanh nghiệp (DN) sữa đã lách được việc kê khai và đăng ký giá khi điều chỉnh. Nhiều sản phẩm sữa dành cho trẻ em được DN lách bằng cách đăng ký là sản phẩm dinh dưỡng hoặc thực phẩm bổ sung để có tăng giá cũng không bị kiểm soát.

Bên cạnh đó, theo quy định hiện nay, nếu mức giá tăng vượt “trần” 20% sẽ bị tuýt còi. Nhưng do đây là mặt hàng kinh doanh hoàn toàn theo cơ chế thị trường nên các hãng sữa có quyền chủ động đưa ra giá bán và chịu trách nhiệm với giá, miễn là mức tăng mỗi lần không quá 20% trong vòng 15 ngày liên tục. Vì vậy để “lách” quy định này, các hãng sữa vô tư điều chỉnh tăng giá bán, miễn là mức tăng mỗi lần thấp hơn quy định.

Một “chiêu trò “phổ biến khác đang được nhiều công ty áp dụng để lý giải việc tăng giá là đầu tư lớn cho việc nghiên cứu, phát triển sản phẩm mới. Đặc biệt, nhiều DN nhập khẩu sữa đã “bắt tay” với nhà sản xuất để “kê” giá lên cao hơn mức bình thường, chấp nhận chịu thuế nhập khẩu cao hơn rồi cộng thêm các chi phí khác và “thổi” giá cao...

Trong khi đó, từ đầu năm 2012 đến nay, Bộ Tài chính đã ban hành nhiều văn bản liên quan đến giá sữa. Nhưng việc thực thi các yêu cầu của các văn bản đó chưa nghiêm túc, không thường xuyên, chỉ khi nào giá có biến động mới thực hiện.

Theo quy định, chỉ mặt hàng sữa bột dành cho trẻ em (không phân biệt nội địa hay nhập khẩu) dưới 6 tháng tuổi phải đăng ký, kê khai giá bán. Còn lại, các sản phẩm sữa khác, cơ quan quản lý nhà nước chỉ kiểm tra việc niêm yết và bán theo giá niêm yết. Ngoài ra, do các DN sữa không bắt buộc phải đăng ký giá bán nên việc kiểm tra của các cơ quan nhà nước chỉ tiến hành sau khi DN tăng giá và gần như bất lực trước các đợt tăng giá sữa.

Về mặt luật, hiện đã có Luật cạnh tranh, Luật bảo vệ người tiêu dùng, bên cạnh đó là hàng loạt quy định về hạn chế mức chi phí quảng cáo, cấm quảng cáo sữa đối với trẻ em dưới 12 tháng tuổi... Tuy nhiên, hiệu quả áp dụng các văn bản luật đối với hoạt động sản xuất kinh doanh của các DN hiện vẫn chưa chặt chẽ, chưa nghiêm túc, nhiều kẽ hở khiến các DN vẫn có cơ hội lách luật để “cấu kết” với nhau tăng giá. Luật giá có hiệu lực từ ngày 1-1-2013, nhưng đến nay vẫn chưa có nghị định cũng như thông tư hướng dẫn. Hiện nay, dự thảo nghị định hướng dẫn Luật giá đang được Bộ Tài chính hoàn thiện để trình Chính phủ.

Bất lực hay buông lỏng quản lý giá sữa? - 1

Nhiều loại sữa của nhãn hàng Abbott đã tăng giá trên thị trường - Ảnh : THANH ĐẠM

Bình ổn giá sữa cách nào?

Sữa không phải mặt hàng do Nhà nước định giá, tuy nhiên Bộ Tài chính cần xây dựng nguyên tắc xác định cơ cấu giá thành đầy đủ, chính xác theo các yếu tố hình thành giá và luôn đảm bảo tính hợp lý để hình thành giá bán hợp lý. Giá bán lẻ trong nước bằng giá nhập khẩu cộng với một số chi phí và lợi nhuận hợp lý. Đây là căn cứ để cơ quan tài chính kiểm tra việc tính giá và đăng ký giá bán cũng như sự điều chỉnh giá khi có biến động chi phí đầu vào. Cơ quan thuế, hải quan cần kiểm tra số lượng, giá sữa nguyên liệu đầu vào, giá sữa thành phẩm nhập khẩu để có cơ sở so sánh với giá bán.

Cục Quản lý giá cần phối hợp chặt chẽ hơn với Bộ Công thương và các bộ ngành liên quan khác siết chặt những quy định hiện hành, xử phạt, khống chế triệt để hành vi vi phạm quy định quảng cáo, liên kết tăng giá. Thu thập những căn cứ để xem xét việc các DN có dấu hiệu bắt tay nhau tăng giá, nếu có cần xử lý nghiêm. Các cơ quan chức năng cần phối hợp chặt chẽ thường xuyên kiểm tra, kiểm soát giá tại các cơ sở đại lý, nếu có dấu hiệu đầu cơ nâng giá bất hợp lý sẽ tiến hành xử lý nghiêm theo pháp luật. Kiểm tra công tác đăng ký giá, kê khai giá và thực hiện giá bán theo giá đăng ký. Phải xem xét việc tăng giá đột biến có hợp lý không? Cơ quan chức năng thường xuyên có số liệu đối chiếu giá nhập khẩu, qua đó sẽ là căn cứ để kiểm soát giá đăng ký.

Vì lý do bí mật kinh doanh, bảng tính giá chưa bao giờ công khai để người tiêu dùng được biết chi phí, giá thành thực tế và mức hoa hồng cho đại lý hay lợi nhuận mà DN đang hưởng. Do vậy, cần công khai bảng tính giá để người tiêu dùng giám sát. Cần tập trung tìm biện pháp tiết giảm ở khâu chi phí chiết khấu giữa DN và đại lý cho hợp lý. Các DN phải cắt bớt các khâu trung gian, các khâu không cần thiết để ổn định mức chiết khấu. Cơ quan tài chính sẽ quản lý và kiểm tra các mức chiết khấu cho đại lý. 

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo PGS.TS Nguyễn Ngọc Điện (Tuổi trẻ)
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN