Bất chấp lệnh cấm, đuông dừa vẫn được bán tràn lan trên mạng xã hội
Việc nuôi và buôn bán đuông dừa bị nghiêm cấm dưới mọi hình thức theo quy định của Nhà nước. Tuy nhiên, nhiều người vẫn bất chấp lệnh cấm để buôn bán mặt hàng này kiếm lời trong thời gian gần đây.
Đuông dừa là sinh vật gây hại với cây dừa nên việc nuôi, buôn bán con vật này đã bị nghiêm cấm dưới mọi hình thức theo Pháp lệnh Bảo vệ và Kiểm dịch thực vật năm 2001 và Công văn số 1955 ngày 27/9/2013 của Cục Bảo vệ thực vật,
Vào 7/2016, một nhà hàng ở Bến Tre bị phạt 6 triệu đồng về hành vi bán đuông dừa cho thực khách, đồng thời yêu cầu cam kết không tái phạm. Đây cũng là trường hợp đầu tiên bị xử phạt về hành vi kinh doanh, phát tán đuông dừa theo nghị định 31 của Chính phủ quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giống cây trồng, bảo vệ và kiểm dịch thực vật.
Dù đã có lệnh cấm cách đây vài năm, người dân vẫn lét lút nuôi và bán cho các tiểu thương. Nhiều nhà hàng, người kinh doanh cũng nhập sản phẩm này về bán. Vì vậy, người tiêu dùng tìm sản phẩm này cũng dễ dàng, muốn mua số lượng bao nhiêu cũng có vì được rao bán rất công khai trên mạng xã hội. Chỉ cần gõ tìm kiếm “đuông dừa”, là thấy hàng loạt bài viết đăng bán sản phẩm này trên khắp cả nước.
Bất chấp lệnh cấm, tiểu thương vẫn buôn bán đuông dừa công khai.
Chị Hồng Nhung, một người bán duông dừa ở Quy Nhơn, cho hay đuông dừa là sản phẩm bán rất chạy trong thời gian gần đây. Khách hàng trên khắp cả nước đặt mua. Với các khách ở miền Trung và miền Bắc, họ sẽ phải lấy từ 100 con đuông dừa trở lên, còn người mua ở khu vực miền Nam thì lấy số lượng bao nhiêu cũng được.
“Sản phẩm này không có sẵn, người mua đều phải đặt trước để đảm bảo đuông dừa còn sống. Vì đuông dừa chỉ sống ở ngoài môi trường khoảng 5 ngày nên khách đặt chị mới mua của người nuôi. Chị cũng đảm bảo đây 100% là đuông dừa Bến Tre”, chị khẳng định.
Chị còn chia sẻ thêm những người ở xa đặt hàng chủ yếu là khách buôn. Khi chuyển xe, chị sẽ đóng vào thùng thoáng mát và nhà xe quen để sản phẩm được đảm bảo chất lượng. Chị cho biết, sản phẩm này đang “hot” trên thị trường nên khách hàng lấy số lượng lớn cũng không lo mặt hàng này ế ẩm.
Đối với khách mua số lượng ít, chị bán với giá 10.000 đồng/con. Còn với khách mua buôn, giá sẽ giảm dần tùy vào số lượng đặt mua.
Người tiêu dùng dễ dàng đặt mua đuông dừa với số lượng không giới hạn.
Liên hệ với một đầu mối buôn đuông dừa ở Bắc Từ Liêm (Hà Nội), người bán cho biết sản phẩm này cũng cần đặt hàng trước. Khách lấy số lượng bao nhiêu cũng được và mỗi con được bán với giá dao động từ 10.000 – 12.000 đồng/con.
Theo người này, đuông dừa có thể chế biến thành nhiều món đặc sản như hấp, nấu cháo, luộc, rang, ăn sống, tẩm bột chiên… Tuy nhiên, đuông dừa ăn sống là ngon nhất vì đảm bảo tươi sống và giữ nguyên được độ ngậy.
“Mặt hàng này đang được nhiều người Hà Nội chuộng mua nên khách đặt mua số lượng lớn cũng khá nhiều. Trung bình mỗi ngày mình bán được hàng trăm con đuông dừa”, người bán này cho hay.
Người bán này cũng thừa nhận bản thân biết lệnh cấm nhưng vẫn bán bình thường. “Mình đã vận chuyển khá nhiều hàng ra các tỉnh khác nhau mà chưa từng gặp vấn đề gì. Mình cũng chỉ bán online và đặt hàng theo nhu cầu của khách nên không ảnh hưởng gì”, người này nhận định.
Không chỉ người bán này, những tiểu thương khác cũng biết đến lệnh cấm này nhưng bất chấp vì lợi nhuận từ sản phẩm này khá cao.
Món ăn côn trùng tưởng chừng khiến nhiều chị em kinh sợ, tránh xa này lại đặc biệt được yêu thích vì vừa béo, vừa...