Bắt giữ hơn 1,6 tấn thuốc kích thích tăng trưởng giá đỗ

Ngày 27.5, Phòng Cảnh sát Phòng chống tội phạm về môi trường (PC49 - Công an tỉnh Bắc Giang) đang điều tra làm rõ vụ việc vận chuyển hơn 1.600 kg thuốc kích thích tăng trưởng giá đỗ không rõ nguồn gốc.

Theo cơ quan điều tra, khoảng 20h ngày 25.5, trên tuyến quốc lộ 1A (thuộc địa phận xã Quang Thịnh, huyện Lạng Giang, Bắc Giang), PC49 phối hợp với Đoàn Kiểm tra liên ngành cơ động phòng chống dịch động vật tỉnh Bắc Giang, Đội Quản lý thị trường số 8 huyện Lạng Giang và Công an huyện Lạng Giang, phát hiện chiếc xe ô tô tải mang biển số 12C-021.59 có biểu hiệu nghi vấn nên dừng xe kiểm tra.

Bắt giữ hơn 1,6 tấn thuốc kích thích tăng trưởng giá đỗ - 1

Lực lượng chức năng phát hiện 40 bao tải dứa chứa thuốc kích thích tăng trưởng giá đỗ.  

Đoàn kiểm tra liên ngành phát hiện, trên xe có 40 bao tải dứa giấu dưới những bao hành tỏi.

Đáng chú ý bên trong các bao tải chứa nhiều túi thuốc nhỏ, mỗi túi có 20 ống thuốc có dung tích khoảng 2ml nhưng không có bao bì nhãn mác. Tổng trọng lượng số hàng hóa trên khoảng 1.600kg.

Bắt giữ hơn 1,6 tấn thuốc kích thích tăng trưởng giá đỗ - 2

 Mỗi ông thuốc kích thích tăng trưởng giá đỗ có dung tích khoảng 2ml và không có bao bì nhãn mác. 

Tại thời điểm kiểm tra, lái xe Hoàng Ngọc Hưng (SN 1971, trú tại Hoàng Việt, Văn Lãng, Lạng Sơn) không xuất trình được giấy tờ chứng minh nguồn gốc xuất xứ số hàng.

Theo điều tra ban đầu, số thuốc trên là thuốc kích thích tăng trưởng giá đỗ có nguồn gốc từ Trung Quốc và được chủ xe vận chuyển từ Tân Thanh (Lạng Sơn) về Từ Sơn (Bắc Ninh) để tiêu thụ.

Mối nguy hại từ giá đỗ, rau mầm dùng thuốc kích thích

Trước đó, trả lời phóng viên Dân Việt hồi tháng 11.2013, TS Nguyễn Duy Thịnh - Viện Công nghệ sinh học và công nghệ thực phẩm - ĐH Bách khoa Hà Nội cho biết, việc sử dụng thuốc tăng trưởng sẽ cho để thúc rau mầm, giá đỗ là hành vi rất nguy hiểm.

Theo Nguyễn Duy Thịnh, qua kiểm nghiệm, thành phần trong thuốc “thúc” rau mầm, giá đỗ thường bao gồm các chất p-chlorophenoxyacetic axit và 6-benzylaminopurine được hòa tan trong dung dịch Na2CO3. Cả 2 hợp chất này, đều không có trong danh mục các hóa chất được phép sử dụng trong thực phẩm do Bộ Y tế quy định và cũng không có trong danh mục các thuốc bảo vệ thực vật, thuốc tăng trưởng được phép sử dụng do Bộ NNPTNT quy định. Nếu ăn phải các sản phẩm có chất kích thích này thì sức khỏe của người tiêu dùng sẽ bị ảnh hưởng, thậm chí có nguy cơ mắc các chứng bệnh nguy hiểm.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Phương Tiến – Nguyễn Hường ([Tên nguồn])
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN